Đài Loan điều tra các báo cáo về ảnh hưởng của Trung Quốc tại đài truyền hình địa phương
Chính phủ Đài Loan đã mở một cuộc điều tra về cáo buộc cho rằng một phóng viên Trung Quốc vốn đang làm việc cho hãng truyền thông nhà nước Tân Hoa Xã của Trung Quốc đã cố gắng kiểm soát nội dung của một chương trình bình luận chính trị địa phương ở Đài Loan.
Ông Lương Văn Kiệt (Liang Wen-chieh), phó chủ tịch kiêm người phát ngôn của Hội đồng các Vấn đề Đại lục của Đài Loan, nói với các phóng viên tại cuộc họp báo hôm 27/06 rằng nhiều cơ quan đã phối hợp với nhau để tiến hành điều tra vấn đề này. Ông cho biết thông tín viên Tân Hoa Xã này đã đến Đài Loan vào tháng Hai và rời đi vào tháng Năm.
Ông cho biết chính quyền địa phương chưa bao giờ cố gắng kiểm soát những gì các phóng viên Trung Quốc phát ngôn khi [họ] ở Đài Loan. Do đó, Đài Loan chưa bao giờ trục xuất một phóng viên Trung Quốc nào liên quan đến quyền tự do ngôn luận, ông lưu ý.
“Chúng tôi chỉ có một điều kiện, đó là bất kỳ ai từ Trung Quốc được phép vào Đài Loan đều không được đưa ra bất kỳ bình luận nào gây tổn hại đến chủ quyền của Đài Loan,” ông Lương nói.
Ông không cung cấp danh tính của vị phóng viên kia cũng như thông tin về đài truyền hình địa phương đứng đằng sau chương trình bình luận chính trị này.
Theo ông Lương, trong số những cơ quan Đài Loan tham gia vào cuộc điều tra này có cả Bộ Văn hóa, Ủy ban Truyền thông Quốc gia (NCC), cơ quan quản lý thông tin và truyền thông của quốc gia này, và Hội đồng các Vấn đề Đại lục, một cơ quan hành chính cấp nội các chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề liên quan đến Trung Quốc.
Các nhóm nhân quyền và các chuyên gia an ninh đã phát hiện ra rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lợi dụng sự cởi mở của xã hội phương Tây để thao túng nội dung truyền thông tại hải ngoại bằng cách sử dụng các chiến thuật như tuyên truyền, phát tán thông tin sai lệch, và kiểm duyệt.
Về vụ việc
Vụ việc này lần đầu tiên xuất hiện vào hôm 25/06 khi tờ Thời báo Tự do (Liberty Times) của Đài Loan dẫn một nguồn tin ẩn danh nói rằng Văn phòng các Vấn đề Đài Loan của Trung Quốc, một cơ quan trực thuộc Quốc Vụ viện, đã liên hệ với một số đài truyền hình Đài Loan vào đầu năm nay để đưa ra một lời đề nghị. Họ bày tỏ rằng để đổi lấy một số cơ hội kinh doanh ở Trung Quốc, các đài phát thanh và truyền hình địa phương sẽ cho phép các phóng viên Trung Quốc đang làm việc tại Đài Loan tham gia vào hoạt động sản xuất các chương trình bình luận chính trị của nước này.
Theo bản tin đó, một đài truyền hình Đài Loan không được nêu tên đã đồng ý với đề nghị này và phóng viên Tân Hoa Xã, ông Triệu Bác (Zhao Bo), đã tham gia vào quá trình sản xuất chương trình bình luận chính trị mới của đài này. Trong buổi ghi hình tập đầu tiên, ông Bác đã xuất hiện và theo dõi quá trình thực hiện chương trình, bản tin này cho biết.
Theo Thông tấn xã Trung ương do chính phủ Đài Loan điều hành, hôm 25/06, Ủy ban Truyền thông Quốc gia tuyên bố rằng họ đang điều tra xem liệu có hãng truyền thông địa phương nào vi phạm Điều 27 của Đạo luật Phát sóng Vệ tinh của Đài Loan hay không. Điều 27 quy định rõ về việc xác định xem liệu nội dung của các chương trình hoặc quảng cáo do một hãng truyền thông vệ tinh nào đó sản xuất có “vi phạm các quy định bắt buộc hoặc bị cấm theo luật pháp” hay không.
Nếu vi phạm, Ủy ban Truyền thông Quốc gia có thể sẽ áp đặt một khoản phạt lên tới 2 triệu Đài tệ (khoảng 61,500 USD) và ra lệnh cho công ty đó phải “đình chỉ chương trình hoặc chiếu quảng cáo” [vi phạm] theo Điều 48 của Đạo luật Phát sóng Vệ tinh.
Ủy ban Truyền thông Quốc gia cũng tuyên bố rằng Bộ Văn hóa sẽ quyết định xem đài truyền hình được đề cập có vi phạm Điều 33-1 của Đạo luật Điều chỉnh Mối Quan hệ giữa Người dân Khu vực Đài Loan và Khu vực Đại lục hay không.
Điều 33-1 quy định rằng các cá nhân, tổ chức, và cơ quan ở Đài Loan không được phép tham gia vào “bất kỳ hình thức hoạt động hợp tác nào với các cơ quan, tổ chức, hoặc cơ quan của Khu vực Đại lục thuộc các đảng phái chính trị, quân đội, chính quyền, hoặc có tính chất chính trị nào đó.”
Những mối lo ngại
Một bài đăng trên Facebook hôm 25/06 của ông Vương Định Vũ (Wang Ting-yu), nhà lập pháp cấp cao của Đảng Dân Tiến (DPP) cầm quyền của Đài Loan, người có vị trí trong ủy ban đối ngoại và quốc phòng của quốc hội, cho thấy ông [Vương] đã kêu gọi chính phủ không cho phép Tân Hoa Xã gửi thông tín viên đến Đài Loan.
Ông Vương viết: “Tân Hoa Xã của Trung Quốc hoạt động dưới sự quản lý trực tiếp của Bộ Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đây là một tổ chức có liên đới với Đảng Cộng sản Trung Quốc.”
Nhà lập pháp này cũng kêu gọi các cơ quan an ninh quốc gia của hòn đảo và cơ quan điều tra của Bộ Tư pháp điều tra về vấn đề này.
Theo một báo cáo năm 2022 về ảnh hưởng truyền thông toàn cầu của Bắc Kinh, nhóm vận động Freedom House có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn phát hiện ra rằng có 16 trong số 30 quốc gia được khảo sát đang chịu ảnh hưởng truyền thông ở mức độ “cao” hoặc “rất cao” từ Trung Quốc. Đài Loan và Hoa Kỳ nằm trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng ở mức “rất cao.”
Liên quan đến chiến thuật của Bắc Kinh nhằm chống lại Đài Loan, nhóm vận động này tuyên bố rằng Trung Quốc đã tài trợ các chuyến đi cho các ký giả Đài Loan, tiến hành các cuộc tấn công mạng nhắm vào các hãng truyền thông truyền tải nội dung chỉ trích ĐCSTQ, và bí mật hợp tác với các hãng truyền thông sở tại.
Vân Sa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times