Đại sứ Trung Quốc bị cấm vào Quốc hội Anh Quốc
Đại sứ Trung Quốc tại Anh Quốc đã bị cấm vào Quốc hội nước này sau khi các nhà lập pháp Anh Quốc bị nhà cầm quyền này trừng phạt đã bày tỏ sự phẫn nộ về chuyến thăm theo lịch trình của viên đại sứ này.
Hôm thứ Tư (08/09), ông Trịnh Trạch Quang (Zheng Zeguang) đã được mời đến dự một buổi tiệc chiêu đãi của Hạ viện , do Nhóm Nghị sĩ Đa Đảng (All-Party Parliamentary Group, APPG) về vấn đề Trung Quốc tổ chức, tờ The Telegraph đưa tin.
Nhưng hiện ông Trịnh đã bị cấm đặt chân vào Quốc hội sau khi Chủ tịch của cả hai Viện của Quốc hội can thiệp vào.
Trung Cộng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 9 chính khách người Anh — trong đó gồm các chính trị gia, luật sư và một học giả — để đáp trả các lệnh trừng phạt của Anh Quốc đối với các quan chức Trung Cộng chịu trách nhiệm về cáo buộc lạm dụng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Trong số những người bị trừng phạt có năm Nghị sĩ của Đảng Bảo Thủ — ông Tom Tugendhat, ông Iain Duncan Smith, ông Neil O’Brien, ông Tim Loughton và ông Nusrat Ghani — và hai thành viên khác của Thượng viện là — ông David Alton, một người giữ ghế trung lập trong Quốc hội, và thành viên Đảng Lao Động, bà Helena Kennedy.
Tuy vậy, Nhóm Nghị sĩ Đa Đảng về vấn đề Trung Quốc vẫn đưa ra lời mời ông Trịnh, người đã trở thành đại sứ của Bắc Kinh tại London hồi tháng 06/2021, đến tham dự bữa tiệc mùa hè của họ trên khuôn viên Quốc hội hướng nhìn ra sông Thames.
Tuần trước, một số nhà lập pháp bị trừng phạt đã viết thư cho các Chủ tịch hai viện nhằm phản đối lời mời này, theo BBC.
Họ nói rằng sẽ là “không thể tưởng tượng nổi” khi một “đại diện chính của nhà cầm quyền Trung Cộng tại Anh Quốc dường như vẫn có thể được tự do đến Westminster và sử dụng các cơ sở ở đây làm cơ quan ngôn luận cho chế độ của mình” ngay cả khi chính Quốc hội đã bị nhà cầm quyền này nhắm mục tiêu trực tiếp.
Đáp lại sự phản đối này, Ngài Lindsay Hoyle, Chủ tịch Hạ viện cho biết: “Tôi thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ với các vị đại sứ từ khắp nơi trên thế giới nhằm thiết lập mối liên hệ lâu dài giữa các quốc gia và các nghị sĩ. Nhưng tôi không cảm thấy thích hợp khi để đại sứ của Trung Quốc đến tham gia buổi gặp mặt tại Quốc hội và tại nơi làm việc của chúng ta khi đất nước của ông ấy đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số thành viên của chúng ta.”
“Nếu những lệnh trừng phạt đó được dỡ bỏ, thì hiển nhiên đây sẽ không phải là vấn đề,” ông cho hay. “Tôi không nói rằng cuộc gặp mặt này là không thể tiến hành — tôi chỉ nói rằng nó không thể diễn ra ở đây trong khi các lệnh trừng phạt đó vẫn còn hiệu lực.”
Một nữ phát ngôn viên của ông Lord McFall, Chủ tịch Thượng Viện đã xác nhận việc chủ tịch của cả hai viện “đồng ý rằng cuộc gặp gỡ của nhóm Nghị sĩ Đa đảng đặc biệt này với Trung Quốc nên diễn ra ở nơi khác, sau khi xem xét các biện pháp trừng phạt nhắm vào các thành viên của Quốc hội.”
Ngài Iain Duncan Smith, một cựu lãnh đạo của Đảng Bảo Thủ cầm quyền, cùng với một nhóm các đồng sự bị trừng phạt của ông ấy đã gửi lời cảm ơn các Chủ tịch vì “lập trường nguyên tắc vững vàng” của họ, và nói rằng việc cho phép nhà ngoại giao đó đặt chân trên khu dinh thự sẽ là “một sự xúc phạm đối với Quốc hội.”
Họ nói trong một tuyên bố chung rằng: “Chúng tôi, với vai trò là những người bị trừng phạt, hoan nghênh lập trường mang tính nguyên tắc mạnh mẽ được đưa ra bởi Chủ tịch Hạ viện và Thượng viện trong việc ủng hộ quyền tự do ngôn luận ở quê hương của các Nghị viện, bằng cách ủng hộ những Nghị sĩ đã bị Trung Quốc trừng phạt.”
Tuy nhiên, ông Richard Graham, nghị sĩ Đảng Bảo Thủ, chủ tịch của nhóm Nghị sĩ Đa Đảng về các vấn đề Trung Quốc, bày tỏ “rất lấy làm tiếc” vì ông sẽ phải hoãn cuộc trò chuyện này.
Ông Graham lập luận rằng “cách tốt nhất để thảo luận các vấn đề là tham gia vào [cuộc gặp gỡ]” và điều đó là “rất quan trọng” đối với nhóm của chúng tôi, để lắng nghe ý kiến từ viên đại sứ mới này.
Bản tin có sự đóng góp của AP
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: