Đại tranh tài mới: Trung Quốc và Nga đang cạnh tranh ở Afghanistan
Nga và Trung Quốc trong Nghĩa địa của các Đế chế, vui mừng khi thấy Hoa Kỳ rút quân, là hai đấu thủ lớn vừa mới đảm đương gánh vác một vũng lầy nguy hiểm, lao tâm khổ tứ với sự bất ổn định và một tương lai kinh tế bấp bênh.
Theo phát ngôn viên của Taliban Zabiullah Mujahid, chính quyền Taliban muốn tham gia vào Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), một bộ phận cốt yếu của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc (BRI, còn được gọi là “Một Vành đai, Một Con đường”), vốn kết nối Trung Á với các mỏ dầu của Iran.
Nga và Trung Quốc coi việc Hoa Kỳ rút quân khỏi Afghanistan là bằng chứng về một phương Tây đang điêu tàn và khiến Hoa Kỳ không còn là một cường quốc trên thế giới. Đối với Trung Quốc thì đây là một tin khá tốt lành trong việc truy cầu theo đuổi ước vọng thế chân Hoa Kỳ trở thành một cường quốc toàn cầu. Còn đối với Nga, địch thủ truyền kiếp của Hoa Kỳ, thì sự suy yếu của Mỹ quốc sẽ là dấu chấm hết của giấc mộng Chiến tranh Lạnh. Cả hai đã lợi dụng việc Kabul thất thủ để đe dọa các địch thủ đáng gờm riêng của họ, cảnh báo Ukraine và Đài Loan, rằng Hoa Kỳ là một người bạn bất khả tín, với sức mạnh đang sa sút.
Mặc dù cả Trung Quốc lẫn Nga đều không thích sự có mặt của quân đội Hoa Kỳ ở biên giới của họ, nhưng sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ đã giữ gìn trật tự [cho khu vực]. Cả hai quốc gia hiện đang đua nhau ra quyết định về cách đối phó với tác động xấu này và những trách nhiệm mới đặt lên trên họ như làm cách nào để ngăn chặn nhiều mối đe dọa của Afghanistan, bao gồm khủng bố, ma túy, và cuộc khủng hoảng người tị nạn.
Bắc Kinh lo ngại về khả năng gia tăng hoạt động khủng bố ở Tân Cương. Tương tự như vậy, Nga đã phải hứng chịu nhiều cuộc tấn công khủng bố của lực lượng Hồi giáo trong những thập niên qua và biết rằng một Afghanistan bất ổn có thể là chất xúc tác tiềm ẩn gây ra nhiều rắc rối hơn. Việc kiềm chế dòng chảy của thuốc phiện đi vào hoặc đi qua lãnh thổ Nga cũng là một mối quan tâm an ninh khác.
Nga cũng lo lắng về bạo lực tiềm ẩn ở các quốc gia Cộng hòa Trung Á, những quốc gia có lịch sử nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Nga. Sự bất ổn gia tăng và mối đe dọa an ninh này đã tạo cơ hội cho Nga tăng cường sự hiện diện quân sự của mình ở Trung Á.
Nga và Trung Quốc tăng cường viện trợ quân sự và quân lực của họ ở Tajikistan. Ngoài ra, Nga đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung, dưới sự điều hành của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Không lâu trước khi thủ đô Kabul thất thủ, một cuộc họp giữa SCO và nhóm quân sự đã được tổ chức do Nga dẫn đầu, Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), với các thành viên bao gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan, cũng như hai quốc gia quan sát viên, Afghanistan và Serbia. Tại hội nghị thượng đỉnh tháng Chín này của SCO, diễn ra ở Dushanbe, Tajikistan, chủ đề thảo luận chính là làm thế nào để giải quyết vấn đề Afghanistan, trong khi chưa có chính sách rõ ràng nào được xác định.
Mặc dù Trung Quốc và Nga dường như không có một lộ trình ngắn gọn về Afghanistan, nhưng có vẻ như Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể sẽ duy trì an ninh ở Trung Á, trong khi Trung Quốc sẽ tăng cường phòng thủ biên giới của riêng mình. Trong khi đó, việc duy trì tiếp tục ổn định ở Trung Á phụ thuộc vào việc Afghanistan có trở thành nơi trú ẩn an toàn cho các phần tử khủng bố quốc tế hay không và liệu khủng bố có thể được kiềm chế bên trong Afghanistan hay không. Mối lo ngại là các cuộc tấn công có thể được khởi phát từ Afghanistan, hoặc hành động cực đoan hóa có thể được xuất cảng sang Trung Quốc, Pakistan, các nước Cộng hòa Trung Á, và Nga.
Cả Trung Quốc và Nga đều tiếp đón các thủ lĩnh Taliban, trước khi Kabul thất thủ, và cả hai quốc gia này đều đã duy trì các đại sứ quán ở đó. Cả Trung Quốc và Nga đều tránh tham gia vào các yêu cầu của G7 vốn [đòi hỏi] Taliban tôn trọng và trở nên cởi mở về vấn đề nhân quyền. Họ cũng cử các đại biểu đến hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo G20 tại Afghanistan, nơi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị thúc đẩy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Taliban. Cả hai quốc gia này đều yêu cầu Hoa Kỳ chi trả cho việc tái thiết Afghanistan.
Ngoài việc mở rộng việc bố trí quân sự và ủng hộ Taliban tại các tổ chức thế giới, Trung Quốc và Nga còn đang tiếp xúc trực diện với Taliban. Sau hội nghị thượng đỉnh G20, các nhà lãnh đạo Taliban đã được mời tham dự một cuộc họp ở Moscow.
Trên thực địa ở Afghanistan, Bắc Kinh đã tăng cường nỗ lực gây ảnh hưởng với Taliban, cung cấp viện trợ, cùng với những lời khuyên và khuyến nghị mạnh mẽ; trong khi Nga dường như đã rút lui khỏi các cuộc đàm phán như vậy. Các công ty Trung Quốc cũng đang tìm kiếm những lựa chọn để đầu tư thêm vào Afghanistan nhằm khởi động lại hai dự án khai thác bị đình trệ, cũng như xây dựng hành lang vận tải hàng không với Trung Quốc.
Một câu chuyện gần đây, được đăng trên hãng thông tấn nhà nước CGTN của Trung Quốc, đã quảng cáo những lợi ích của BRI đối với cả Afghanistan và Trung Quốc thông qua hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, tài nguyên thiên nhiên và dịch vụ kinh doanh. Một biên bản ghi nhớ về BRI đã được ký kết giữa Trung Quốc và Afghanistan hồi năm 2016. Liệu Afghanistan có được nâng cấp để thực sự gia nhập BRI hay không và liệu đầu tư của Trung Quốc có chảy vào hay không, thì còn phụ thuộc vào việc Taliban có thể ổn định đất nước hay không.
Đã có bằng chứng cho thấy cư dân thành thị bác bỏ tính hợp pháp trong sự cai trị của Taliban và có thể bắt đầu phản đối — một hành động gần như chắc chắn sẽ kích khởi bạo lực. Trong khi đó, xung đột vũ trang ở Afghanistan đã kéo dài 43 năm qua. Có những dân quân người dân tộc và trong khu vực, cũng như các đơn vị đã giải tán của quân đội Afghanistan có thể khởi phát cuộc nổi dậy vũ trang chống lại Taliban.
Trong nhiều thập niên, các thành viên Taliban là quân nổi dậy, chiến đấu để lật đổ chính quyền này. Hiện nay Taliban nắm chính quyền, vẫn chưa rõ liệu hầu hết, hoặc tất cả, các phe phái Taliban có khả năng hoặc sẵn sàng thực hiện quá trình chuyển đổi này hay không.
Câu hỏi còn lại là, Taliban muốn thay đổi các điều kiện ở quốc gia của họ để xoa dịu Trung Quốc đến mức nào? Taliban cần các khoản đầu tư BRI và Afghanistan có trữ lượng lớn khoáng sản và tài nguyên, những thứ mà Trung Quốc muốn. Tuy nhiên, trong khi Afghanistan sẽ được hưởng lợi từ khoản đầu tư như vậy, kinh nghiệm cùng với BRI cho thấy Trung Quốc sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.
Mặc dù mức thu nhập tiềm năng từ khoáng sản của Afghanistan có thể lên tới hàng nghìn tỷ dollar, nhưng việc khai thác khoáng sản sẽ không phải là một vấn đề đơn giản khi Trung Quốc bơm tiền vào các mỏ khai thác. Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) cũng sẽ phải tài trợ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, xa lộ, cung cấp điện, chiết luyện, vận chuyển và hỗ trợ vận hành để giúp cho việc khai thác trở nên khả thi. Ngoài ra, khoáng sản là con át chủ bài của Taliban — tài sản kinh tế duy nhất mà họ có. Có vẻ như họ không dễ dàng từ bỏ những thứ này. Và ngay cả khi Taliban đồng ý, Trung Cộng sẽ cần bảo đảm rằng các khoản đầu tư của họ sẽ được bảo vệ một cách thực tế khỏi các cuộc tấn công khủng bố.
Bắc Kinh kêu gọi không được phân loại Taliban như một nhóm khủng bố; trong khi ở Nga, thì tình hình này phức tạp hơn. Một số tiếng nói ở Nga đồng ý với Trung Quốc và muốn thấy chỉ định khủng bố được gỡ ra khỏi nhóm Taliban này. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu không đồng ý khi ông liên tục chỉ ra những rủi ro an ninh lớn do tình hình Afghanistan mới gây ra.
“Nền tảng Moscow” được thành lập vào năm 2017 để giải quyết vấn đề Afghanistan, bao gồm Trung Quốc, Pakistan, Iran, Ấn Độ và Afghanistan. Nền tảng này nhằm mục đích khái quát cách thức phối hợp giữa Nga và Trung Quốc. Hiện tại, người ta cho rằng sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc sẽ chủ yếu tập trung vào an ninh, bởi vì Nga thiếu vốn để tham gia một cách có ý nghĩa trong các kế hoạch đầu tư lớn và viện trợ. Riêng Trung Quốc, ít nhiều sẽ phải chịu trách nhiệm cấp vốn. Nhưng số lượng và thời gian của những dòng tiền này sẽ phụ thuộc vào khả năng của Taliban trong việc ổn định quốc gia, điều mà không một cường quốc nào trên thế giới có thể ổn định trong nhiều thế kỷ.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải của Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, người đã viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc” và “Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc.”
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: