Dân biểu Hoa Kỳ tìm cách gây áp lực buộc Trung Quốc ngừng các hành vi vi phạm nhân quyền tàn bạo
Dân biểu Chris Smith (Cộng Hòa-New Jersey) cho biết ông sẽ sớm đưa ra một đề nghị mới nhằm buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền của mình, đồng thời thúc đẩy luật pháp đang bị đình trệ nhằm ngăn chặn hoạt động thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm do Bắc Kinh hậu thuẫn.
Đề nghị này sẽ khiến Trung Quốc mất quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) trừ khi chế độ cộng sản này cho thấy “những nỗ lực nghiêm túc và bền vững, hoặc bằng chứng về bảo vệ nhân quyền,” ông Smith cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với chương trình “American Thought Leaders” của EpochTV.
“Chúng ta có đòn bẩy. [Trung Quốc] là một nền kinh tế xuất cảng. Nếu không có điều đó, thì nền kinh tế của họ sẽ bị đình trệ,” ông Smith nói. “Nếu đó là những gì cần thiết để bảo vệ người dân của họ khỏi hoàn cảnh giống nô lệ, thì chúng ta phải làm điều đó.”
Năm 2000, Quốc hội đã thông qua dự luật trao cho Trung Quốc quy chế tối huệ quốc vĩnh viễn, hiện nay được gọi là PNTR, mở đường cho việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Quy chế này đã mở cửa thị trường Hoa Kỳ cho các sản phẩm của Trung Quốc với các lợi thế thương mại như giảm thuế quan.
Kể từ đó, hàng hóa Trung Quốc đã tràn ngập thị trường Hoa Kỳ, gây thiệt hại cho hàng triệu công việc sản xuất của người Mỹ. Thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Trung Quốc cũng đồng thời tăng lên.
Việc tước bỏ quy chế thương mại của Trung Quốc sẽ gây tổn hại sâu sắc đến nền kinh tế Trung Quốc, bởi vì Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.
“Tôi nghĩ nếu chúng ta thực hiện tốt đạo luật về Tân Cương, và nếu chúng ta thực hiện dự luật của tôi, thì tôi nghĩ chúng ta sẽ chứng kiến sự cải tổ,” ông Smith cho biết, đồng thời đề cập đến Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức Người Duy Ngô Nhĩ, được ban hành vào cuối năm ngoái và cấm tất cả các mặt hàng nhập cảng từ khu vực Tân Cương xa xôi phía tây của Trung Quốc vì lo ngại lao động cưỡng bức.
Ở Tân Cương, hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác hiện đang bị giam giữ trong các trại tập trung, nơi họ được biết đến là đối tượng của các hành vi ngược đãi bao gồm tra tấn, cưỡng bức lao động, và cưỡng bức triệt sản. Cả chính phủ cựu Tổng thống Trump và chính phủ Tổng thống Biden đều chỉ định các chính sách của Bắc Kinh ở vùng Tân Cương là “tội ác diệt chủng” và “tội ác phản nhân loại.”
“Đảng Cộng sản Trung Quốc [ĐCSTQ] là độc ác. Là tàn nhẫn. Họ sử dụng hình thức tra tấn như một yếu tố bảo đảm sự tuân thủ của mọi người,” ông Smith nói. “Tra tấn là phương tiện để họ làm mọi thứ. … Vấn đề này hoàn toàn có ở khắp mọi nơi.”
Ông Smith nhớ lại năm 1995 khi nhà sư Tây Tạng Palden Gyatso đem một cây kích điện gia súc đến điều trần trước Quốc hội, nói với các nhà lập pháp về việc một thiết bị như vậy bị luồn vào miệng ông như một trong nhiều kiểu tra tấn khác nhau mà ông phải chịu đựng khi bị giam cầm ở Trung Quốc.
Tại phiên điều trần đó hơn 20 năm trước, ông Gyatso cho biết (pdf) ông cũng bị tra tấn bằng cách bị treo lơ lửng trên không trong khi bị đánh bằng báng súng trường, đâm bằng lưỡi lê, và bị bỏng bởi nước nóng.
Ông Gyatso đã bị bắt vào năm 1959, năm diễn ra cuộc Nổi dậy Tây Tạng, trước khi ở trong các nhà tù của Trung Quốc trong 33 năm tiếp theo. Ông được trả tự do vào năm 1992 và sau đó sống lưu vong ở Ấn Độ. Ông qua đời ở tuổi 85 vào năm 2018.
“Họ đặt những cây kích điện gia súc đó vào bộ phận sinh dục, trong miệng, dưới cánh tay, tất cả những nơi cực độ nhạy cảm, và họ tra tấn người ta đến mức tan nát và tử vong,” ông Smith cho biết. “Và họ sử dụng cách thức này để chống lại Pháp Luân Công, những người theo đạo Cơ Đốc, những người theo đạo Phật, người Duy Ngô Nhĩ, hay bất kỳ người bất đồng chính kiến nào.”
Pháp Luân Công
Minghui.org (Minh Huệ), một trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ theo dõi cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc, đã ghi lại cái chết kinh hoàng vào năm 2000 của bà Trần Tử Tú (Chen Zixiu), người đã bất tỉnh và tử vong sau khi bị tra tấn — bao gồm cả bằng những lần giật điện liên tục từ một cây kích điện gia súc — trong suốt hai ngày tại một nhà tù ở Trung Quốc.
Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần liên quan đến các bài tập chậm rãi và các bài giảng đạo đức. Kể từ năm 1999, hàng triệu học viên Pháp Luân Công đã bị giam giữ trong các nhà tù, trại lao động, và các cơ sở khác ở Trung Quốc, với hàng trăm ngàn người bị tra tấn khi bị giam giữ, theo ước tính từ Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp.
Các học viên bị giam giữ cũng là những nạn nhân của hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức do nhà nước hậu thuẫn của Trung Quốc, một tội ác từng được một cựu quan chức thuộc chính phủ cựu Tổng thống Trump mô tả là “tội diệt chủng”.
Ông Smith nói: “Quả là hành vi lạm dụng kinh khủng khi nghĩ đến việc quý vị có thể sẽ phải mất đi các bộ phận chính của cơ thể mình với ý định rằng cuối cùng quý vị sẽ tử vong.”
“Thu hoạch nội tạng không chỉ trở thành một cách để đàn áp mà còn là một cách kiếm lợi nhuận khổng lồ cho chế độ độc tài này bằng việc đánh cắp nội tạng của họ và bán các cơ quan này theo đúng nghĩa đen.”
Trung Quốc là điểm đến hàng đầu của khách du lịch ghép tạng vì các bệnh viện Trung Quốc có khả năng tìm nội tạng phù hợp cho bệnh nhân trong vòng vài ngày hoặc vài tuần, nhanh hơn nhiều so với các nước phát triển có hệ thống hiến tạng đã thiết lập. Chính quyền Trung Quốc đã bác bỏ những cáo buộc về việc họ tiến hành thu hoạch nội tạng, gọi đó là “tin đồn” và cho biết nước này có một hệ thống hiến tạng quốc gia để thu mua nội tạng.
Năm 2019, một tòa án nhân dân có trụ sở tại London đã kết luận (pdf) rằng hoạt động cưỡng bức thu hoạch nội tạng được nhà nước hậu thuẫn đang diễn ra trên một “quy mô đáng kể” ở Trung Quốc, với các học viên Pháp Luân Công là nguồn cung cấp nội tạng chính.
Tháng 03/2021, các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã giới thiệu lại một lần nữa dự luật tại Thượng viện và Hạ viện để ngăn Trung Quốc tìm nguồn cung cấp nội tạng từ các tù nhân lương tâm. Ông Smith là tác giả chính của dự luật Hạ viện H.R.1592, trong khi dự luật Thượng viện S.602 được giới thiệu bởi hai thượng nghị sĩ Tom Cotton (Cộng Hòa-Arkansas) và Chris Coons (Dân Chủ-Delaware).
Ông Smith nói rằng, “Vì vậy, cốt lõi của nó [dự luật này] là ý tưởng về việc xử phạt cá nhân đối với các thủ phạm của những tội ác tày trời này. Và chúng tôi vẫn chưa thể đưa dự luật này ra thảo luận hoặc bỏ phiếu, điều này thật đáng tiếc. Chúng tôi vẫn đang cố gắng. Chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng.”
Ông Smith cho biết không ai mong đợi Trung Quốc cải thiện nhân quyền trong một sớm một chiều, nhưng Trung Quốc đang đi sai hướng.
“Bây giờ Trung Quốc còn tệ hơn, và càng ngày càng tồi tệ hơn, nhiều nạn nhân, nhiều nạn nhân hơn, và nhiều nạn nhân hơn nữa. Chúng ta cần phải xoay chuyển con tàu đó và sử dụng mọi đòn bẩy nếu có thể, và thương mại là phương tiện mạnh mẽ nhất của chúng ta để gắng sức khiến họ thay đổi.”
Anh Frank Fang là một ký giả tại Đài Loan. Anh đưa tin về Trung Quốc và Đài Loan. Anh có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.
Ông Jan Jekielek là Biên tập viên Cao cấp của The Epoch Times và là người dẫn chương trình “Các Nhà Lãnh Đạo Tư Tưởng Hoa Kỳ.” Sự nghiệp của ông Jan đã trải dài trên các lĩnh vực học thuật, truyền thông và nhân quyền quốc tế. Năm 2009, ông tham gia The Epoch Times toàn thời gian và đã đảm nhận nhiều vai trò khác nhau, bao gồm cả vị trí Tổng Biên tập trang web. Ông là nhà sản xuất của bộ phim tài liệu về Holocaust từng đạt giải thưởng “Đi tìm Manny.”
Frank Fang và Jan Jekielek thực hiện
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: