Đàm phán thương mại Mỹ-Đài có thể tiến triển nhanh hơn sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Hôm 01/06, Phó Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) Sarah Bianchi cho biết, các cuộc đàm phán thương mại mới giữa Hoa Kỳ và Đài Loan có thể tiến triển nhanh hơn các cuộc đàm phán rộng hơn với 12 quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Đài Bắc và Hoa Thịnh Đốn quan tâm mạnh mẽ đến mối liên hệ về kinh tế đang ngày càng trở nên sâu sắc.
Bà Bianchi nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn, có những điểm tương đồng giữa các cuộc đàm phán trong Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới được khởi động và các cuộc đàm phán với Đài Loan, nhưng sáng kiến được đề cập phía sau là nhằm tăng cường liên kết với Đài Loan trong các vấn đề kinh tế cụ thể.
Bà Bianchi nói: “Tôi nghĩ rằng chúng tôi rất mong muốn được hợp tác với Đài Loan và mở rộng phạm vi về nhiệm vụ đàm phán của chúng tôi ở đó và … một loạt các vấn đề từ doanh nghiệp vừa và nhỏ đến thương mại kỹ thuật số, cho đến cả vấn đề lao động, hơn nữa chúng tôi mong muốn bắt tay vào hành động càng sớm càng tốt.”
Khi được hỏi liệu sáng kiến của Đài Loan có thể mang lại kết quả sớm hơn các cuộc đàm phán trong Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) hay không, bà nói: “Có khả năng là có, cũng có thể sớm hơn.”
Hòn đảo tự trị này đã bị loại ra khỏi sáng kiến IPEF gồm 14 quốc gia do Tổng thống Joe Biden đưa ra vào tuần trước. Tuy nhiên, USTR đã công bố các cuộc đàm phán thương mại song phương và riêng biệt với Đài Loan hôm 31/05.
IPEF, vốn đang tìm cách quay trở lại là một trụ cột kinh tế cho sự can dự của Mỹ trong khu vực, sẽ bao gồm Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia, Việt Nam, Úc và các quốc gia khác trong khu vực, nhưng không phải Trung Quốc.
Bà Bianchi cho biết IPEF cũng sẽ bắt đầu ngay lập tức, với các kế hoạch đàm phán, bao gồm các cuộc họp cấp bộ trưởng trong những tháng tới để tổ chức các chủ đề đàm phán và bắt đầu đề nghị các văn bản cho một thỏa thuận vào cuối mùa hè này.
Lựa chọn các trụ cột
Các cuộc đàm phán của IPEF sẽ cho phép các nước thành viên lựa chọn trong số các “trụ cột” chính mà họ sẽ tham gia, bao gồm các quy tắc thương mại kỹ thuật số, khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, và tạo thuận lợi cho thương mại, phát triển cơ sở hạ tầng, và quyền lao động mạnh mẽ, cũng như các tiêu chuẩn về môi trường.
Việc tham gia vào tất cả các trụ cột là không bắt buộc, và các cuộc họp ban đầu sẽ tập trung vào việc xác định xem quốc gia nào sẽ đưa ra sự lựa chọn, bà Bianchi nói. Bà cho biết, các quốc gia chỉ chọn một hoặc hai trụ cột vẫn có thể có sự tham gia có ý nghĩa với Hoa Kỳ và các thành viên IPEF khác.
Cả IPEF và các cuộc đàm phán với Đài Loan sẽ không bao gồm việc cắt giảm thuế quan và tăng cường tiếp cận thị trường mà các hiệp định thương mại tự do truyền thống mang lại.
Bà Bianchi cho biết IPEF được thiết kế nhằm mục đích trở thành “một thỏa thuận của thế kỷ 21 nhằm thực sự giải quyết các vấn đề của thế kỷ 21”, bao gồm các rào cản đối với thương mại kỹ thuật số, chẳng hạn như các quy định bản địa hóa dữ liệu hay các quy tắc ngặt nghèo gây khó khăn cho các công ty hoạt động ở một số quốc gia. Bà nói, việc khắc phục những vấn đề này cũng sẽ tăng cường khả năng tiếp cận thị trường.