Dân biểu Bera: Trung Quốc tham gia vào ‘trực tiếp cưỡng ép kinh tế’ Hoa Kỳ
Theo Dân biểu Ami Bera (Dân Chủ-California), Hoa Kỳ phải làm nhiều hơn nữa để hiểu ĐCSTQ đang tận dụng các biện pháp cưỡng ép kinh tế và chống lại Hoa Kỳ như thế nào.
Ông Bera nói trong một hội thảo trên web do Trung tâm An ninh Mới của Hoa Kỳ (CNAS), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại DC tổ chức: “Điều cực kỳ quan trọng là chính phủ Hoa Kỳ, cho dù đó là chính phủ của Đảng Dân chủ hay Cộng hòa, thì đều cần hiểu cách thức Trung Quốc sử dụng sự cưỡng ép kinh tế.”
Ông nói thêm, “Những gì họ đang làm thực sự là sự cưỡng ép trực tiếp.”
Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vào năm 2018, các đòn trả đũa về kinh tế như thuế quan, trừng phạt, và hạn chế đầu tư ngày càng xác định rõ mối quan hệ Trung-Mỹ.
Gần đây nhất, các báo cáo đã ghi nhận một đợt tích trữ lớn của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), qua đó chính quyền này tiếp tục tích trữ các nguồn tài nguyên quý giá như vi mạch bán dẫn và bông. Việc tích trữ này được tiến hành dường như để bảo vệ bản thân Trung Quốc khỏi tác động của các biện pháp kiểm soát thương mại của Hoa Kỳ.
Ông Bera nhấn mạnh vấn đề về sự mơ hồ trong chiến lược răn đe và kinh tế của Hoa Kỳ, nói rằng Quốc hội và chính phủ của ông Biden cần làm rõ hơn các công cụ của quốc gia để tiến hành cạnh tranh kinh tế và các quy tắc triển khai chúng.
Ông Bera nói: “Chúng ta nên có sự rõ ràng về các công cụ răn đe hiện có này, và một số trong các công cụ đó là công cụ răn đe kinh tế.”
Nỗ lực đó cũng là chủ đề của dự luật do lưỡng đảng đề nghị mà ông Bera đã giới thiệu cùng với Dân biểu Ann Wagner (Cộng Hòa-Missouri), được gọi là Đạo luật Chống Cưỡng ép Kinh tế của Trung Quốc.
Dự luật đó, nếu được ban hành thành luật, sẽ yêu cầu tổng thống thành lập một lực lượng đặc nhiệm chịu trách nhiệm phát triển và thực hiện một chiến lược để đối phó với sự cưỡng ép kinh tế của ĐCSTQ, đồng thời giám sát các chi phí và tác động liên quan của việc cưỡng ép đó.
Bà Wagner cho biết trong một thông cáo báo chí liên quan: “Các chính sách kinh tế mang tính săn mồi và mạnh tay của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa [CHND Trung Hoa] gây hại cho các đối tác của chúng ta và làm suy yếu lợi ích của Hoa Kỳ bên ngoài khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.”
“Những nỗ lực của chúng ta để phản ứng với sự cưỡng ép kinh tế của CHND Trung Hoa phải mang tính chiến lược, được đo lường, và chủ động.”
Tuy nhiên, liệu Hoa Kỳ có thể tác động đến chính phủ Trung Quốc mà không làm gia tăng căng thẳng, hay thậm chí mở ra các cuộc đối thoại có ý nghĩa hay không, vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ đối với ông Bera.
Ông Bera nói: “Chúng ta sắp cạnh tranh với Trung Quốc trong thế kỷ 21. Đó là điều chắc chắn, cạnh tranh không phải là một điều xấu, [nhưng] liệu chúng ta có thể cạnh tranh mà không đối đầu trực tiếp không?”
“Chúng ta không cần phải đoán hướng mà ông Tập Cận Bình muốn lái Trung Quốc.”
Để đạt được điều đó, ông Bera nói rằng đường lối cứng rắn và đôi khi là kiểu qui định có tính khiêu khích của ông Tập đã có một số điểm đáng chú ý.
Ông Bera nói: “Tôi nghĩ rằng cách tiếp cận mạnh tay mà Trung Quốc đôi khi áp dụng thực sự đang làm thay công việc của chúng ta.”
“Tôi đã nói ba đến bốn năm trước [ví dụ] rằng Úc đã có quan điểm tự do thoải mái đối với Trung Quốc. Thái độ đó không phải là tình huống ngày nay. Úc có lẽ là một trong những đồng minh mạnh nhất của chúng ta trong việc hiểu cách chống lại những gì Trung Quốc đang làm trên khắp thế giới và chắc chắn là ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.”
Hoa Kỳ hành động chậm hơn Trung Quốc
Nhận xét của ông Bera cũng giúp bối cảnh hóa một báo cáo do CNAS phát hành vào tháng 12, có tiêu đề “Kiểm soát khủng hoảng: Các Khái niệm Chiến lược cho nghệ thuật Cưỡng Chế Kinh tế.”
Báo cáo đó dựa trên các cuộc diễn tập theo kịch bản do CNAS thực hiện cho thấy rằng Hoa Kỳ nhìn chung ít sẵn sàng hơn Trung Quốc trong việc tham gia vào việc cưỡng chế kinh tế rất quyết liệt, và rằng chính phủ của cả hai quốc gia vẫn muốn tiếp cận rộng rãi thị trường của nhau.
Báo cáo này cho biết, “Trong khi cả Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể sẵn sàng chấp nhận các tác động kinh tế tiêu cực để theo đuổi các mục tiêu địa chính trị, cả hai bên đều thể hiện sự mong muốn duy trì quyền tiếp cận rộng rãi vào thị trường của bên kia, quan điểm này có thể hạn chế việc sử dụng các hình thức cưỡng ép kinh tế khắc nghiệt nhất.”
Tuy nhiên, báo cáo này cũng lưu ý rằng ĐCSTQ sẵn sàng sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để cưỡng ép Hoa Kỳ và các quốc gia khác về mặt kinh tế, trong khi Hoa Kỳ thường tự giới hạn mình trong các biện pháp trừng phạt có mục tiêu hoặc kiểm soát xuất cảng.
Đáng chú ý là, báo cáo này cho thấy chiến lược kinh tế của Hoa Kỳ nhằm mục đích tổng thể là duy trì nguyên trạng quốc tế. Do đó, Hoa Kỳ có xu hướng điều phối chính sách chậm hơn so với Trung Quốc, khi Hoa Kỳ tìm kiếm sự cân bằng giữa việc bảo vệ các nguyên tắc của mình và giảm mức độ các tình huống để tránh xung đột hoàn toàn.
Báo cáo khuyến nghị Hoa Kỳ theo đuổi một chiến lược thuyết phục, hơn là ép buộc đối với bộ công cụ kinh tế của mình, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của việc cải thiện quan hệ ngoại giao với các cường quốc tầm trung trên khắp Á Châu và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Chính phủ ông Biden hy vọng vào khuôn khổ Ấn Độ-Thái Bình Dương mới
Nhận xét của ông Bera lặp lại nhận xét tương tự của ông Kurt Campbell, điều phối viên Tòa Bạch Ốc về khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, trong một hội thảo do Carnegie Endowment for International Peace tổ chức trên trực tuyến hôm 06/01.
Đến lượt mình, nhận xét của ông Campbell cũng tương tự như tiên lượng của báo cáo của CNAS. Ông nói rằng mối quan hệ của Hoa Kỳ với các quốc gia nhỏ hơn trên khắp Á Châu và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại, sẽ là trọng tâm của bất kỳ thành công hay thất bại nào mà mối quan hệ này có thể có trong việc định hướng tương lai của khu vực này.
Ông Campbell nói: “Chúng ta phải làm rõ rằng chúng ta không chỉ can dự sâu sắc về mặt ngoại giao, quân sự, toàn diện, chiến lược, [mà] chúng ta còn có cách tiếp cận cởi mở, gắn bó, lạc quan đối với các tương tác thương mại [và] đầu tư vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
Ông Campbell cũng cho biết: “Các thành lũy, các khu vực mà chúng ta sẽ cần cạnh tranh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, không nhất thiết chỉ là cạnh tranh quân sự, mà còn trên các lĩnh vực công nghệ.”
Để đạt được mục tiêu đó, vị quan chức này cho rằng Hoa Kỳ sẽ cần phải tìm ra một khuôn khổ thương mại để thay thế Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một hiệp định thương mại gồm 19 quốc gia phát triển từ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), mà chính phủ thời ông Trump đã rút khỏi năm 2017.
Cựu Tổng thống Donald Trump đã từ chối TPP và rút khỏi thỏa thuận được đề nghị do có sự chỉ trích rằng nó có hại cho thị trường việc làm Mỹ. Các quan chức chính phủ ông Biden trong nhiều tháng cho biết họ đang nỗ lực tạo ra một khuôn khổ kinh tế mới, mạnh mẽ hơn cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nỗ lực này vẫn chưa có gì thành hiện thực.
Nhìn chung, ông Campbell báo hiệu rằng một khuôn khổ mới sẽ được hoàn thiện, nhưng cũng cảnh báo rằng sự cạnh tranh thực sự, có ý nghĩa, sẽ là đặc điểm xác định quan hệ Trung-Mỹ trong nhiều thập kỷ tới.
Ông Campbell nói, “Kế hoạch chung của chính phủ ông Biden là mẫu hình thống trị giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ ngày càng được xác định bởi sự cạnh tranh.”
Ông Andrew Thornebrooke là ký giả của The Epoch Times đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, tập trung vào các vấn đề quốc phòng, quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: