Đại sứ Burns: ĐCSTQ vẫn không ngừng đánh cắp tài sản trí tuệ từ các công ty Hoa Kỳ ở Trung Quốc
Trung Quốc Cộng sản muốn thay thế Hoa Kỳ ‘trở thành quốc gia thống trị toàn cầu … Chúng ta không muốn điều đó xảy ra,’ ông Burns nói.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Nicholas Burns cho biết các công ty Mỹ hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức ở Trung Quốc, đặc biệt là không có bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (IP).
Trong một lần xuất hiện trên chương trình “60 Minutes” của CBS News phát sóng hôm 25/02, ông Burns cho biết những thách thức về sở hữu trí tuệ là một trong những mối lo ngại mà ông đã nghe được từ các công ty Hoa Kỳ đang hoạt động tại Trung Quốc.
Ông Burns nói: “Ở đây vẫn còn tình trạng đánh cắp tài sản trí tuệ từ các công ty Mỹ.”
Khi được hỏi liệu có phải công ty Mỹ nào cũng đều lo ngại về hành vi trộm cắp IP ở Trung Quốc hay không, ông trả lời: “Đúng vậy.”
Trong nhiều năm, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã và đang chiếm đoạt quyền sở hữu trí tuệ cũng như đánh cắp bí mật thương mại từ các công ty và tổ chức với mục đích biến Trung Quốc thành một cường quốc về công nghệ và IP. Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, trong một báo cáo xuất bản năm 2018, đã phát hiện ra rằng “hoạt động đánh cắp của Trung Quốc đối với tài sản trí tuệ của Mỹ hiện gây thiệt hại từ 225 tỷ đến 600 tỷ USD mỗi năm.”
Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc, trong báo cáo mới nhất về môi trường kinh doanh thường niên được công bố hôm 01/02, đã phát hiện ra rằng hành vi đánh cắp thông qua mạng và việc nhân viên đánh cắp IP là một trong những thách thức quan trọng nhất về quyền sở hữu trí tuệ mà các thành viên của phòng này phải đối mặt trong năm 2023. Các thách thức IP khác bao gồm văn bản luật và quy định liên quan đến sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc không cung cấp đủ biện pháp bảo vệ, khó khăn trong việc truy tố các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại tòa án hoặc thông qua các biện pháp hành chính, và những đòi hỏi về việc chuyển giao công nghệ nếu họ muốn hợp tác kinh doanh với các đối tác Trung Quốc
Tháng Mười năm ngoái, các giám đốc tình báo của liên minh chia sẻ thông tin tình báo Ngũ Nhãn — Úc, Canada, New Zealand, Vương quốc Anh, và Hoa Kỳ — đã đưa ra cảnh báo chung về hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ của chính quyền Trung Quốc.
Ông Burns cũng chỉ trích việc chính quyền Trung Quốc đột kích các công ty tư vấn và thẩm định trong cuộc trấn áp chống gián điệp năm ngoái và cách Bắc Kinh thực thi luật chống gián điệp sửa đổi vào ngày 01/07 năm ngoái.
Ông Burns cho hay, “Họ đã thông qua bản sửa đổi luật chống gián điệp của mình. Và bộ luật mới này được viết một cách chung chung đến mức các doanh nhân Mỹ có thể bị buộc tội làm gián điệp vì tham gia vào các hoạt động hoàn toàn hợp pháp và được thừa nhận ở mọi nơi trên thế giới.”
Về các cuộc đột kích nói trên, ngài đại sứ nói rằng chính quyền Trung Quốc “muốn thao khống dữ liệu” về người dân Trung Quốc và các công ty Trung Quốc.
‘Mối bang giao nguy hiểm nhất’
Ngài đại sứ cho biết ông cho rằng cuộc cạnh tranh Hoa Kỳ-Trung Quốc sẽ tiếp tục trong thập niên tới.
Ông nói: “Tôi nghĩ đây là mối bang giao quan trọng nhất, cạnh tranh nhất, và nguy hiểm nhất mà Hoa Kỳ có trên thế giới hiện nay và sẽ tiếp tục trong khoảng một thập niên tới.”
Ngài đại sứ nói thêm rằng sự cạnh tranh hiện nay không giống như Chiến tranh Lạnh, thời điểm mà Liên Xô có một “nền kinh tế rất sa sút.” Ông nói thêm: “Chúng ta đang đối phó với một địch thủ, một đối thủ ở Trung Quốc mạnh hơn Liên Xô vào những năm 1940, 50, 60, 70, và 80.”
Ông Burns không mô tả cuộc cạnh tranh Hoa Kỳ-Trung Quốc là một cuộc chiến tranh lạnh mới, như một số nhà lập pháp và chuyên gia đã gọi như thế. Thay vào đó, ngài đại sứ gọi mối quan hệ cạnh tranh giữa hai quốc gia này là “một cuộc cạnh tranh về lý tưởng.”
“Lý tưởng của chúng ta — lý tưởng lớn của Mỹ về một xã hội dân chủ và quyền tự do của con người — trái ngược với lý tưởng của Trung Quốc cho rằng một nhà nước cộng sản mạnh hơn một nền dân chủ. Chúng ta không tin điều đó,” ông Burns nói. “Vì vậy đang có một cuộc chiến ở đây, để xem lý tưởng của nước nào sẽ dẫn dắt thế giới này. Và chúng ta tin rằng đó là lý tưởng của người Mỹ.”
Ông nói thêm rằng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) đang thúc đẩy cuộc chạy đua quân sự hiện nay giữa hai quốc gia.
Ngài đại sứ chia sẻ, “Các công ty và chuyên gia công nghệ của chúng ta đang cạnh tranh trong lĩnh vực AI, công nghệ sinh học, và toán học lượng tử. Tất cả những tiến bộ công nghệ đó sẽ dẫn đến một thế hệ công nghệ quân sự mới.”
“Quân đội của hai nước chúng ta đang tranh giành nhau để có được vị thế lãnh đạo về quân sự — xem nước nào sẽ trở thành thế lực hùng cường nhất ở khu vực chiến lược, quan trọng nhất của thế giới, [đó là] Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times