Đại mỹ nhân kiến tạo hòa bình cho Trung Hoa
Hung Nô, một nhóm các bộ lạc du mục sống ở phía bắc Vạn Lý Trường Thành, là tổ tiên của người Mông Cổ hiện đại. Từ hàng ngàn năm trước, người Hung Nô trên lưng ngựa đã chinh phạt Trung Quốc, phá hủy mùa màng, tàn phá từ thị trấn cho đến làng mạc cũng như nền văn minh và nông nghiệp của Trung Hoa.
Hàng trăm năm trước khi đội quân Hung Nô của Attila tàn phá Đế chế La Mã phương Tây, triều đại nhà Hán của Trung Quốc (206 TCN – 220) đã bị vây hãm trong cuộc chiến tranh tưởng như không bao giờ kết thúc với kẻ thù từ thảo nguyên.
Khi chiến tranh kết thúc, mối giao hòa giữa nhà Hán và Hung Nô được thiết lập trong nửa thế kỷ. Mối giao bang này không là thành quả của vũ lực mà là nhờ vào sự hy sinh của một thiếu nữ đức hạnh có nhan sắc tuyệt mỹ tên là Vương Chiêu Quân.
Thê thiếp không được sủng ái
Vương Chiêu Quân sống cách đây khoảng 2,000 năm và là phi tần dưới thời cai trị của vua Hán Nguyên Đế. Giống như bao hoàng đế Trung Hoa khác, Hán Nguyên Đế duy trì một hậu cung gồm hàng nghìn cung nữ, hầu hết trong số họ không có cơ hội diện kiến Thiên tử chứ chưa nói đến việc được ngài ân sủng.
Vua Hán Nguyên Đế lệnh cho họa sĩ vẽ chân dung các phi tần và dựa vào đó mà triệu hạnh. Nhiều phi tần vì muốn giành được sự sủng ái của hoàng đế nên đã lo lót tiền cho họa sĩ để vẽ họ đẹp hơn thực tế. Các họa sĩ kiếm được khá nhiều tiền nhờ vào “công việc” này. Họ thậm chí còn mong đợi những “khoản tiền” như vậy như một lẽ tất nhiên.
Họa sĩ vẽ chân dung cho Vương Chiêu Quân tên là Mao Diên Thọ. Vương Chiêu Quân hiểu rõ chiêu trò này nhưng quyết không nghe theo. Việc này khiến Mao Diên Thọ vô cùng tức giận, cố tình vẽ nàng thật xấu xí. Sắc đẹp nổi tiếng với vẻ “trầm ngư lạc nhạn” và tài năng cầm kỳ thi họa của nàng đã bị phớt lờ, và Vương Chiêu Quân vẫn là một cung nữ bình thường.
Sự tiếc nuối khi mất một đại mỹ nhân
Nhiều năm trước, khi thủ lĩnh của bộ tộc Hung Nô là Hô Hàn Tà đến Trường An, không phải để đột kích hay tấn công, mà là để kết mối giao bang. Gia tộc của ông ta đã nhiều năm cam kết trung thành với các hoàng đế nhà Hán trước đó, hiện giờ đã vươn lên vị trí thống nhất trong các dân tộc Nội Mông. Lúc bấy giờ ông ta có một thỉnh cầu đặc biệt: mong được kết hôn với một công chúa Trung Hoa và trở thành một thành viên của hoàng tộc.
Hán Nguyên Đế không hứng thú với viễn cảnh dòng máu hoàng gia trộn lẫn với bộ tộc mà hầu hết người Trung Hoa đều coi là man rợ. Qua sàng lọc chân dung của các cung nữ, Hoàng đế nhà Hán đã chọn ra một người phù hợp cho thủ lĩnh Nội Mông – cung nữ “xấu xí” Vương Chiêu Quân.
Một phiên bản khác kể rằng, Hán Nguyên Đế tuyên bố: “Bất cứ mỹ nhân nào lọt vào mắt xanh của Hung Nô thì ta sẽ xem cô gái đó như công chúa con ta.” Các cung nữ đều e dè không sẵn lòng chấp nhận lấy thủ lĩnh Hung Nô. Duy chỉ có Vương Chiêu Quân bước ra tình nguyện lấy Hô Hàn Tà.
Chỉ đến khi Vương Chiêu Quân diện kiến trước Hán Nguyên Đế để làm lễ chia tay, Hoàng đế mới phát hiện ra thủ đoạn của các họa sĩ trong cung. Trước mặt nhà vua là một tuyệt sắc giai nhân mà ngài vừa ép buộc đến thảo nguyên.
Hán Nguyên Đế rất muốn giữ nàng lại nhưng vì uy tín của quốc vương đành luyến tiếc để Chiêu Quân đi. Hô Hàn Tà vui mừng khôn xiết khi được đón một đại mỹ nhân về làm vợ, họ cùng nhau vượt qua Vạn Lý Trường Thành.
Các nghệ sĩ sau này thường miêu tả Vương Chiêu Quân ngồi trên lưng ngựa, mặc một chiếc áo khoác lông màu đỏ và chơi đàn tỳ bà (một loại nhạc cụ có dây truyền thống của Trung Quốc) trong hành trình nổi tiếng của nàng đến thảo nguyên bao la Mông Cổ.
Thời gian bang giao hòa bình
Mặc dù người Hán đã từng là kẻ thù, người dân Hung Nô chào đón Chiêu Quân với vòng tay rộng mở. Nàng sinh được hai con trai và một con gái với thủ lĩnh bộ lạc. Khi Hô Hàn Tà qua đời, con trai của ông do người vợ đầu là (Phục Chu Luy Nhược Đề) lên nắm quyền theo phong tục địa phương.
Cuộc hôn nhân của Vương Chiêu Quân đã tránh được nạn binh đao cho hai dân tộc Hán – Nô trong một thời gian dài. Tuy nhiên, ngay cả khi Trung Hoa hòa thuận với các nước láng giềng nhưng nội bộ trong triều không hề bình yên. Trước cái chết của một vị Hán Đế, lợi dụng cơ hội, viên quan nổi loạn Vương Mãng nổi lên chống lại triều đình, đất nước rơi vào tình trạng hỗn loạn. Vương Mãng bị đánh bại và triều đình nhà Hán tiếp tục kéo dài thêm hai trăm năm nữa, nhưng tình trạng hỗn loạn do cuộc nổi dậy của Vương Mãng gây ra đã phá hủy nền hòa bình mong manh mà nhà Hán duy trì với những người du mục.
Vương Chiêu Quân là một trong tứ đại mỹ nhân của lịch sử Trung Hoa cùng với Tây Thi, Điêu Thuyền và Dương Quý Phi. Không giống 3 mỹ nhân còn lại, những người nổi tiếng trong việc dùng nhan sắc để quyến rũ, làm mê hoặc quân vương để rồi có kết cục bi thảm. Vương Chiêu Quân được ca tụng bởi tính trung thực và đức hy sinh. Nàng được coi là sứ giả hòa bình khi gắn kết hài hòa nền văn minh Trung Hoa cổ đại với các nền văn hóa nước ngoài.
Leo Timm
Minh Vi biên dịch
Xem thêm: