Dân biểu Jim Jordan cảnh báo sẽ gửi trát lệnh cho Tòa Bạch Ốc về vấn đề kiểm duyệt mạng xã hội
Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jim Jordan (Cộng Hòa-Ohio) đã cảnh báo sẽ ban hành trát lệnh đối với Tòa Bạch Ốc để yêu cầu cung cấp hồ sơ về cách thức mà nhánh hành pháp được cho là đã thông đồng với các công ty truyền thông xã hội để đàn áp quyền tự do ngôn luận của người Mỹ.
Ông Jordan đưa ra yêu cầu trên trong một bức thư (pdf) gửi Chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc Jeff Zients hôm 15/06, yêu cầu ông chuyển hồ sơ về cách thức Tòa Bạch Ốc “đã cưỡng ép và thông đồng với các công ty và các bên trung gian khác để kiểm duyệt ngôn luận.”
Yêu cầu này được đưa ra trong bối cảnh Tiểu ban Đặc biệt Hạ viện về Vũ khí hóa Chính phủ Liên bang do ông Jordan làm chủ tịch đang điều tra các cáo buộc rằng chính phủ Tổng thống (TT) Biden đã gây áp lực buộc Big Tech phải ngăn chặn các quan điểm bất đồng.
Theo bức thư, hồi tháng Tư Ủy ban của ông Jordan đã yêu cầu Tòa Bạch Ốc cung cấp thông tin về mối quan hệ của họ với các tổ chức thuộc khu vực tư nhân trong khuôn khổ cuộc điều tra này, nhưng ông Richard Sauber, biện lý đặc biệt của tổng thống, đã từ chối không làm vậy.
Lý do mà ông Sauber đưa ra là ủy ban trước tiên nên tìm kiếm thông tin từ các cơ quan hành pháp, nhưng ông Jordan đã bác bỏ lập luận này, xem đó là “không thuyết phục” vì một số tài liệu được tìm kiếm chỉ thuộc về sở hữu duy nhất của Văn phòng Điều hành Tổng thống (EOP).
“Do đó, chúng tôi nhắc lại yêu cầu của mình về các tài liệu cần thiết để thúc đẩy quá trình giám sát của chúng tôi và thông báo về các cải tổ lập pháp tiềm năng,” ông Jordan viết.
Ông cho ông Zients thời hạn đến ngày 29/06 để tuân thủ yêu cầu cung cấp hồ sơ, cảnh báosẽ ban hành trát lệnh nếu cần.
Ông nói: “Xin lưu ý rằng Ủy ban có thể buộc phải sử dụng đến quy trình bắt buộc nếu những yêu cầu này vẫn chưa được giải quyết.”
Ông Jordan nói thêm rằng “đã có nhiều bằng chứng cho thấy Tòa Bạch Ốc đóng một vai trò duy nhất trong việc thúc giục và chỉ thị các công ty truyền thông xã hội áp đặt kiểm duyệt dựa trên quan điểm.”
“Dựa trên bằng chứng này, và vì vị thế đặc biệt của EOP trong cơ quan hành pháp, Ủy ban có lý do chính đáng để tin rằng những tài liệu bổ sung tồn tại dưới sự lưu giữ và kiểm soát của EOP sẽ giúp Ủy ban hiểu được bản chất và mức độ tham gia của EOP trong kế hoạch kiểm duyệt này,” ông nói thêm.
Tòa Bạch Ốc đã không phúc đáp yêu cầu bình luận.
Các trát lệnh trước đó
Ông Jordan đang làm việc với tiểu ban “vũ khí hóa” để điều tra các vấn đề liên quan đến cáo buộc vi phạm quyền tự do dân sự của công dân Mỹ.
Các tài liệu mà các phóng viên được cấp quyền truy cập vào các tệp tin nội bộ của Twitter đưa ra ánh sáng và tài liệu được cung cấp trong một vụ kiện do một số tiểu bang đệ trình kiện chính phủ liên bang đã cho thấy rằng các quan chức của các cơ quan liên bang thường xuyên liên lạc với Twitter và các đại công ty công nghệ (Big Tech) khác.
Các tài liệu và vụ kiện cho thấy hành động của các quan chức xoay quanh việc nhắm đến các nội dung bị cáo buộc là tin giả và thông tin sai lệch, bao gồm cả việc đưa ra yêu cầu kiểm duyệt những người dùng cụ thể.
Như một phần của cuộc điều tra này, hồi tháng Tư ông Jordan đã gửi trát lệnh tới một số quan chức hàng đầu của chính phủ TT Biden về việc chính phủ này phối hợp với Big Tech để kiểm duyệt người dùng.
Hôm 28/04, ông Jordan đã gửi trát lệnh tới Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), Tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng (CISA) Jen Easterly, và ông James Rubin, một quan chức tại Trung tâm Hợp tác Toàn cầu (GEC) của Bộ Ngoại giao.
Trong các lá thư kèm theo trát lệnh, ông Jordan nói rằng cả ba người này đều đã phản hồi không đầy đủ các yêu cầu cung cấp hồ sơ liên lạc giữa các cơ quan tương ứng của họ và các nền tảng truyền thông xã hội.
“Tự do ngôn luận là một trong những quyền quan trọng nhất mà chúng ta có ở đất nước này,” ông Jordan nói với tờ Washington Examiner hồi tháng Tư.
Ông nói thêm: “Sự thông đồng giữa chính phủ liên bang của chúng ta và Big Tech làm suy yếu các nguyên tắc của Tu chính án thứ Nhất và cần được điều tra.”
Mặc dù CDC và GEC đã không phản hồi yêu cầu bình luận vào thời điểm đó, nhưng một phát ngôn viên của Bộ An ninh Nội địa, cơ quan chủ quản của CISA, đã nói với The Epoch Times trong một thư điện tử trước đó rằng bộ “không kiểm duyệt ngôn luận và không yêu cầu các công ty truyền thông xã hội gỡ bỏ nội dung.”
“Thay vì làm việc với Bộ, như nhiều ủy ban đã làm trong Quốc hội nhiệm kỳ này, Ủy ban Tư pháp Hạ viện đã leo thang một cách không cần thiết khi ban hành một trát lệnh,” vị phát ngôn viên này nói với The Epoch Times trong một thư điện tử, đồng thời cho biết thêm rằng cơ quan này “sẽ tiếp tục hợp tác một cách phù hợp với các yêu cầu giám sát của Quốc hội, thực hiện tất cả những điều đó trong khi làm việc một cách đáng tin cậy để bảo vệ quốc gia chúng ta khỏi chủ nghĩa khủng bố và bạo lực có chủ đích, bảo vệ biên giới của chúng ta, ứng phó với thiên tai, chống lại các cuộc tấn công mạng, v.v.”
‘Quyết tâm truy đuổi những người bảo tồn truyền thống’
Đầu tháng Hai, ông Jordan đã gửi trát lệnh tới các giám đốc điều hành của các công ty Big Tech hàng đầu của Hoa Kỳ như một phần của cuộc điều tra “vũ khí hóa.”
“Hôm nay, Chủ tịch Tư pháp Hạ viện Jim Jordan đã gửi trát lệnh tới các giám đốc điều hành của Alphabet, Amazon, Apple, Meta, và Microsoft để cung cấp các tài liệu và thông tin liên lạc liên quan đến việc chính phủ liên bang được cho là thông đồng với Big Tech để đàn áp quyền tự do ngôn luận,” văn phòng của ông Jordan cho biết trong một tuyên bố gửi qua thư điện tử cho The Epoch Times.
“Ủy ban Tư pháp Hạ viện đã nhiều lần cố gắng hợp tác với năm công ty này kể từ tháng Mười Hai năm ngoái,” thông cáo tiếp tục. “Thật không may, các công ty đã không tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của chúng tôi.”
Ông Jordan đang đề cập đến một loạt các bức thư đề ngày 14/12/2022 mà văn phòng của ông gửi cho các giám đốc điều hành của các công ty công nghệ khác nhau.
Trong trích đoạn từ bức thư gửi các giám đốc điều hành được đăng trên trang web của ông, ông Jordan cáo buộc rằng các công ty Big Tech đã thông đồng với chính phủ TT Biden để đàn áp những tiếng nói bảo tồn truyền thống.
“Các công ty công nghệ lớn quyết tâm truy đuổi những người bảo tồn truyền thống, và ngày càng sẵn sàng phá hoại các giá trị của Tu chính án thứ Nhất bằng cách tuân thủ các chỉ thị của chính phủ Tổng thống Biden nhằm ngăn chặn quyền tự do ngôn luận trực tuyến,” ông Jordan viết.
Bản tin có sự đóng góp của Joseph Lord và Zachary Stieber
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times