Dân biểu Ken Buck: Không có chỗ cho Thuyết Sắc tộc Trọng yếu trong quân đội
Dân biểu Ken Buck (Cộng Hòa-Colorado) muốn lực lượng vũ trang của Hoa Kỳ chuyên chú hơn vào “sự sẵn sàng của quân đội, chứ không phải là sự thức tỉnh của quân đội” và hy vọng sẽ đặt một dấu chấm hết cho Thuyết Sắc tộc Trọng yếu “nguy hiểm và gây chia rẽ” đang được giảng dạy cho bộ phận nam và nữ quân nhân này.
Hôm 14/09, Ông Buck đã đệ trình một bản sửa đổi đối với Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) năm 2022, trong đó định rõ ngân sách và chi tiêu hàng năm của Bộ Quốc phòng, liên quan đến các thông lệ có tính đa dạng, công bằng và hòa hợp được quy định bắt buộc tại Bộ Quốc phòng khi nói đến việc huấn luyện quân nhân.
Ông Buck chỉ là một trong số nhiều nhà lập pháp của Đảng Cộng Hòa phản đối Thuyết Sắc tộc Trọng yếu (CRT) vì lo ngại rằng việc rao giảng lý thuyết chủ nghĩa Marx này cho quân nhân sẽ chỉ khiến làm sa sút tinh thần gắn kết và hiệu quả chiến đấu của họ khi phải chống lại các mối đe dọa thực tế mà Hoa Kỳ phải đối mặt, chẳng hạn như những mối đe dọa mà các nhóm khủng bố đặt ra.
Thuyết CRT định nghĩa lại lịch sử nhân loại là một cuộc đấu tranh giữa “những kẻ áp bức” – thường được nhìn nhận là người da trắng – và “những người bị áp bức” – các nhóm sắc tộc khác – tương tự như việc chủ nghĩa Marx rút gọn lịch sử thành cuộc đấu tranh giữa “giai cấp tư sản” và “giai cấp vô sản”.
Nhìn chung, những người theo thuyết CRT tin rằng Hoa Kỳ là quốc gia phân biệt chủng tộc một cách có hệ thống, rằng sự áp bức chủng tộc luôn hiện hữu, và rằng các thể chế xuất sinh trong các xã hội da trắng đa số là phân biệt chủng tộc và “theo chủ nghĩa thượng tôn da trắng”. Thuyết này đã dần được khuếch trương trong những thập niên gần đây thông qua các học viện, cơ cấu chính phủ, hệ thống trường học và giới doanh nghiệp.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, ông Buck cho biết ông tin rằng thuyết CRT – vốn đã càng trở thành tâm điểm chú ý hơn sau sự qua đời của ông George Floyd khi bị cảnh sát bắt giam vào ngày 25/05/2020 – “không có chỗ” trong quân đội Hoa Kỳ, và ông nói thuyết này là “nguy hiểm và gây chia rẽ”.
Ông nói, “Tôi nghĩ rằng có những lý thuyết chính trị đang được tán đồng ở đất nước này, chẳng hạn như Thuyết Sắc tộc Trọng yếu, là nguy hiểm và gây chia rẽ và không có chỗ trong quân đội.”
“Nếu chúng ta muốn có những cuộc thảo luận đó trong phạm vi riêng tư, trên thị trường của những ý tưởng, chúng ta chắc chắn có thể có những cuộc thảo luận đó. Nhưng để yêu cầu các quân nhân trong quân đội phải được đào tạo về Thuyết Sắc tộc Trọng yếu và phải có các sĩ quan hòa hợp và đa dạng trong Bộ Quốc phòng, tôi nghĩ việc này làm suy yếu kỷ luật cần thiết mà chúng ta cần có trong quân đội để thực hiện phận sự.”
Những người ủng hộ thuyết CRT, chẳng hạn như Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, đã biện hộ cho việc giảng dạy thuyết này trong cơ cấu quân đội Hoa Kỳ, nói rằng ông muốn “thấu hiểu cơn thịnh nộ của người da trắng” và điều quan trọng là các thành viên quân đội phải “thật cởi mở và được đọc thật nhiều.”
Ông Buck không đồng ý với quan điểm này, ông nói rằng thay vào đó quân đội nên tập trung sự chú ý vào “việc giành chiến thắng trong các cuộc chiến”, chứ không phải là dành nhiều giờ đồng hồ để được huấn luyện về “các vấn đề xã hội”.
Ông nói “Bất cứ lúc nào chúng ta yêu cầu hàng giờ đồng hồ huấn luyện về tính đa dạng, hòa hợp, và các lĩnh vực khác, thì chúng ta sẽ lấy mất thời gian mà quân đội của chúng ta thực sự tham dự vào các hoạt động mà vốn sẽ cứu lấy tính mạng của họ. Việc huấn luyện này rất quan trọng đối với họ.”
“Tôi nhớ đã nói chuyện với một vị tướng vài năm trước đây, và chính phủ ông Obama yêu cầu thêm nhiều giờ huấn luyện hơn trong một tháng cụ thể so với [thời lượng] các quân nhân đã làm việc trong tháng đó.
“Nói cách khác, hơn 40 giờ một tuần họ phải tham gia loại hình huấn luyện đa dạng này, mà không phải là ở trên thực địa để luyện tập và huấn luyện về những thứ mà vì đó họ đã gia nhập quân đội.”
Ông Buck lưu ý rằng việc đặt quá nhiều gánh nặng vào hoạt động giảng dạy các vấn đề xã hội cho các quân nhân cũng có thể thực sự tăng thêm gián cách giữa người Mỹ với nhau dựa trên chủng tộc của họ, cùng với những điều khác. Và kết quả là “làm mất đi sự gắn kết cần thiết để tạo ra một lực lượng chiến đấu thống nhất.”
Ông nói: “Việc đó làm giảm tính sẵn sàng về quân sự của chúng ta đối với tất cả các mối đe dọa ngoài kia — Trung Quốc, là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh của đất nước này,” đồng thời ông cũng lưu ý về Nga, Iran, Bắc Hàn, và các nhóm khủng bố đang đặt ra mối đe dọa đối với Hoa Kỳ.
Cô Katabella Roberts là một phóng viên hiện đang sống tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cô đưa tin về tin tức nói chung và tin kinh doanh cho The Epoch Times, tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ.
Bản tin có sự đóng góp của Cathy He
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: