Dân biểu Perry: Thế giới phải lên án để ngăn chặn nạn thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ
Vào Ngày Nhân quyền Quốc tế, một nhóm các nhà lập pháp đến từ Hoa Kỳ và các quốc gia khác đã tuyên bố rằng Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đang công nghiệp hóa việc sát hại các tù nhân lương tâm để thu hoạch nội tạng của họ, và hành vi này phải được ngăn chặn.
“Những người bị họ lấy nội tạng là những người còn sống,” Dân biểu Hoa Kỳ Scott Perry (Cộng Hòa-Pennsylvania) cho biết tại một hội thảo trên web hôm 10/12 do Tổ chức Bác sĩ Chống Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức (DAFOH), một nhóm về y đức có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, tổ chức.
Ông nói: “Chúng ta phải lên án những âm mưu xấu xa của ĐCSTQ, việc này đòi hỏi phải làm nổi bật hành động ác ý coi thường các tiêu chuẩn căn bản về đạo lý làm người của đảng này”.
Một tòa án nhân dân độc lập năm 2019 cho biết trong nhiều năm qua, nhà cầm quyền Trung Quốc đã tham gia hoạt động cưỡng bức thu hoạch nội tạng của các tù nhân lương tâm trên một “quy mô lớn”. Hoạt động này liên quan đến việc nội tạng của tù nhân bị mổ lấy trong khi họ vẫn còn sống, sau đó bán cho người dân địa phương và du khách đang chờ cấy ghép, một công việc kinh doanh man rợ mang lại lợi nhuận đáng kể cho nhà cầm quyền này và những người liên quan.
Tòa án đã phát hiện ra rằng nguồn chính của những cơ quan nội tạng này là từ các học viên Pháp Luân Công bị cầm tù, và cho biết thêm rằng họ không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ngừng thu hoạch tạng.
Pháp Luân Công là một môn tu luyện tinh thần gồm các bài tập tĩnh tại và các bài giảng đạo đức dựa trên các nguyên lý về chân, thiện, và nhẫn. Môn tu luyện này đã thu hút khoảng 70 đến 100 triệu người theo học ở Trung Quốc tính đến năm 1999, khi nhà cầm quyền coi sự phổ biến rộng rãi của Pháp Luân Công là một mối đe dọa và ra lệnh bắt đầu một chiến dịch mở rộng nhằm tiêu diệt những người theo học môn này.
Kể từ đó, hàng triệu người trong nhóm này đã phải chịu đựng đau khổ trong nhiều cơ sở tra tấn và giam giữ khác nhau suốt hai thập niên qua.
Ông Perry đã mô tả cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công của ĐCSTQ là “tà ác và đồi bại”. Ông nói rằng trong những ngày tới, ông sẽ công bố một dự luật nhằm truy cứu các thủ phạm thu hoạch nội tạng cưỡng bức.
Với tiêu đề Đạo luật Bảo vệ Pháp Luân Công, dự luật này sẽ buộc nhà cầm quyền Trung Quốc phải “từ bỏ kế hoạch tiêu diệt tàn bạo và thoái trào” đối với nhóm đức tin này — cho dù bằng cách thu hoạch nội tạng cưỡng bức, bỏ tù oan, hay cưỡng bức lao động, ông Perry nói.
‘Thương mại hóa việc sát nhân’
Trong chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới [của mình], một cuộc triển lãm gây tranh cãi mang tên “Real Bodies” (“Cơ Thể Người Thật”) trưng bày các bộ phận cơ thể người được nhựa hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc cũng đã đặt ra những câu hỏi đáng lo ngại. Các bộ phận cơ thể người được nhựa hóa có nguồn gốc từ Đại Liên, một thành phố thuộc vùng đông bắc Trung Quốc được biết đến với chiến dịch bức hại nghiêm trọng đối với Pháp Luân Công.
Ông Philip Hunt, một thành viên của Hạ viện Anh Quốc, nhớ lại rằng một cuộc triển lãm như vậy từng được trưng bày ở quê hương Birmingham của ông hồi năm 2018. Ông nói, mặc dù được quảng cáo là một cách “gợi lên suy nghĩ” để “khám phá hoạt động bên trong của hình dạng con người”, nhưng những cơ thể đó đã được sử dụng mà không có bằng chứng rõ ràng về sự chấp thuận. Ông cho biết thêm rằng cho đến năm 2013, Đại Liên là nơi đặt một trại lao động cưỡng bức có nhiệm vụ tra tấn những người tu luyện Pháp Luân Công bị giam giữ.
Ông Hunt đã giới thiệu “Dự luật Du lịch Ghép tạng và Trưng bày Tiêu bản người” nhằm mục đích ngăn chặn “triển lãm tiêu bản người lưu động rùng rợn” này và ngăn cản công dân Anh Quốc đến Trung Quốc để cấy ghép nội tạng. Dự luật đã được đọc lần thứ hai tại Hạ viện hồi tháng Bảy, nhưng vẫn chưa được thông qua.
Ông Hunt nói tại hội đồng rằng, “Việc khai thác thương mại các bộ phận cơ thể người dưới mọi hình thức chắc chắn là phi đạo đức và xấu xa. Khi nó được kết hợp với hoạt động sát nhân hàng loạt của một nhà nước độc tài, chúng ta không thể khoanh tay đứng nhìn và không làm gì cả”.
Ông nói, thu hoạch nội tạng cưỡng bức là “hành vi sát nhân được thương mại hóa và không nghi ngờ gì nữa, là một trong những tội ác xấu xa nhất”.
Theo ông Perry, trái với sự đàn áp của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác ở Tân Cương, vốn đã bị các cơ quan chính phủ khác nhau xác định là tội diệt chủng, cuộc bức hại Pháp Luân Công của nhà cầm quyền này vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Một số chuyên gia đã mô tả chiến dịch này, trong đó có cả việc thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ, là hành động diệt chủng.
Ông Perry nói rằng trong chính sách Trung Quốc của Hoa Kỳ “thiếu sót nghiêm trọng” một định nghĩa về bản chất của chiến dịch chống lại Pháp Luân Công của nhà cầm quyền này. Ông cho hay dự luật của ông sẽ thúc đẩy Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ quyết định chính thức xem liệu cuộc bức hại có cấu thành tội ác chống lại nhân loại và tội diệt chủng hay không.
Nghị viên Canada Garnett Genuis cho biết, để chấm dứt những hành vi lạm dụng đang diễn ra này, những người được sống trong tự do cần phải lên tiếng.
Ông Genius cho biết bà của ông là người sống sót sau thảm họa diệt chủng Holocaust và sẽ không thể sống nếu thiếu sự giúp đỡ của những người dân địa phương đồng cảm, những người đã cho bà chỗ trú ngụ và phản đối việc sát nhân.
Ông Genuis nói rằng sau Đệ nhị Thế chiến, thế giới đã cam kết sẽ “không bao giờ” để loại lạm dụng kinh hoàng này lặp lại, nhưng đã không thành công. Giờ đây thế giới có nghĩa vụ phải “can thiệp khi chúng ta còn có thể can thiệp, làm những gì chúng ta có thể làm để thực hiện tốt lời hứa đó”.
Bà Annick Ponthier, một chính trị gia người Bỉ, lần đầu tiên biết về nạn thu hoạch nội tạng hồi năm 2020 sau khi xem phán quyết của tòa án năm 2019. Bà Ponthier cho biết hiện bà muốn đất nước của mình và toàn Liên minh Âu Châu hãy chấm dứt các thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc để tránh trở thành “đồng phạm với những tội ác lớn mà họ phạm phải”.
Chính quyền Bắc Kinh “không quan tâm đến mạng sống của con người, nếu những mạng người đó không giúp họ tiến xa hơn trong nghị trình Cộng Sản nội bộ và tham vọng trở thành siêu cường toàn cầu của mình,” bà Ponthier nói.
Với việc nhà cầm quyền này không có ý định hạn chế mô hình chuyên chế của mình nội trong biên giới Trung Quốc, lập trường chống lại Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã “trở thành lập trường vì nhân quyền trên toàn thế giới,” bà cho biết.
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times chuyên đưa tin về Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền.
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: