Đài Loan yêu cầu tham gia vào Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc trong bối cảnh đại dịch
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, việc Đài Loan yêu cầu được tham dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm nay càng có sức nặng lớn hơn đối với các nhà lãnh đạo thế giới: Đài Loan là một trong số ít các quốc gia ứng phó thành công với cuộc khủng hoảng y tế hiện nay, trong khi Trung Quốc bị nhiều nước chỉ trích vì che giấu thông tin trong những giai đoạn đầu của đại dịch.
Dưới áp lực chính trị từ Trung Quốc, có khả năng tổ chức quốc tế này sẽ loại Đài Loan một lần nữa khỏi Đại hội đồng, dự kiến sẽ tổ chức từ ngày 15/9 đến 30/9 tại New York, Hoa Kỳ.
Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, bất chấp thực tế là hòn đảo này hoạt động như một quốc gia, với chính phủ được bầu cử dân chủ, cùng quân đội và tiền tệ riêng.
Bắc Kinh đã liên tục gây sức ép để các tổ chức quốc tế phải chấp nhận những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, chẳng hạn như Liên Hợp Quốc.
“23.5 triệu người Đài Loan bị từ chối bất kỳ sự tiếp cận nào đối với các cơ sở của Liên Hợp Quốc. Các nhà báo và các hãng thông tấn Đài Loan cũng bị từ chối cấp phép để đưa tin về các cuộc họp của Liên Hợp Quốc”, Ngoại trưởng Đài Loan Jaushieh Joseph Wu viết trong bài bình luận gần đây của ông được đăng trên một số tờ báo Châu Á.
Để kỷ niệm 75 năm thành lập Liên Hợp Quốc, chủ đề của cuộc họp năm nay sẽ là “Tương lai mà chúng ta muốn, Liên Hợp Quốc chúng ta cần: Tái khẳng định cam kết chung của chúng ta đối với chủ nghĩa đa phương”.
Đài Loan không còn là thành viên của Liên Hợp Quốc kể từ tháng 10/1971.
Do đại dịch COVID-19, lần đầu tiên Đại hội Liên Hợp Quốc sẽ được tổ chức trực tuyến năm nay. Các nhà ngoại giao tham gia sự kiện sẽ được nhắc nhở mỗi ngày về đại dịch đang diễn ra, do tiêu chuẩn mới của môi trường họp trực tuyến.
Đài Loan, tuy có mật độ dân số cao, nhưng lại có ít hơn 500 ca được xác nhận nhiễm virus và 7 ca tử vong kể từ khi bắt đầu xuất hiện dịch COVID-19. Trong khi đó, trên toàn thế giới đã có hơn 27 triệu người mắc bệnh và hơn 893,000 trường hợp tử vong.
Các chuyên gia cho rằng thành công của Đài Loan trong việc kiềm chế sự lây lan của virus là nhờ các biện pháp phòng ngừa sớm, phần lớn đến từ kinh nghiệm ứng phó với dịch bệnh có nguồn gốc từ Trung Quốc trong quá khứ. Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn là người đứng đầu Hội đồng Các vấn đề Đại Lục, cơ quan quản lý các mối quan hệ của hòn đảo với Trung Quốc đại lục, trong đại dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) vào năm 2003. Ở Đài Loan, SARS đã khiến 180 người thiệt mạng.
Dựa trên kinh nghiệm trước đây, Cơ quan Kiểm soát Dịch bệnh của Đài Loan (DCA) đã cử 2 chuyên gia y tế đến Vũ Hán vào ngày 11/1, khi nghe thông tin về một căn bệnh bí ẩn có triệu chứng tương tự như bệnh viêm phổi bùng phát ở thành phố vào cuối năm ngoái. DCA đã tổ chức cuộc họp báo đầu tiên vào ngày 16/1 để loan báo về nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn bắt nguồn từ Vũ Hán, sau đó nhanh chóng thiết lập các biện pháp kiểm soát biên giới và một Trung tâm Chỉ huy Dịch bệnh Trung ương mới để ứng phó với virus Vũ Hán (chủng virus corona mới).
Trong khi đó, các quốc gia khác chủ yếu dựa vào thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đến thăm Bắc Kinh và gặp lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 28/1, 5 ngày sau khi Vũ Hán bị phong tỏa. Tuy nhiên, WHO lại không tuyên bố COVID-19 là đại dịch cho đến ngày 11/3.
Thành công của Đài Loan trong việc bảo vệ đảo quốc này khỏi đại dịch đã thu hút sự chú ý của thế giới. Hồi tháng 8, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ Alex Azar đã đến thăm Đài Loan để thảo luận về các chiến lược trong việc ngăn chặn COVID-19, trở thành quan chức cao cấp nhất của Hoa Kỳ đến thăm hòn đảo này kể từ năm 1979.
Đài Loan cũng đang nỗ lực hỗ trợ các quốc gia khác. “Đài Loan đã tặng 51 triệu khẩu trang phẫu thuật, 1.16 triệu khẩu trang N-95, 600,000 áo choàng cách ly, 35,000 nhiệt kế đo trán và các vật liệu y tế khác cho hơn 80 quốc gia”, ông Wu cho biết trong bài bình luận của mình.
LHQ, trong Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững, cam kết rằng “không ai sẽ bị bỏ lại phía sau,” và rằng bởi vì “phẩm giá của con người là cơ bản, chúng tôi muốn nhìn thấy các mục tiêu và chỉ tiêu đều được hoàn thành cho tất cả các quốc gia, dân tộc, và mọi thành phần trong xã hội.”
Bộ trưởng Wu khẳng định rằng Liên Hợp Quốc đang làm trái với tầm nhìn của chính họ, “khi Đài Loan – một trong những nền dân chủ kiểu mẫu trên thế giới và là một ví dụ thành công trong việc ngăn chặn đại dịch hiện nay – tiếp tục bị cấm tham gia cũng như trao đổi kinh nghiệm và thông tin trong hệ thống của Liên Hợp Quốc.”
Hồi tháng 5, Đài Loan đã bị loại khỏi cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Y tế Thế giới, cơ quan ra quyết định của WHO, mặc dù hòn đảo này đã thành công trong việc ngăn chặn đại dịch.
Kể từ năm 2017, Đài Loan đã bị Trung Quốc cấm tham gia vào đại hội đồng và các cuộc họp của họ.
Ông Wu nhấn mạnh trong bài bình luận của mình rằng, “Cộng đồng toàn cầu phải nỗ lực phối hợp để tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn và bền vững hơn. Đài Loan đã sẵn sàng, tự nguyện, và có đủ khả năng để trở thành một phần của những nỗ lực này.”
Tác giả: Nathan Su