Đài Loan kêu gọi sự ủng hộ vì WHO không mời tham dự hội nghị thượng đỉnh thường niên
Bất chấp sự ủng hộ ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế, Đài Loan vẫn chưa được mời tham gia Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) thường niên lần thứ 75, cơ quan ra quyết định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đang triệu tập từ ngày 22 đến 28/05 tại Geneva, Thụy Sĩ sau hai năm tiến hành đại hội trực tuyến do đại dịch COVID-19.
Đài Loan, vốn đã bị loại khỏi WHA từ năm 2017, cho biết họ rất biết ơn sự ủng hộ từ 13 đồng minh ngoại giao, cũng là các quốc gia thành viên của WHO. Trong nghị trình cuộc họp, các quốc gia này đã đệ trình kiến nghị đưa Đài Loan trở lại tham gia WHA.
Theo Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA), khoảng 20 quốc gia gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản và các quốc gia G-7 khác, Liên minh Âu Châu, các quốc gia Mỹ Latinh và Caribbean, cùng hơn 2,000 cá nhân trên khắp thế giới cũng đã lên tiếng ủng hộ Đài Loan.
Hôm 13/05, Tổng thống Biden đã ký một dự luật ủng hộ tư cách quan sát viên của Đài Loan tại WHA.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết tại cuộc họp báo hôm 17/05 rằng: “Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ việc WHO mời Đài Loan tham gia với tư cách quan sát viên và hỗ trợ chuyên môn cho các cuộc thảo luận tìm kiếm giải pháp tại Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 75.”
Hôm 18/05, Ngoại trưởng Antony Blinken đã đưa ra một tuyên bố ca ngợi Đài Loan và “các khả năng và biện pháp khác biệt của họ — bao gồm chuyên môn cao về y tế cộng đồng, quản trị dân chủ, khả năng chống dịch COVID-19, và nền kinh tế vững mạnh.”
Hôm 20/05, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) đã đăng một video trên Twitter để cảm ơn và khuyến khích cộng đồng quốc tế tiếp tục ủng hộ họ.
Đoạn video cho thấy cảnh trao đổi viện trợ đại dịch giữa Đài Loan và các quốc gia khác, cũng như các chuyến thăm của các quan chức đến Đài Loan trong năm qua, bao gồm từ Hoa Kỳ, Liên minh Âu Châu, Lithuania, Latvia, Estonia, Pháp, Thụy Điển và Nhật Bản.
Bà nói trong video: “Sự sẵn sàng sát cánh của quý vị cùng chúng tôi có ý nghĩa rất lớn đối với 23 triệu người dân Đài Loan yêu tự do. Nền dân chủ của chúng tôi mạnh mẽ hơn vì có sự ủng hộ của quý vị.”
Căng thẳng tiếp diễn
Hôm 21/05, Thủ tướng Đài Loan Tô Trinh Xương (Su Tseng-chang) cho biết do sự can thiệp chính trị của đảng cầm quyền Trung Quốc – Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và nguyên tắc “Một Trung Quốc” (One China principle) của họ, Đài Loan đã không nhận được lời mời từ WHO.
Sau khi Hoa Kỳ đưa ra sự ủng hộ đối với Đài Loan, ĐCSTQ đã ra một tuyên bố nói rằng họ “kiên quyết phản đối tuyên bố của Hoa Kỳ.”
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ cho biết, “sự tham gia của khu vực Đài Loan vào các hoạt động của các tổ chức quốc tế, bao gồm cả WHO, phải được thực hiện theo nguyên tắc Một Trung Quốc.”
Đáp lại, ông Price viết trên Twitter, “CHND Trung Hoa [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] tiếp tục công khai xuyên tạc chính sách của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ không tán thành ‘nguyên tắc Một Trung Quốc’ của CHND Trung Hoa — chúng tôi vẫn cam kết thực hiện chính sách Một Trung Quốc lưỡng đảng lâu đời của chúng tôi theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan (Taiwan Relations Act), Ba Tuyên cáo chung (Three Joint Communiques) và Sáu bảo đảm (Six Assurances.)
ĐCSTQ từ lâu đã cố gắng trộn lẫn các khái niệm giữa “Nguyên tắc Một Trung Quốc” và “Chính sách Một Trung Quốc”, vốn thường được các quốc gia khác chấp nhận.
Ông David R. Stilwell, trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, cho biết trong một tuyên bố, “Hoa Kỳ từ lâu đã có chính sách một Trung Quốc. Điều này khác với ‘Nguyên tắc Một Trung Quốc’ của Bắc Kinh, theo đó ĐCSTQ khẳng định chủ quyền đối với Đài Loan. Hoa Kỳ không có quan điểm về chủ quyền đối với Đài Loan.”
Đài Loan, tên chính thức là Trung Hoa Dân Quốc (ROC), đã bị trục xuất khỏi WHO hồi năm 1972, tức là một năm sau khi quốc gia này mất ghế tại Liên Hiệp Quốc vào tay CHND Trung Hoa do ĐCSTQ cầm quyền. Căng thẳng giữa Trung Hoa Dân Quốc và CHND Trung Hoa đã và đang chi phối mối bang giao xuyên eo biển này.
Đài Loan đã từng tham gia WHA với tư cách là quan sát viên với tên gọi “Đài Bắc Trung Hoa” từ năm 2009 đến năm 2016, khi đó chính phủ Đài Loan có mối bang giao nồng ấm hơn với ĐCSTQ.
Kể từ khi bà Thái trở thành tổng thống Đài Loan, WHO đã chấm dứt lời mời do áp lực từ ĐCSTQ. ĐCSTQ đã phản đối bà Thái và Đảng Tiến Bộ Dân Chủ của bà vì lập trường của họ rằng Đài Loan là một quốc gia độc lập.
Cô Kelly Song là một tác gia của The Epoch Times tại Hoa Kỳ, chuyên về tất cả những vấn đề liên quan đến Trung Quốc.
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: