Đài Loan tham gia cuộc đua máy điện toán lượng tử, thành lập đội ngũ R&D quốc gia
Gần đây Đài Loan đã công bố một đội ngũ quốc gia chuyên nghiên cứu và phát triển (R&D) máy điện toán lượng tử, tận dụng lợi thế của ngành công nghiệp chất bán dẫn tân tiến của hòn đảo này.
Hãng Thông tấn Trung ương do nhà nước sở hữu của Đài Loan (CNA) đưa tin, một thông báo được đưa ra hôm 16/03 về sáng kiến có sự tham gia của 17 nhóm nghiên cứu của Bộ Khoa học và Công nghệ (MOST), viện nghiên cứu quốc gia Academia Sinica, và Bộ các Vấn đề Kinh tế (MOEA).
Đội ngũ nghiên cứu này bao gồm 72 chuyên gia và 24 doanh nghiệp, trong đó có các chuyên gia từ Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) và Foxconn, những người sẽ nghiên cứu các nguyên tố lượng tử, máy điện toán và hệ thống truyền thông.
Mặc dù các ứng dụng khả thi vẫn được cho là còn cách xa nhiều thập niên, nhưng về mặt lý thuyết, các công nghệ này có khả năng vượt qua các giới hạn vật lý của máy điện toán thông thường khi được tạo ra thành công.
MOEA tiết lộ một kế hoạch đầu tư hơn 11 triệu USD trong bốn năm tới, trong khi MOST cam kết đầu tư 8 triệu USD trong năm năm. Các khoản tài trợ của chính phủ nhằm mục đích thúc đẩy sự phát triển máy điện toán lượng tử của riêng Đài Loan.
Ông Felix Gwo, người triệu tập một hội đồng thúc đẩy sự phát triển của các hệ lượng tử, nói với The Epoch Times rằng dự kiến sẽ có nhiều công ty tư nhân hơn nữa tham gia vào các nỗ lực nghiên cứu phát triển, và tài trợ sẽ được tăng lên đáng kể phụ thuộc vào tiến triển này.
Ông nói thêm, nguồn tài trợ sẽ không bị giới hạn ở quỹ từ chính phủ.
Theo DigiTimes của Đài Loan, TSMC, nhà sản xuất vi mạch bán dẫn lớn nhất thế giới, đã bắt đầu săn lùng tài năng nghiên cứu máy điện toán lượng tử bằng cách đưa ra mức lương cao gấp ba lần mức lương ban đầu của họ trước năm 2020.
Theo CNA, Trưởng phòng Công nghệ Công nghiệp của MOEA, ông Khâu Cầu Tuệ (Chiou Chyou-huey), nói rằng các công nghệ lượng tử được kỳ vọng sẽ tạo ra những cơ hội kinh doanh lớn trên toàn cầu. Điện toán lượng tử đòi hỏi các công nghệ thu nhỏ, vốn là thế mạnh của các vi mạch bán dẫn silicon của TSMC.
Chủ tịch Viện hàn lâm Sinica James Liao cho biết các nhân viên nghiên cứu của học viện này đã dành một thập niên để nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ điện toán lượng tử và vật liệu lượng tử.
Academia Sinica đã có thể xây dựng các qubit siêu dẫn, đơn vị căn bản của thông tin lượng tử. Học viện quốc gia có trụ sở tại Đài Bắc này đã có các công nghệ để tạo và đọc qubit, cũng như kiểm soát trạng thái của qubit.
Ông Liao nói thêm rằng khả năng tính toán mạnh mẽ của máy điện toán lượng tử được kỳ vọng sẽ mang lại một bước đột phá cho ngành dược phẩm. Nếu được áp dụng để phát minh thuốc, họ có thể lập mô hình và thử nghiệm các loại thuốc mới thông qua mô phỏng phân tử.
Bộ trưởng Bộ KH&CN, Ngô Chính Trung (Wu Tsung-tsong), cho biết thêm rằng công nghệ lượng tử sẽ tác động đáng kể đến an ninh mạng, khu vực tài chính, và ngành công nghiệp quốc phòng quốc gia.
Ông Trương Khánh Thụy (Chang Ching-ray), một giáo sư vật lý xuất sắc tại Đại học Quốc gia Đài Loan (NTU) và là giám đốc Trung tâm Máy điện toán Lượng tử NTU-IBM, nói với The Epoch Times rằng chiến lược của MOST và Academia Sinica là thu hẹp phạm vi và tập trung vào các thành phần cụ thể của công nghệ lượng tử. Trọng tâm phát triển của họ sẽ là cương liệu quang học và siêu dẫn cũng như các ứng dụng nhu liệu.
Cuộc đua máy điện toán lượng tử toàn cầu
Hành động của Đài Loan theo sau các biện pháp được thực hiện ở những nơi khác với việc các nhà nghiên cứu ở nhiều quốc gia khác nhau đang đạt được bước tiến trong phát triển công nghệ lượng tử.
Theo The Times of Israel, hôm 22/03, một nhóm các nhà nghiên cứu ở Israel đã tiết lộ máy điện toán lượng tử đầu tiên của đất nước này, một chiến công lớn được thực hiện trong nhiều năm. Các chuyên gia cho biết, bước đột phá này đang được coi là mang lại lợi ích cao cho các ngành như an ninh mạng, vật liệu và dược phẩm, tài chính ngân hàng và sản xuất tân tiến.
Năm ngoái (2021), The Guardian đưa tin, Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo rằng Vương quốc Anh đang xây dựng một máy điện toán lượng tử đa năng và đặt mục tiêu đạt được 50% thị trường máy điện toán lượng tử toàn cầu vào năm 2040.
Hồi năm 2018, Nhật Bản đã kết hợp một chương trình R&D có tên “Bước nhảy vọt Lượng tử” vào chính sách quốc gia của mình, tham gia cuộc đua máy điện toán lượng tử.
Tương tự, trong cùng năm đó, Hạ viện và Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua “Đạo luật Sáng kiến Lượng tử Quốc gia (pdf),” một chương trình nhằm tăng tốc hoạt động nghiên cứu và phát triển lượng tử cho nền kinh tế và an ninh quốc gia.
Tương tự như vậy, vào năm 2018, Nghị viện EU đã tổ chức một hội nghị tại Vienna về công nghệ lượng tử, trí tuệ nhân tạo, và an ninh mạng cũng như các kế hoạch của khối để “[bắt kịp] với tương lai.”
Trong khu vực tư nhân của Mỹ, IBM đã giới thiệu lộ trình của mình cho công nghệ lượng tử. Công ty này đang phát triển một bộ vi xử lý có thể mở rộng, ngày càng lớn hơn và tốt hơn, với một thiết bị hơn 1,000 qubit, được gọi là IBM Quantum Condor, được nhắm mục tiêu hoàn thiện vào cuối năm 2023.
Một qubit hoặc bit lượng tử là đơn vị căn bản của thông tin lượng tử. Xếp hạng qubit càng cao, thì càng cần bộ xử lý tân tiến hơn.
Giống như nhiều nền kinh tế tiên tiến, Trung Quốc cũng đưa hoạt động R&D máy điện toán lượng tử vào chính sách quốc gia của mình. “Kế hoạch 5 năm lần thứ 13” của Đảng Cộng sản Trung Quốc được đưa ra vào năm 2016 cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường nghiên cứu lượng tử, với mục tiêu trở thành một quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực này vào năm 2030. Được biết, nước này đã đầu tư 11 tỷ USD để xây dựng một phòng thí nghiệm lượng tử quốc gia.
Bản tin có sự đóng góp của Joyce Liang và Kane Zhang
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: