Đài Loan có thể sẽ đứng đầu trong nghị trình tại cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập
Tổng thống Joe Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình chuẩn bị tổ chức một cuộc gặp trực tuyến vào ngày 16/11 và Tòa Bạch Ốc coi đây là một cơ hội để nêu lên những lo ngại của Hoa Kỳ về một số hành vi của chế độ cộng sản này.
“Đây là một cơ hội để Tổng thống (TT) Biden nói rõ với Chủ tịch Tập rằng ông mong ông Tập tuân theo những thông lệ thông thường, điều mà các quốc gia có trách nhiệm khác sẽ làm trong mọi việc, từ công nghệ đến thương mại cho đến các thể chế quốc tế và đường thủy quốc tế”, một quan chức cao cấp cho biết trong một cuộc gọi với các phóng viên hôm 14/11.
Theo quan chức này, TT Biden dự kiến sẽ nêu lên những lo ngại về các hoạt động thương mại kinh tế bất bình đẳng của Trung Quốc, vi phạm nhân quyền, các mối đe dọa đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, và “hành vi cưỡng bức và khiêu khích của chính quyền này đối với Đài Loan”, bên cạnh những vấn đề khác.
“Ông ấy sẽ tiếp tục nói rõ với Chủ tịch Tập những lo ngại của mình về việc Trung Quốc vi phạm nhân quyền”, vị quan chức này cho hay.
Về thương mại song phương, vị quan chức nói, “Tôi không mong đợi thuế quan sẽ nằm trong nghị trình này”.
Vị quan chức này cho biết, vì Trung Quốc và Hoa Kỳ “cạnh tranh gay gắt”, nên cần có “sự cam kết ở mức cao” để bảo đảm rằng “cạnh tranh không dẫn đến xung đột”.
“Cuộc họp này là về những nỗ lực không ngừng của chúng ta để quản lý cạnh tranh một cách có trách nhiệm, không phải về việc đồng ý với một kết quả hay thành quả cụ thể,” vị quan chức này giải thích.
Cuộc gặp song phương diễn ra chưa đầy một tuần sau khi ông Tập củng cố thêm quyền lực của mình trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ hay Trung Cộng), sau khi Ủy ban Trung ương đầy quyền lực của chế độ này thông qua một nghị quyết lịch sử hôm 11/11, lần thứ ba trong lịch sử kéo dài một thế kỷ của Đảng này.
Nghị quyết trên – đặt ông Tập lên vị trí tương đồng với hai người tiền nhiệm đầy quyền lực là ông Mao Trạch Đông và ông Đặng Tiểu Bình – có hiệu lực cho phép ông Tập được đạt được thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa vào năm tới, kéo dài thời gian cầm quyền cho đến ít nhất là năm 2027. Ông Tập trở thành nhà lãnh đạo tối cao của chế độ này hồi năm 2012.
Trước cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã điện đàm hai lần trong năm nay, nhưng vẫn chưa gặp mặt trực tiếp kể từ khi ông Biden nhậm chức vào tháng Giêng.
Ông Tập có khả năng đặt Đài Loan lên đầu trong nghị trình của mình khi nói chuyện với ông Biden, vì các hãng thông tấn nhà nước của Trung Quốc là Thời báo Hoàn Cầu và Trung Quốc Nhật báo đã đăng các bài xã luận bình luận về tầm quan trọng của việc thảo luận về hòn đảo này tại cuộc họp.
Thời báo Hoàn Cầu đã viết rằng Hoa Kỳ “phải lùi lại một bước về câu hỏi Đài Loan và thể hiện sự kiềm chế của mình”, vì “câu hỏi Đài Loan là lằn ranh đỏ cuối cùng của Trung Quốc”. Tờ báo nói thêm rằng Trung Quốc “đã tăng cường chuẩn bị cho một cuộc xung đột quân sự trên Eo biển Đài Loan trong những năm gần đây”.
Trung Quốc Nhật báo đã tuyên bố rằng họ hy vọng ông Biden có thể ra khỏi cuộc họp và nhận ra rằng “Bắc Kinh quyết tâm thực hiện thống nhất đất nước trong tương lai gần bất kể giá nào” liên quan đến Đài Loan.
Chính quyền Trung Quốc coi Đài Loan – một quốc gia độc lập trên thực tế, có chính phủ và quân đội riêng – là một phần lãnh thổ của họ cần được thống nhất với đại lục, bằng vũ lực nếu cần thiết. Hồi tháng Mười, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan cảnh báo rằng chế độ Trung Quốc sẽ có khả năng tiến hành một cuộc xâm lược toàn diện vào hòn đảo tự trị này vào năm 2025.
Vị quan chức cao cấp của chính phủ cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo, nói rằng cuộc họp cũng nhằm mục đích “nói rõ với Bắc Kinh, không hiểu sai vị trí của chúng ta, điều mà chúng ta đã chứng kiến xảy ra một vài lần”. Vị quan chức này không cho biết thêm chi tiết.
Vị quan chức này đã bác bỏ ý kiến cho rằng các vấn đề như biến đổi khí hậu và an ninh y tế nên được đặt giữa mối liên hệ song phương. Trong những tháng gần đây, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân đã ám chỉ rằng hợp tác Trung-Mỹ về biến đổi khí hậu sẽ phụ thuộc vào việc Hoa Thịnh Đốn thay đổi một số chính sách đối với Trung Quốc.
“Trung Quốc có hành động táo bạo đối với một cuộc khủng hoảng hiện hữu như biến đổi khí hậu là vì lợi ích của họ và đó là những gì các quốc gia có trách nhiệm thực hiện; Đây không phải là một đặc ân cho chúng ta,” vị quan chức này nói, trước khi cho biết thêm rằng việc cùng nhau giải quyết các vấn đề như biến đổi khí hậu sẽ không “làm thay đổi bản chất của mối liên hệ song phương”.
“Chúng tôi hầu như bác bỏ mối liên hệ giữa hợp tác trong các vấn đề xuyên quốc gia và quan hệ song phương”.
Theo quan chức này, cuộc họp dự kiến kéo dài vài giờ đồng hồ.
“Chính quyền Tổng thống Biden sẽ không cố gắng thay đổi Trung Quốc thông qua cam kết song phương. Chúng tôi không nghĩ điều đó là thực tế. Thay vào đó, chúng tôi đang cố gắng định hình môi trường quốc tế theo hướng có lợi cho chúng ta cũng như các đồng minh và đối tác của chúng ta”.
Anh Frank Fang là một ký giả tại Đài Loan. Anh đưa tin về Trung Quốc và Đài Loan. Anh có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.
Huệ Giao biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: