Đài Loan chuẩn bị vũ khí cho chiến tranh — nếu răn đe thất bại
Đó là năm 2002. Tôi ghé qua Đài Loan trên đường đến Singapore để khảo sát phản ứng của Singapore đối với khủng bố Hồi Giáo mang phong cách của sự kiện 11/09. Eo biển Malacca là một vị trí án ngữ quốc tế. Mà ông trùm khủng bố Osama bin Laden thì thích nhắm đến các mục tiêu mang tính biểu tượng với sự bùng nổ về kinh tế và Singapore lại là một trung tâm thương mại của thế giới.
Quay trở lại với Đài Loan: Tôi đã gặp một phóng viên nghiệp dư làm việc cho một hãng thông tấn quốc phòng. Đại diện tiếp đón phía Đài Bắc đưa chúng tôi đến một căn cứ hải quân, nơi chúng tôi lên một chiếc tàu ngầm lớp Guppy già nua cũ kỹ của Hoa Kỳ trong Đệ nhị Thế chiến mà hải quân Đài Loan đang sử dụng làm tàu huấn luyện.
Khi quý vị bước vào bên trong chiếc tàu ngầm này, thì những gì quý vị thấy sẽ là một bảo tàng sáng bóng. Trong một khoang có bàn làm việc, chúng tôi gặp một sĩ quan hải quân cao cấp của Đài Loan. Anh này là một thuyền trưởng, chỉ huy của lực lượng tàu ngầm. Anh hỏi tôi về chuyến thăm Đài Loan. Tôi nói với anh ấy rằng tôi đã nhìn thấy những boongke đầy ấn tượng, trong đó có một căn cứ không quân ở phía đông Đài Loan ẩn sâu trong một ngọn núi và những chiếc tiêm kích cơ F-16 trong một hang động bên cạnh đường băng trên xa lộ. Rất Thụy Sĩ, tôi nói. Tôi kể cho anh ấy nghe trải nghiệm lái xe của tôi trên dãy Alps vào khoảng năm 1982.
Đúng lúc này vị phóng viên người Á Châu của hãng thông tấn quốc phòng kia đột nhiên hỏi thuyền trưởng về những chiếc tàu ngầm do Đài Loan sản xuất. Vị thuyền trưởng này từ chối trả lời. Anh phóng viên nói tiếp, “Tàng Long phải không?” Thuyền trưởng mỉm cười, làm điệu bộ nhún vai rất tự nhiên.
“Tôi đang hỏi về một chiếc tàu ngầm nội địa của Đài Loan,” phóng viên cứ thế hỏi tiếp, không theo kịch bản nào cả.
Thuyền trưởng mỉm cười.
Khi chúng tôi rời căn cứ hải quân, rảo bước đến chiếc xe hơi của phóng viên, anh ấy đưa cho tôi một bức ảnh đen trắng. Từ một triển lãm thương mại. Thứ đó được sản xuất ở Đài Loan. Được biết đây là một bộ phận quan trọng của tàu ngầm diesel-điện tân thời. “Tôi chắc chắn họ đang làm điều đó,” anh ấy nói, ý nói [họ] đang theo đuổi Tàng Long, một loại tàu ngầm bản địa.
Anh ấy hỏi tôi nghĩ gì. Tôi nói: “Dường như Đài Loan muốn có thêm nhiều lựa chọn hơn.”
Tôi đã nói những gì tôi muốn nói. Nhưng nếu tôi lường trước được anh ấy sẽ hỏi như vậy, thì tôi sẽ nói rằng Đài Loan cần một nhà cung cấp vũ khí đáng tin cậy để không phải chịu áp lực từ Bắc Kinh. Đối mặt với vấn đề phải phòng thủ trước một cuộc tấn công của Hoa lục qua Eo biển Đài Loan, thì Đài Loan thực sự cần các tàu ngầm hiện đại để ngăn chặn và đánh bại đội quân đó.
Chính quyền đế quốc cộng sản Bắc Kinh quyết tâm thâu đoạt Đài Loan vì họ muốn kiến thiết một đế chế — một đế chế Trung Quốc được gây dựng dựa trên tham vọng của chế độ độc tài, chứ không phải dựa trên lịch sử, không phải dựa trên luật pháp, và hẳn nhiên cũng không dựa trên mong muốn của những người sống ở những vùng đất mà chế độ này muốn chiếm đoạt và khai thác.
Điều này đưa chúng ta đến năm 2023, khi một sự kiện xảy ra trong tuần này. Hãng thông tấn Nikkei của Nhật Bản đưa tin: “Kế hoạch bí mật từ lâu của Đài Loan về việc chế tạo tàu ngầm của riêng họ sẽ được tiết lộ vào tháng Mười” khi một tàu ngầm diesel sản xuất trong nước xuất hiện ở cảng Cao Hùng. Đây sẽ là chiếc đầu tiên trong số tám chiếc.
Nikkei cho biết tàu ngầm này là một hình thức răn đe hành động gây hấn của đại lục.
Tóm lại: Tàng Long không phải là tuyên truyền suông đâu. Sản xuất trong nước cũng giống như một khu vườn ở sân sau vậy: một nhà cung cấp rất đáng tin cậy, không phụ thuộc vào ý muốn bất chợt của người lạ.
Rõ ràng, chiếc tàu ngầm này thiếu động cơ đẩy sử dụng không khí độc lập (AIP), vì vậy nó không phải là một siêu tàu ngầm diesel. Tàu ngầm AIP ẩn nấp trong nhiều ngày mà không ngoi lên mặt nước. Tuy nhiên, chiếc Tàng Long này không rẻ chút nào đâu — gần 1.6 tỷ USD đấy.
Rõ ràng là Đài Bắc đã tiết lộ chương trình tàu ngầm này vào năm 2016, mặc dù tôi đã xem ảnh [vào năm 2002]. Dù sao đi chăng nữa, thì tàu ngầm này bây giờ đã là một tài sản vật chất thứ thiệt, chứ không phải chỉ là những lời hứa suông. Đó là một loại vũ khí, và sự thật là: Nó có thể giúp ngăn chặn một cuộc xâm lược.
Một ngày trước bản tin của Nikkei, Trung Quốc đại lục đã bao vây Đài Loan với 103 chiến đấu cơ và ít nhất 9 chiến hạm. Trung Quốc muốn Đài Loan tin rằng phòng thủ là một kế hoạch không có hy vọng thành công.
Một Đài Loan khai triển hệ thống tàu ngầm, thủy lôi, binh sĩ trong boongke, có các đồng minh sẵn sàng chiến đấu, và ngoài kia là oanh tạc cơ chiến lược của Hoa Kỳ đang rải thủy lôi. Thêm các cuộc không kích bằng hỏa tiễn tầm xa của Hoa Kỳ nữa. Một Bắc Kinh khôn ngoan nên suy nghĩ kỹ trước khi thất trận trở về. Tôi muốn bổ sung lực lượng hàng hải hạng nhẹ mạnh mẽ của Hoa Kỳ và đồng minh, nhưng phương án đó vẫn chưa khả thi vì các đô đốc Hoa Kỳ cũng như Quốc hội Hoa Kỳ đang mắc kẹt trên những con tàu lớn với mục tiêu lớn lao khác.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times