Đại sứ Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ ‘chèn ép’ Trung Quốc
Tân đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ cáo buộc Hoa Thịnh Đốn tiếp tục một “chính sách cực đoan đối với Trung Quốc” và cảnh báo Hoa Kỳ không vượt qua “lằn ranh đỏ” của Bắc Kinh.
Ông Tần Cương, người đến Hoa Thịnh Đốn hồi cuối tháng Bảy để đảm nhận vị trí này, đã đưa ra nhận xét của mình tại một sự kiện chào mừng do Ủy ban Quốc gia về Bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc, một tổ chức có trụ sở tại New York có mục tiêu thúc đẩy một mối bang giao thân thiện hơn với Bắc Kinh, tổ chức.
Những bình luận trên của ông được đưa ra khi chính phủ Tổng thống Biden đang nỗ lực thiết lập một liên minh toàn cầu nhằm chống lại các mối đe dọa do Trung Cộng đặt ra, trong khi vẫn tìm kiếm sự hợp tác với Bắc Kinh về các vấn đề như biến đổi khí hậu. Trong một cuộc điện đàm trước đó vào đầu tuần này (29/08), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken rằng bất kỳ sự hợp tác nào với nhà cầm quyền này trong các lĩnh vực như Afghanistan và biến đổi khí hậu đều sẽ phụ thuộc vào “thái độ của Hoa Thịnh Đốn đối với Trung Quốc.”
Tại sự kiện trực tuyến này, ông Tần đã trực tiếp đổ lỗi căng thẳng hiện tại giữa các cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới lên phía Hoa Kỳ, lặp lại giọng điệu của Trung Cộng rằng Hoa Thịnh Đốn đang “chèn ép” Trung Quốc.
Bài nói chuyện của ông Tần, đan xen giữa việc vừa dọa dẫm vừa dẫn dụ, đã nhấn mạnh vào sự hợp tác—trong đó có một khía cạnh là phía Hoa Kỳ sẽ “tránh động chạm hay thách thức lằn ranh đỏ của Trung Quốc.”
Trung Cộng coi sự lạm dụng của chính quyền này tại Hồng Kông, Tân Cương, Tây Tạng và các thiết kế quân sự ở Đài Loan là những vấn đề “lằn ranh đỏ” mà cộng đồng quốc tế không được phán xét.
Để đáp trả sự lên án mạnh mẽ của các quốc gia phương Tây về các hành vi vi phạm nhân quyền, sự cưỡng ép kinh tế và xâm lược quân sự của Trung Cộng, các quan chức Trung Quốc đã sử dụng một cách tiếp cận hiếu chiến được gọi là ngoại giao “chiến lang.” Trong hai cuộc gặp cao cấp trực tiếp giữa các nhà ngoại giao Trung Cộng và các quan chức của Tổng thống Biden năm nay, các quan chức Trung Cộng đã chỉ trích những người đồng cấp Hoa Kỳ về một loạt các hành vi được cho là sai phạm của Hoa Kỳ ở trong nước và quốc tế.
Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Blinken, ngoại trưởng Trung Quốc nói rằng Hoa Kỳ “nên nghiêm túc xem xét” “hai danh sách” và ba “điểm mấu chốt” của Bắc Kinh, mà ông Tần giải thích là “danh sách các hành vi sai trái của Hoa Kỳ và danh sách các trường hợp riêng lẻ là mối lo ngại của Trung Quốc,” và các vấn đề liên quan đến Đài Loan, Hồng Kông, Tân Cương, Tây Tạng và các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.
Ông cũng mô tả thêm một vài “biến loạn” đối với hợp tác Mỹ-Trung, bao gồm cuộc điều tra về nguồn gốc virus và các nỗ lực lập pháp ủng hộ lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, bao gồm cả hai dự luật nhằm chống lại tham vọng công nghệ của Trung Quốc. Hai dự luật này đều đã được một trong hai viện thông qua.
Ông Tô Tử Vân (Su Tzu-yun), một nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia của Đài Loan, nói với The Epoch Times rằng, “Trong khi hệ thống của họ là một hệ thống đàn áp nhân quyền, họ lại không cho phép những lời chỉ trích.”
Vị đại sứ này, người từng hai lần là phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc và là một trong chín thứ trưởng ngoại giao từ năm 2018 đến năm 2021, đã nổi danh vì những lời bào chữa công khai của mình cho các quan điểm của Bắc Kinh, mặc dù ông có vẻ đã nhẹ giọng hơn trong những lần xuất hiện gần đây kể từ khi đảm nhiệm vị trí mới.
Ông Trần Duy Kiện (Chen Weijian), tổng biên tập tạp chí bất đồng chính kiến Hoa ngữ Mùa Xuân Bắc Kinh (Beijing Spring), nói với The Epoch Times, “Các nhà ngoại giao Trung Quốc thực sự không có quan điểm của riêng mình. Giọng điệu của họ là bất cứ giọng điệu nào mà chính quyền trung ương áp dụng.”
Các cuộc đàm phán cứng rắn chỉ là một màn kịch cho khán giả Trung Quốc, ông Trần nói, và cho biết thêm rằng màn kịch đó nhằm cho phép chính quyền này “vãn hồi thể diện.”
Bắc Kinh muốn tạo ấn tượng rằng “họ đã vượt xa Hoa Kỳ, và Hoa Kỳ không thể làm gì được chúng ta,” ông nói thêm.
Trong bài diễn văn, ông Tần đã bảo vệ các chính sách trong nước của nhà cầm quyền này, lặp lại khẩu hiệu rằng người dân Trung Quốc là “những chủ nhân của chính đất nước họ” và tuyên bố rằng “mọi thứ Đảng Cộng sản Trung Quốc làm là để mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân Trung Quốc.”
Khi mô tả tình hình của Trung Quốc trong những năm 1960, vị đại sứ này đã nói lướt qua về nạn đói kéo dài ba năm bắt đầu từ năm 1959, vốn đã khiến hàng chục triệu người [Trung Quốc] thiệt mạng sau khi nhà cầm quyền ra lệnh cho nông dân luyện thép tại sân sau của họ thay vì trồng trọt. Ông đã bỏ qua thông tin này, mô tả thời kỳ đó là giai đoạn mà Trung Quốc phải đối diện với một đợt “hạn hán nghiêm trọng” mà cuối cùng Đảng đã kiên cường vượt qua.
Ông Trần nói, “Họ tự gọi mình là những đại diện cho người dân. Nhưng trong lịch sử, đảng cộng sản luôn lấy từ ‘nhân dân’ làm từ cửa miệng nhưng không bao giờ hành động vì lợi ích của người dân. Họ chỉ quan tâm đến các đặc quyền của riêng họ.”
Ông Tô, nhà phân tích về Đài Loan, cho biết cách hiểu về dân chủ của Bắc Kinh “căn bản là khác” so với phương Tây.
Ông nói, “Khả năng nói lời hai mặt của Đảng Cộng sản Trung Quốc là rất ấn tượng. Nhưng tôi nghĩ điều này rất rõ ràng… Họ đang đàn áp nhân quyền ở Hồng Kông, thực hiện tội ác diệt chủng ở Tân Cương, gây cản trở quyền tự trị căn bản ở Tây Tạng, và phá hủy lịch sử, và thậm chí cả ngôn ngữ và văn hóa ở Mông Cổ. Làm thế nào một nhà cầm quyền như vậy có thể được xây dựng trên cơ sở tôn trọng người dân?”
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times chuyên đưa tin về Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền.
Bản tin có sự đóng góp của Luo Ya
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: