Đài Loan hy vọng đạt được tiến triển về thỏa thuận thương mại với EU
Hôm 16/12, Tổng thống Thái Anh Văn nói với các nhà lập pháp của Pháp rằng, Đài Loan hy vọng đạt được mối liên kết thương mại mạnh mẽ hơn với Liên minh Âu Châu khi Pháp đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của khối vào nửa đầu năm tới.
Một phái đoàn Pháp gồm sáu thành viên đã đến Đài Loan hôm 15/12 để thực hiện chuyến công du kéo dài 5 ngày, lần thứ hai trong năm nay sau chuyến thăm hồi tháng Mười. Trưởng đoàn, ông François de Rugy, cũng là người đứng đầu Nhóm Hữu nghị Đài Loan trong Quốc hội, hay còn gọi là Hạ viện Pháp – một bộ phận của Nghị viện Pháp.
Chuyến thăm này là một dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ ngày càng tăng của phương Tây đối với Đài Bắc, khi các chính trị gia Hoa Kỳ và Âu Châu đã thực hiện các chuyến thăm gần đây đến Đài Loan trong bối cảnh Bắc Kinh leo thang các mối đe dọa quân sự nhằm vào hòn đảo tự trị mà họ tuyên bố là của riêng mình.
Áp lực của Trung Quốc đã làm giảm số lượng đồng minh ngoại giao của Đài Loan xuống còn 14, nhưng các quốc gia khác vẫn duy trì liên hệ không chính thức với hòn đảo dân chủ này.
“Trước tình hình quốc tế đang thay đổi nhanh chóng và chủ nghĩa độc tài tiếp tục lan rộng, thì các đối tác dân chủ cần chung tay hợp tác hơn nữa,” bà Thái nói trong cuộc họp với nhóm này hôm 16/12 tại Văn phòng Tổng thống ở Đài Bắc, không nêu đích danh Trung Quốc.
Tổng thống Đài Loan nói với các nhà lập pháp rằng Đài Bắc hy vọng đạt được tiến triển trong các cuộc đàm phán thương mại và một liên kết đối tác mạnh mẽ hơn với EU, vì Pháp sẽ đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng EU – lần đầu tiên sau 14 năm – vào ngày 01/01/2022. Chức Chủ tịch Hội đồng này luân phiên giữa các quốc gia thành viên sáu tháng một lần.
Bà nói: “Chúng tôi hy vọng EU, dưới sự lãnh đạo của Pháp, có thể tiếp tục thúc đẩy một cuộc đàm phán giữa Đài Loan và EU về một hiệp định đầu tư song phương, hay BIA, để mở ra một mối liên hệ hợp tác mới giữa Đài Loan và EU.”
Chủ tịch Hội đồng chịu trách nhiệm điều phối các ưu tiên chính trị của các quốc gia thành viên EU.
Trong vài năm qua, EU là nguồn đầu tư trực tiếp ngoại quốc chính vào Đài Loan và hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của hòn đảo này sau Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Là một nhà cung cấp công nghiệp quan trọng cho ngành công nghiệp của Đài Loan, EU xuất cảng bán thành phẩm, máy móc, và thiết bị vận tải sang hòn đảo này.
Hồi năm 2018, Đài Loan là đối tác thương mại lớn thứ bảy của EU ở Á Châu.
Bà Thái nói, “Đài Loan sẽ hoàn thành các trách nhiệm quốc tế của mình và mong muốn hợp tác với Pháp và các đối tác EU có cùng ý tưởng để đóng góp nhiều hơn cho sự hòa bình và ổn định của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
Theo Tổng thống nước này, Đài Loan muốn tăng cường hợp tác với Pháp về công nghệ, chuỗi cung ứng, và an ninh mạng trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch.
Ông Rugy cho biết ông hy vọng hai nước sẽ tăng cường liên hệ kinh tế, bao gồm sản xuất chất bán dẫn và năng lượng xanh.
Ông Jean François Mbaye, một nghị viên Pháp của phái đoàn, đã viết trong một bài đăng trên Twitter rằng các hoạt động trao đổi trong tương lai giữa Đài Loan và EU sẽ là “liên kết đối tác phong phú và gặt hái nhiều thành quả.”
Thank you for receiving us. I already know that our exchanges will be rich and augur fruitful partnerships between our countries. https://t.co/oNCxYs4rdu
— 𝗝𝗲𝗮𝗻 𝗙𝗿𝗮𝗻𝗰𝗼𝗶𝘀 𝗠𝗯𝗮𝘆𝗲 (@JFMBAYE) December 15, 2021
Hồi tháng Chín, EU đã cam kết đạt được một thỏa thuận thương mại với Đài Loan như một phần trong chiến lược chính thức nhằm tăng cường sự hiện diện của khối ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và chống lại sức mạnh đang trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực.
Cô Rita Li là phóng viên của The Epoch Times, chuyên về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô bắt đầu viết cho ấn bản Hoa ngữ từ năm 2018.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: