Đại sứ quán Trung Cộng bóp méo nguồn gốc của virus, lên án truyền thông Hoa Kỳ vi phạm quyền tự do ngôn luận
Trước thời hạn tình báo Hoa Kỳ phải công bố báo cáo về nguồn gốc của COVID-19, Trung Cộng đã đẩy nhanh hoạt động lan truyền tin đồn và “chụp mũ” ở cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, bài viết ngụy tạo về cuộc điều tra truy tìm nguồn gốc virus của Hoa Kỳ do Đại sứ quán của Trung Cộng tại Hoa Kỳ công bố, đã bị nhiều kênh truyền thông ở Hoa Kỳ bác bỏ.
Các Đại sứ của Trung Cộng đã khai thác “quyền tự do ngôn luận” ở các nước phương Tây trong rất nhiều năm, và lợi dụng các kênh truyền thông phương Tây để tuyên truyền. Còn ở trong nước, Trung Cộng lại gây khó khăn đối với các Đại sứ phương Tây. Thậm chí những bài viết của ông Terry Branstad – cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc, người được mệnh danh là “bạn cũ của Tập Cận Bình” – cũng đã bị xóa trên Weibo.
Vào hôm thứ Tư (25/8), Đại sứ quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ đã đăng một bài viết trên trang web của họ mang tên “Ủng hộ truy xuất nguồn gốc bằng khoa học, phản đối chính trị hóa virus”. Bài viết tiết lộ rằng Đại sứ quán của Trung Quốc tại Hoa Kỳ gần đây đã viết một bức thư “gửi cho một số kênh truyền thông Hoa Kỳ để giải thích lập trường của Trung Quốc”, nhưng “đều đã bị bác bỏ”.
Trong bài viết này, họ đã nhắc lại những tuyên bố lặp đi lặp lại và vô căn cứ của Bắc Kinh rằng virus có thể đã đến từ một phòng thí nghiệm ở Hoa Kỳ, và kêu gọi WHO tiến hành cuộc điều tra truy xuất nguồn gốc giai đoạn 2 tại Hoa Kỳ.
Bài viết nói rằng, “Bất kể báo cáo của Hoa Kỳ đưa ra kết luận gì, các lập luận của nó đơn giản là không có giá trị, bởi vì Trung Quốc chưa bao giờ xây dựng một phòng thí nghiệm để chế tạo ra virus corona”. Ngoài ra, Trung Cộng còn nhấn thêm một bước trong việc chụp mũ Hoa Kỳ và Châu Âu, yêu cầu WHO điều tra “Fort Detrick và Đại học Bắc Carolina ở Hoa Kỳ”.
Vào hôm thứ Tư, một quan chức cấp cao của WHO đã cho biết trong một cuộc họp báo rằng, một mặt, Trung Cộng cho rằng giả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm là không thể xảy ra, mặt khác lại yêu cầu WHO điều tra các phòng thí nghiệm ở các nước khác.
Đây là lần thứ hai Đại sứ quán Trung Quốc tại Hoa Thịnh Đốn yêu cầu WHO điều tra nguồn gốc của dịch bệnh ở Fort Detrick, sau khi ông Tần Cương, tân đặc phái viên kiêm cựu Thứ trưởng Ngoại giao của Trung Cộng đến Hoa Kỳ vào tháng trước.
Mới đây, Thứ trưởng Quốc phòng về chính sách của Hoa Kỳ, ông Colin Kahl và một chuyên gia khác có liên quan đã cho ra mắt cuốn sách với tựa đề “Dư chấn: Chính trị Đại dịch và Sự kết thúc của Trật tự Quốc tế Cũ”. Cuốn sách đề cập đến việc vào đầu năm nay, Trung Cộng đã yêu cầu các chuyên gia của WHO sẽ không tiến hành thêm các cuộc điều tra nào nữa liên quan đến việc truy xuất nguồn gốc virus, để đổi lấy quyền được tiến vào Vũ Hán của nhóm chuyên gia.
Vào ngày 26/5, Tổng thống Hoa Kỳ Biden đã yêu cầu cơ quan tình báo của Hoa Kỳ dành 90 ngày để điều tra nguồn gốc của virus và đưa ra các báo cáo liên quan. Việc điều tra nguồn gốc của virus có thể là điểm yếu chí mạng của Trung Cộng, vì vậy Bắc Kinh mới tức tốc phản kích lại như vậy.
Bài viết từ Đại sứ quán Trung Quốc tại Hoa Thịnh Đốn cũng tuyên bố rằng, việc nhiều kênh truyền thông ở Hoa Kỳ từ chối xuất bản bức thư là đã vi phạm “quyền tự do ngôn luận”. “Các vị có thể buộc tội người khác mà không cần bằng chứng, rồi không cho họ cơ hội bào chữa. Đây có phải là ‘quyền tự do báo chí và ngôn luận’ ở Hoa Kỳ không?”
Trên thực tế, các viên chức ngoại giao của Trung Cộng đã nhiều lần lạm dụng quyền tự do ngôn luận của phương Tây để lên tiếng ủng hộ Trung Cộng trên các kênh truyền thông. Ví dụ, ông Thôi Thiên Khải, cựu Đại sứ tại Hoa Kỳ, đã nhiều lần phát biểu trên các chương trình tin tức và ấn phẩm của Hoa Kỳ để quảng bá các tuyên truyền tẩy não của Trung Cộng. Ông Lưu Hiểu Minh, cựu Đại sứ tại Vương quốc Anh, thậm chí còn chỉ trích chính phủ Anh trên đài BBC mà không bị cản trở.
Trong khi đó, Đại sứ của các nước phương Tây tại Trung Quốc đã nhiều lần bị Trung Cộng kiểm duyệt. Ví dụ, bài viết của ông Branstad, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc, đã bị các kênh truyền thông chính thức của Trung Cộng như Nhân dân nhật báo từ chối, thậm chí còn xóa khỏi Weibo và WeChat. Ông Mike Pompeo, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã nói rằng, điều này cho thấy thói đạo đức giả của Trung Cộng và nỗi sợ hãi của nó đối với việc người dân có tư tưởng tự do.
Đại sứ của Anh tại Trung Quốc, bà Caroline Wilson đã đăng một bài viết trên WeChat kèm theo chữ ký vào ngày 2/3 với tựa đề “Truyền thông nước ngoài có ghét Trung Quốc không?”, với hy vọng Trung Cộng sẽ tôn trọng các báo cáo khách quan của giới truyền thông nước ngoài. Sau đó, Trung Cộng đã không chỉ hạn chế việc chia sẻ bài viết này mà còn triệu tập bà Caroline để giảng giải về “đàm phán đúng đắn”.
Năm ngoái, Đại sứ quán của Anh tại Trung Quốc đã đăng bài viết “Đính chính giải thích về vấn đề Hồng Kông” trên WeChat, và đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc với hàng trăm nghìn lượt xem, nhưng hai giờ sau đó, bài viết này đã bị Trung Cộng xóa đi.
Ngược lại, ông Lưu Hiểu Minh, cựu Đại sứ của Trung Cộng tại Vương quốc Anh, đã được tự do đăng hơn 170 bài viết trên các kênh truyền thông chính thống của Anh. Ông ta cũng đã nhiều lần nhận lời phỏng vấn của BBC và đưa ra rất nhiều lời phát ngôn bừa bãi, một trong số đó là “Không có tù nhân chính trị ở Trung Quốc! Người dân Trung Quốc sẽ không bị bỏ tù vì những suy nghĩ của riêng họ!”
Do Từ Giản, Diệp Tử Vy thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc trên Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: