Đại sứ quán Anh bác bỏ thông tin sai lệch của Trung Quốc về Hồng Kông
Đại sứ quán (ĐSQ) Anh tại Trung Quốc gần đây đã đăng tải một bài viết kêu gọi sự chú ý của dư luận đối với việc Đảng Cộng sản Trung Quốc lan truyền thông tin sai lệch về Vương quốc Anh và Hồng Kông, vốn là một thuộc địa cũ của Anh.
Trong bài đăng trên trang web vào ngày 23/6, ĐSQ Anh đã biên soạn một bản danh sách gồm các bài báo của Trung Quốc, kèm lời giải thích về những tuyên bố sai mà mỗi bài đưa ra.
Trong một bài viết đăng trên trang web của mình vào ngày 13/6, China News tuyên bố rằng các khu vực khác nhau của Hồng Kông đều hoan nghênh luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh đề xuất. Nhưng ĐSQ Anh lại có cách nhìn nhận khác. Mặc dù chắc chắn có một số người ủng hộ điều luật này ở Hồng Kông, nhưng không thể nói rằng “tất cả người dân [ở đây] đều ủng hộ” quyết định này.
ĐSQ cũng đề cập tới một cuộc thăm dò do tờ báo Ming Pao của Hồng Kông thực hiện vào đầu tháng 6, trong đó cho thấy 64% số người được hỏi đều phản đối quyết định của Bắc Kinh khi bỏ qua cơ quan lập pháp Hồng Kông để đề xuất luật an ninh quốc gia tại đặc khu hành chính này.
Cơ quan lập pháp của Trung Quốc là Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc (NPC), đã thông qua luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông vào ngày 28/5 sau khi thực hiện một cuộc bỏ phiếu có tính hình thức.
Luật an ninh quốc gia này cho phép việc truy tố hình sự những người tham gia vào các hoạt động như lật đổ và ly khai chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Luật này sẽ được áp dụng tại Hồng Kông sau khi Ủy ban Thường vụ của NPC hoàn tất việc soạn thảo luật.
ĐSQ Anh cũng bác bỏ một tuyên bố mà tờ Tin Tức Bắc Kinh đưa ra trong một bài báo ngày 28/5, trong đó khẳng định NPC đã hành động tuân theo cả luật pháp ở Hồng Kông và Trung Quốc khi đề xuất áp dụng luật an ninh quốc gia tại thành phố này.
Để đáp lại bài viết này của Tin Tức Bắc Kinh, ĐSQ Anh nhấn mạnh: “Điều luật an ninh quốc gia mới không có cơ sở pháp lý, đi ngược lại [các điều khoản được nêu trong] Tuyên bố chung và bộ Luật Cơ bản của Hồng Kông.
Theo thỏa thuận bàn giao là bản Tuyên bố chung Trung-Anh được ký năm 1984, bản tiểu hiến pháp hay bộ Luật cơ bản của Hồng Kông đã được soạn thảo, để đảm bảo thành phố có quyền tự trị cao trong ít nhất 50 năm kể từ khi thành phố này được Anh trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997, với chính sách “một quốc gia, hai chế độ”.
Tại Hồng Kông, nhiều nhà hoạt động địa phương và các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ động thái của ĐCSTQ, với lý do điều luật sẽ làm suy yếu quyền tự trị của Hồng Kông và thay thế mô hình hiện tại bằng chính sách “một quốc gia, một chế độ”. Bộ luật này cũng đã kích động, khiến các cuộc biểu tình tiếp tục nổ ra ở Hồng Kông.
Trong khi đó, một bài xã luận của CCTV vào ngày 6/6 đã cáo buộc các chính phủ phương Tây, bao gồm cả Vương quốc Anh, có tiêu chuẩn kép và không chỉ trích bạo lực cảnh sát xảy ra ở Hoa Kỳ. Nhận xét này mang ẩn ý rằng các nước phương tây đã thiên vị khi liên tục đưa tin về vấn đề cảnh sát Hồng Kông dùng bạo lực chống lại các nhà báo và người biểu tình của thành phố.
ĐSQ Anh đã bác bỏ cáo buộc của CCTV, nói rằng họ ủng hộ quyền biểu tình ôn hòa xảy ra ở bất cứ nơi nào trên thế giới, bao gồm cả ở Hoa Kỳ và Hồng Kông.
ĐSQ Anh tuyên bố: “Do [chướng ngại] của ‘Vạn Lý Tường Lửa’ mà các công dân Trung Quốc không phải lúc nào cũng có thể thấy Vương quốc Anh nêu lên mối quan ngại của mình [về những vấn đề] bên ngoài Trung Quốc”. ĐSQ Anh cũng đưa ra bằng chứng là một tweet từ Đại sứ Anh tại Hoa Kỳ là bà Karen Pierce, trong đó bà Pierce đang nhấn mạnh về vấn nạn bất bình đẳng chủng tộc ở Hoa Kỳ.
Tường lửa của Trung Quốc được dùng để chặn nhiều trang web nước ngoài như Twitter, Google và Facebook, nhưng một số người dùng Internet vẫn sử dụng mạng riêng ảo (VPN) để truy cập vào các nền tảng bị cấm tại đất nước tỷ dân.
ĐSQ Anh cũng có ý kiến đối với một bài báo ra ngày 9/6 của Tân Hoa Xã, trong đó đưa tin về việc Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) khẳng định các vấn đề tại Hồng Kông là vấn đề nội bộ của Trung Quốc.
Du Miên