Đại sứ quán Hoa Kỳ ở London và lối kiến trúc kỳ dị
Đại sứ quán mới của Hoa Kỳ ở London có lẽ không phải là tòa nhà hiện đại xấu xí nhất thế giới, nhưng nó cũng xứng đáng được xướng tên về nhì trong bất kỳ cuộc thi nào, bất chấp hàng ngàn công trình dự thi khác đến từ mọi châu lục.
Vị kiến trúc sư, rõ ràng đang muốn tạo sự độc đáo, đã thiết kế một thứ không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác, mặc dù nó cũng không phải là chưa từng thấy.
Sự theo đuổi tính độc đáo, trên thực tế, là khá phổ biến, hay cũng có thể nói là rất không độc đáo. Cá nhân tôi sẽ muốn ngăn cản bất kỳ kiến trúc sư hiện đại nào muốn theo đuổi tính độc đáo, hay đúng hơn là cố ý theo đuổi tính độc đáo chỉ vì muốn sự mới lạ, để ngăn chặn thế giới ngày càng trở nên xấu xí hơn. Trong trường hợp này, thật khó để có thể thiết kế một tòa nhà có khả năng làm giảm uy tín của Hoa Kỳ hơn tòa nhà này.
Tính độc đáo trong kiến trúc cũng không hơn gì sự dũng cảm trong hành động (bởi vì chúng ta hoàn toàn có thể dũng cảm thực hiện những hành động tồi tệ nhất).
Dù vậy, tính độc đáo hoặc những thứ tương tự thường xuyên được chào đón bởi các kiến trúc sư và các nhà phê bình kiến trúc, chứ không phải bởi xã hội. Họ coi nó như là một phẩm chất của kiến trúc, như thể tính độc đáo thì vượt hơn hẳn những cân nhắc hay những phê bình khác.
Ví dụ, đây là một tuyên bố trích trong một bài báo trên tờ Architectural Digest về Bảo tàng Guggenheim ở Bilbao, được thiết kế bởi Frank Gehry: “Điều mà công trình này thể hiện rất tốt là việc nó đã nhảy qua được ý tưởng trước đây rằng kiến trúc phải chứa đựng sự hài hòa và đối xứng. Nó phá vỡ các quy tắc lâu đời để tạo ra một điều phấn khích hơn.”
Sự hài hòa
Đây là một ví dụ khá điển hình cho chủ nghĩa phi luật lệ hiện đại, với sự bác bỏ các quy tắc một cách thiếu suy nghĩ và thiếu cân nhắc, hay nói cách khác là các quy tắc về bản chất là những giới hạn phi lý hoặc tùy tiện đối với quyền tự do của con người. Chúng ta có thường đọc thấy về một điều cấm kỵ được cho là đã bị phá vỡ không, như thể việc phá bỏ những điều cấm kỵ thực sự là một bước tiến lớn của nhân loại?
Đúng là những điều cấm kỵ có thể là vô lý hoặc thậm chí là áp bức, nhưng điều đó không có nghĩa là những điều cấm kỵ như vậy là sai. Tôi muốn có một điều cấm kỵ hiệu quả đối với việc tra tấn trẻ em hơn là để cho những kẻ ác muốn làm gì thì làm dưới danh nghĩa phá vỡ một điều cấm kỵ.
Tôi nghi ngờ rằng tác giả của bài viết mà tôi trích dẫn ở trên đã nhầm lẫn giữa sự hài hòa và sự đơn điệu, khi mà đương nhiên, chúng không phải là một. Nhìn vào nhà nguyện King’s College và tòa nhà Gibbs sẽ đủ để thuyết phục bất kỳ ai về điều này. Hai tòa nhà có thể khác nhau về phong cách, nhưng chúng hài hòa đến kinh ngạc.
Tính hài hòa từ lâu đã được coi là một phẩm chất được mong muốn trong môi trường mà con người xây dựng cho mình. Mong muốn này gần như là bản năng, hoặc ít nhất không cần phải luôn cố ý thể hiện ra.
Khi tôi đi ngang qua Phi Châu, băng qua những địa phương xa xôi hẻo lánh, tôi đã rất ấn tượng về lối kiến trúc hài hoà của những ngôi làng truyền thống, ngay cả khi chúng chỉ gồm những túp lều đơn giản được làm bằng bùn hoặc rơm (tương phản với những thị trấn hay thành phố đang theo đuổi lối sống hiện đại, như việc các kiến trúc sư đang cố theo đuổi sự độc đáo).
Chỉ có thời đại của chúng ta mới cho rằng sự hài hoà là một phẩm chất không cần thiết, là một sự lăng mạ cho cái tôi của chúng ta, bởi vì nó giới hạn những gì chúng ta có thể làm.
Tính phù du của sự phấn khích
Tác giả của bài báo mà tôi trích dẫn ở trên rõ ràng coi sự phấn khích được tạo ra bởi một tòa nhà là một phẩm chất quan trọng hơn tính hài hòa của nó.
Về mặt này, anh ta cho thấy mình chỉ là một đứa trẻ: và khi tôi nói một đứa trẻ, tôi có ý như vậy. Anh ta muốn một tòa nhà mang lại cho anh ta cảm xúc đã trải qua của thời 6, 7 tuổi vào buổi sáng hôm Giáng Sinh, khi anh ta thức dậy và biết được Ông già Noel đã tặng gì cho mình trong đêm trước.
Nhưng nếu suy nghĩ kỹ lại, anh ta sẽ nhận ra rằng sự phấn khích là một điều phù du, và nó sẽ nhanh chóng thay đổi theo thời gian. Sự phấn khích trước đó sẽ qua đi nhưng sự hài hòa thì không.
Với loại ngôn ngữ thường được sử dụng bởi các nhà phê bình kiến trúc ngày nay, vị tác giả của chúng ta viết tiếp: “Bằng cách thách thức nhận thức của người xem về tính thống nhất và sự ổn định, người kiến trúc sư đã cho thấy rằng các khiếm khuyết không chỉ luôn tồn tại trong thiết kế mà còn rất mạnh mẽ và đẹp. Những kiến trúc sư tài năng nhất đã làm được điều này bằng cách sắp xếp các khối kiến trúc xung đột nhau, cùng cạnh tranh trong lúc tòa nhà tiến hóa thành một thiết kế tuyệt đẹp – không khác gì với sức mạnh của tự nhiên.”
Nhưng công việc của một kiến trúc sư không phải là đi thách thức “nhận thức về tính thống nhất và sự ổn định” của người xem, một nhiệm vụ chắc chắn đòi hỏi nhiều lời biện hộ hơn cho giá trị hoặc tính cần thiết của nó.
Và thật khó để biết tác giả thực sự muốn diễn tả điều gì khi anh ta nói rằng những khiếm khuyết luôn tồn tại trong các thiết kế, trừ khi anh ta muốn nói không có gì trên trái đất có thể hoàn hảo như trên thiên đường.
Ngay cả khi đúng là không có thiết kế nào là hoàn hảo, và tôi không chắc chắn rằng điều đó là đúng, sẽ không có lý do gì để biện minh cho việc thiết kế một thứ gì đó hoàn toàn xấu xí. Rốt cuộc, có rất nhiều thứ nằm giữa sự hoàn hảo và sự quái dị.
Hơn nữa, các tòa nhà không thể chỉ được xem xét đơn lẻ, ngoại trừ bởi những kiến trúc sư hiện đại tự cao nhất: Venice không phải là Venice chỉ bởi vì mỗi tòa nhà trong đó đều là một kiệt tác lâu đời đã thách thức nhận thức của người xem về tính thống nhất, sự ổn định và mang đến cho các nhà phê bình kiến trúc sự phấn khích.
Là một phần của sự tiến bộ vẻ vang vượt qua sự hài hòa đơn thuần, một đặc tính mà tác giả có vẻ như cho là sơ khai và suy tàn nay đã được sẵn lòng thay thế, tác giả giới thiệu cho chúng ta thưởng thức công trình Bảo tàng Nghệ thuật Denver ở Colorado, thiết kế bởi Daniel Libeskind.
Tòa nhà này đối với thị giác thì giống như một mảnh vỡ cắm vào kẽ móng tay: cảm giác khó chịu không dễ dàng bỏ qua được. Với hình dạng sắc nhọn và tùy tiện, nó gây ra cảm giác rất khó chịu và thậm chí bất an, giống như một chiếc giường đầy những lưỡi dao cạo gây ra.
Chỉ một kẻ rối loạn nhân cách hoặc một người cực kỳ kiêu ngạo mới có thể coi chúng là những phẩm chất cần có của một tòa nhà. Rõ ràng, tòa nhà này được “lấy cảm hứng” từ dãy núi Rocky Mountains ở gần đó, nhưng tôi nghi ngờ rằng sẽ không ai nhận ra điều này nếu không được nói cho biết, và họ thường sẽ nghĩ tòa nhà này được lấy cảm hứng từ cái máy chém thời trung cổ được sử dụng để tra tấn những kẻ dị giáo.
Tòa nhà này, cũng như nhiều tòa nhà nổi tiếng khác, làm tôi nhớ đến bài thơ của Shelley, với một chút thay đổi: “Tên ta là Daniel Libeskind, vua của các vị vua: Hãy nhìn vào các tác phẩm của ta, hỡi các vị vua, và hãy tuyệt vọng!”
Theodore Dalrymple là một bác sĩ đã nghỉ hưu. Ông đang là cộng tác viên biên tập của City Journal of New York và là tác giả của 30 cuốn sách, trong đó có cuốn “Cuộc sống ở dưới đáy xã hội”. Cuốn sách mới nhất của ông là “Cấm vận và những câu chuyện khác”.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Theodore Dalrymple
Thuần Thanh biên dịch
Xem thêm: