Dân biểu George Santos bị trục xuất khỏi Quốc hội trong cuộc bỏ phiếu lịch sử
Đây là lần thứ sáu Hạ viện trục xuất một thành viên trong lịch sử 234 năm của mình.
Hôm thứ Sáu (01/12), lần thứ sáu trong lịch sử Hoa Kỳ, Hạ viện với bề dày 234 năm đã trục xuất một thành viên, Dân biểu George Santos (Cộng Hòa-New York).
Cuộc bỏ phiếu cuối cùng về nghị quyết này do Chủ tịch Đạo đức Hạ viện Michael Guest (Cộng Hòa-Mississippi) đưa ra về Dân biểu Santos đã đạt tỷ lệ là 310 phiếu thuận – 115 phiếu chống với hai phiếu “trắng,” đáp ứng 2/3 số phiếu cần thiết cho nghị quyết này.
105 dân biểu Đảng Cộng Hòa cùng với 206 dân biểu Đảng Dân Chủ ủng hộ việc trục xuất, trong khi hai dân biểu Đảng Dân Chủ, Nikema Williams (Dân Chủ-Georgia) và Bobby Scott (Dân Chủ-Virginia), cùng với 112 thành viên Đảng Cộng Hòa bỏ phiếu phản đối.
“Họ vừa đặt ra một tiền lệ nguy hiểm mới,” ông Santos với vẻ thách thức nói với các phóng viên khi rời khỏi phòng Hạ viện. Đây có lẽ là lần cuối cùng ông được vào phòng này.
Trước cuộc bỏ phiếu, vị nghị sĩ New York này dường như phó mặt cho số phận, nói rằng ông biết sẽ có đủ số phiếu để truất phế ông.
“Tôi đã chấp nhận số phận,” ông nói với Fox News. “Nếu Chúa muốn giữ tôi ở đây, thì tôi sẽ ở lại, còn nếu Ngài muốn tôi ra đi, thì tôi sẽ ra đi. Và tôi sẽ làm điều đó một cách hòa nhã.”
Trong cuộc tranh luận tại sàn Hạ viện, những người ủng hộ và phản đối đã đưa ra quan điểm của họ về việc liệu Hạ viện có nên trục xuất ông Santos hay không.
Ông Guest nói: “Ông George Santos đã xây dựng nhân cách, đời sống cá nhân, và sự nghiệp chính trị của mình trên nền tảng những lời dối trá.”
Dân biểu Susan Wild (Dân Chủ-Pennsylvania) cho biết ông Santos “không phải là nạn nhân,” mà ông là “thủ phạm gây ra một vụ lừa đảo lớn đối với cử tri của mình.”
Tuy nhiên, Dân biểu Matt Gaetz (Cộng Hòa-Florida) cho biết ông Santos không nên bị trục xuất vì ông ấy chưa bị kết án về bất kỳ cáo buộc nào trong số 23 cáo buộc liên bang mà ông ấy phải đối mặt nhưng không nhận tội. Phiên tòa xét xử ông Santos dự kiến bắt đầu vào ngày 09/09/2024.
Dân biểu Troy Nehls cảnh báo rằng nếu ông Santos bị trục xuất thì như thế sẽ tạo ra một “tiền lệ rất nguy hiểm cho Quốc hội nhiệm kỳ này.”
Sau cuộc bỏ phiếu, Dân biểu Darrell Issa (Cộng Hòa-California) nói với The Epoch Times rằng cuộc bỏ phiếu này là một sai lầm.
“Ông George đã phạm sai lầm và lẽ ra ông ấy phải bị [Ủy ban] Đạo đức [Hạ viện] xử phạt,” ông nói. “Nhưng tôi tin rằng tiêu chuẩn ngày xưa, rằng khi bị kết án thì mới bị trục xuất, là tiêu chuẩn tốt cho hầu hết mọi người.”
Dân biểu Jim Clyburn (Dân Chủ-South Carolina) dường như không bị gây ấn tượng trước việc 105 dân biểu Đảng Cộng Hòa cùng 206 dân biểu Đảng Dân Chủ trục xuất ông Santos.
Ông nói với The Epoch Times rằng: “Không có gì đáng mừng về điều này cả.”
Báo cáo đạo đức
Diễn biến này diễn ra vài tuần sau khi Ủy ban Đạo đức Hạ viện lưỡng đảng công bố một báo cáo cho biết ông Santos “đã cố tình khiến ủy ban vận động tranh cử của mình nộp báo cáo sai lệch hoặc không đầy đủ cho Ủy ban Bầu cử Liên bang; sử dụng quỹ tranh cử cho mục đích cá nhân; có hành vi gian lận,… và tham gia vào việc cố ý vi phạm Đạo luật Đạo đức trong Chính phủ.”
Ngoài ra, theo báo cáo, ông Santos “tiếp tục coi thường các nghĩa vụ công khai tài chính theo luật định của mình và đã không sửa chữa vô số lỗi sai và thiếu sót trong Hồ sơ Công khai Tài chính trước đây của mình, bất chấp Tiểu bang Điều tra và Ủy ban Đạo đức Hạ viện đã nhắc nhở nhiều lần rằng ông phải tuân theo các nghĩa vụ.”
Trước cuộc bỏ phiếu, Dân biểu Dan Goldman (Dân Chủ-New York) nói: “Chúng ta đã đi đến một bước ngoặt” khi nói đến ông Santos.
Trước ông Santos, lần cuối cùng Hạ viện trục xuất một thành viên là vào năm 2002. Khi đó Hạ viện đã truất phế Dân biểu James Traficant (Dân Chủ-Ohio) sau khi ông bị kết tội liên bang, đặc biệt là tội trốn thuế.
Ông Santos, người vào năm 2022 đã lật ngược chiếc ghế do Đảng Dân Chủ nắm giữ ở Địa hạt Quốc hội thứ 3 của New York, đã từ chối từ chức.
“Nói thẳng ra, cuộc trò chuyện của tôi với chủ tịch Hạ viện rất tích cực và tôi nói với ông ấy rằng tôi sẽ có mặt trong cuộc bỏ phiếu trục xuất. Hãy trục xuất tôi và đặt tiền lệ để chúng ta có thể xem ai là thẩm phán, bồi thẩm đoàn, và những kẻ hành quyết trong Quốc hội. Người dân Mỹ xứng đáng được biết!” ông đã đăng trên X hôm 27/11.
Ông Santos đã nói rằng ông sẽ không tái tranh cử.
Trước cuộc bỏ phiếu trục xuất này, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiane) cho biết Đảng Cộng Hòa nên “bỏ phiếu theo lương tâm của họ,” đồng thời nói thêm rằng các nhà lãnh đạo sẽ không tác động đến các lá phiếu đối với nghị quyết này.
Vị chủ tịch Hạ viện cho biết ông “thật sự dè dặt” về cuộc bỏ phiếu trục xuất này, tin rằng việc đó có thể “đặt ra một tiền lệ.”
Trước đó đã có hai nỗ lực nhằm trục xuất vị nghị sĩ đến từ New York này.
Hôm 01/11, Hạ viện bác bỏ một nghị quyết trục xuất với tỷ lệ 179 phiếu thuận – 213 phiếu chống. Những người đưa ra nghị quyết này là các Dân biểu Đảng Cộng Hòa New York, gồm ông Marc Molinaro, ông Mike Lawler, ông Anthony D’Esposito, ông Brandon Williams, và ông Nick LaLota.
Hồi tháng Năm, Hạ viện đã chuyển một nghị quyết trục xuất lên Ủy ban Đạo đức Hạ viện với tỷ lệ 221 phiếu thuận – 204 phiếu chống, dẫn đến một cuộc bỏ phiếu trục xuất thực sự. Nghị quyết này là do Dân biểu Robert Garcia (Dân Chủ-California) giới thiệu.
Ngay cả trước khi ủy ban đưa ra báo cáo, ông Santos đã thừa nhận bịa đặt một phần quá khứ của mình, từ lịch sử gia đình, trình độ học vấn cho đến kinh nghiệm làm việc.
Nghị quyết cuối cùng mà ông Santos giới thiệu trước khi bị trục xuất là một nghị quyết trục xuất Dân biểu Jamaal Bowman (Dân Chủ-New York) vì đã nhấn chuông báo cháy nhằm cản trở một quá trình làm việc của Hạ viện. Nghị quyết này được miễn các thủ tục và do đó sẽ phải được bỏ phiếu vào ngày 01/12 hoặc ngày 04/12.
Hồi tháng Chín, ông Bowman đã kích hoạt chuông báo cháy, làm trì hoãn cuộc bỏ phiếu của Hạ viện về dự luật tạm thời để tài trợ cho chính phủ cho đến giữa tháng Mười Một. Hồi tháng Mười Một, ông Bowman đã nhận tội về một khinh tội vì đã nhấn chuông báo cháy bên trong Tòa nhà Văn phòng Cannon của Hạ viện.
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times