Đại sứ Hoa Kỳ nói Nga không nên đóng cửa đại sứ quán Mỹ
LONDON – Nga không nên đóng cửa đại sứ quán Hoa Kỳ bất chấp cuộc khủng hoảng do cuộc chiến ở Ukraine gây ra vì hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới phải tiếp tục đối thoại, đại sứ Hoa Kỳ tại Moscow cho biết hôm thứ Hai (06/06).
Tổng thống Vladimir Putin đã coi cuộc xâm lược Ukraine là một bước ngoặt trong lịch sử Nga: một cuộc nổi dậy chống lại quyền bá chủ của Hoa Kỳ, điều mà người đứng đầu Điện Kremlin cho rằng đã khiến Nga bẽ mặt kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.
Ukraine – và các quốc gia phương Tây ủng hộ nước này — nói rằng họ đang chiến đấu để tồn tại trước một cuộc chiếm đất liều lĩnh kiểu đế quốc.
Trong một nỗ lực rõ ràng là để gửi một thông điệp tới Điện Kremlin, ông John J. Sullivan, đại sứ Hoa Kỳ do Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm, đã nói với hãng thông tấn nhà nước TASS của Nga rằng Hoa Thịnh Đốn và Moscow không nên chỉ đơn giản là cắt đứt quan hệ ngoại giao.
Ông Sullivan nói với TASS trong một cuộc phỏng vấn: “Chúng ta phải duy trì khả năng đối thoại với nhau.” Ông cảnh báo không nên loại bỏ các tác phẩm của Leo Tolstoy khỏi các giá sách ở phương Tây hay từ chối chơi nhạc của Pyotr Tchaikovsky.
Nhận xét của ông đã được hãng TASS tường thuật bằng tiếng Nga và được Reuters dịch sang tiếng Anh.
Bất chấp các cuộc khủng hoảng, các vụ bê bối gián điệp và trên bờ vực Chiến Tranh Lạnh, quan hệ giữa Moscow và Hoa Thịnh Đốn vẫn chưa bị cắt đứt kể từ khi Hoa Kỳ thiết lập quan hệ với Liên Xô vào năm 1933.
Tuy nhiên giờ đây, Nga cho biết mối giao thiệp của họ với phương Tây thời hậu Xô Viết đã chấm dứt và nước này sẽ chuyển hướng sang phía Đông.
Tháng trước (05/2022), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã châm biếm rằng ông muốn dành tặng bài hát “We Are Never Ever Getting Back Together” (tạm dịch: “Chúng Ta Sẽ Không Bao Giờ Tái Hợp”) của Taylor Swift cho ông Putin.
Khi được hỏi về lời nhận xét đó, ông Sullivan nói: “Chúng ta cũng sẽ không bao giờ hoàn toàn cắt đứt.”
Khi được TASS hỏi có phải phép ví von này có nghĩa là các đại sứ quán có thể bị đóng cửa hay không, ông Sullivan đáp: “Các đại sứ quán có thể bị như vậy — có khả năng đó, mặc dù tôi nghĩ đó sẽ là một sai lầm lớn.”
“Theo tôi hiểu thì chính phủ Nga đã đề cập đến phương án cắt đứt quan hệ ngoại giao,” ông nói. “Chúng ta không thể chỉ đơn giản là cắt đứt quan hệ ngoại giao và ngừng nói chuyện với nhau.”
Hôm thứ Hai, Bộ Ngoại giao Nga đã triệu tập các giám đốc văn phòng ở Moscow của các hãng truyền thông Mỹ để thảo luận về những gì họ nói là hậu quả của những hành động không thân thiện của Hoa Kỳ.
Việc Nữ hoàng Nga Catherine Đại Đế từ chối ủng hộ đế quốc Anh khi Mỹ tuyên bố độc lập đã đặt cơ sở cho các cuộc tiếp xúc ngoại giao đầu tiên giữa Hoa Kỳ và St. Petersburg, khi đó là thủ đô của Nga.
Sau Cách mạng Bolshevik vào tháng 10/1917, Tổng thống Woodrow Wilson đã từ chối công nhận chính phủ cách mạng của Vladimir Lenin và đại sứ quán Hoa Kỳ đã đóng cửa vào năm 1919. Mối quan hệ đã không được thiết lập lại cho đến năm 1933.
“Lý do duy nhất tôi có thể nghĩ đến việc Hoa Kỳ có thể bị buộc phải đóng cửa đại sứ quán của mình là nếu như tình hình trở nên không an toàn để tiếp tục công việc của đại sứ quán,” ông Sullivan nói.
Khi được hỏi mối quan hệ sẽ phát triển như thế nào, ông Sullivan, một luật sư 62 tuổi, cho biết ông không biết nhưng nói thêm rằng ông hy vọng một ngày nào đó có thể thiết lập lại mối quan hệ hữu nghị.
“Nếu như tôi đưa ra lời dự đoán, thì tôi sẽ nói có lẽ sẽ không phải là trong cuộc đời của tôi.”