Đài Loan, chứ không phải Trung Quốc, nên gia nhập Hiệp ước Thương mại Thái Bình Dương
Hôm 16/09, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc, ông Wang Wentao, đã có đơn đề nghị gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). CPTPP là sự kế thừa của TPP, mà Tổng thống Trump đã rút lui vào năm 2017 do lo ngại về việc Trung Quốc lợi dụng nền kinh tế quốc doanh để quét sạch việc làm và công nghiệp của Hoa Kỳ. Tương tự như vậy, các nước CPTPP nên bảo vệ nền kinh tế của họ khỏi các hoạt động thương mại mang tính săn mồi của Trung Cộng.
Trong một dấu hiệu khác cho thấy New Zealand đang quá gần với Trung Quốc độc tài, thư đề nghị gia nhập CPTPP của Trung Cộng ban đầu đã được chuyển đến ông Damien O’Connor, Bộ trưởng Thương mại New Zealand. New Zealand, cùng với Canada, cả hai quốc gia này đều nhượng bộ Trung Cộng quá mức, đã bị loại khỏi hiệp ước an ninh mới của Úc, Hoa Kỳ, và Vương quốc Anh có tên AUKUS.
11 quốc gia đã đăng ký vào CPTPP vào năm 2018, bao gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, và Việt Nam. Hiệp ước này còn được gọi là TPP-11. Vương quốc Anh và Thái Lan đã thể hiện sự quan tâm đến việc tham gia. Hiệp ước này đã loại trừ Trung Quốc một cách có chủ ý ngay từ đầu, như một phần trong kế hoạch xoay trục sang Á Châu của Tổng thống Obama. Sự loại trừ đó nên tiếp tục để bảo vệ các quốc gia còn lại trong hiệp ước.
Trước đây, Bắc Kinh đã vận động hành lang để tham gia vào CPTPP, cho rằng nền kinh tế của Trung Quốc và Úc có những điểm đặc thù bổ sung cho nhau. Nhưng quan hệ Trung-Úc trở nên xấu đi kể từ khi Bắc Kinh cố gắng sử dụng các biện pháp trừng phạt thương mại chống lại Úc do quốc gia này yêu cầu một cuộc điều tra đầy đủ về nguồn gốc của COVID-19. Thực tế này chỉ ra rủi ro của việc giao thương gần gũi hơn với Trung Quốc, vốn không rõ ràng về sự nguy hiểm của Trung Quốc, trong khi cố gắng sử dụng các hình phạt thương mại mạnh tay đối với những quốc gia tìm cách tự vệ.
Rất may là, Nhật Bản dường như phản đối việc chấp nhận Trung Quốc gia nhập tổ chức này, với Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản tuyên bố, “Nhật Bản tin rằng cần xác định xem liệu Trung Quốc, quốc gia đã đệ trình yêu cầu tham gia TPP-11, đã sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn cực kỳ cao của hiệp ước này hay chưa.”
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản viết trên Twitter rằng, “Trung Quốc còn cách xa thế giới tự do, công bằng, và minh bạch mà TPP yêu cầu như các loại trợ giá và các quy định ưu đãi các doanh nghiệp nhà nước, yêu cầu về công khai mã nguồn cho các doanh nghiệp ngoại quốc, và áp dụng luật pháp tùy tiện. Các khả năng [không đáp ứng yêu cầu] này là bất tận. [Thư đề nghị gia nhập từ Bắc Kinh] này dường như là một hành động nhằm ngăn cản Đài Loan tham gia [TPP].”
Các tiêu chuẩn được quốc tế chấp nhận để tham gia các hiệp định thương mại đa phương ở mức tối thiểu nên yêu cầu các quốc gia hạn chế các mối đe dọa quân sự đối với các quốc gia khác, hành vi trộm cắp mạng, và các hành vi thương mại mang tính săn mồi, như bán phá giá. Nhưng Trung Cộng thì ngược lại. Gần đây, hôm 16/09, để đáp lại thông báo về việc thành lập nhóm AUKUS, cơ quan ngôn luận dân tộc chủ nghĩa của Trung Cộng, Thời báo Hoàn cầu, đã công bố mối đe dọa hạt nhân chống lại Úc. Tác giả của bài báo đã viết rằng thỏa thuận của AUKUS về việc cung cấp tàu ngầm hạt nhân cho Úc “có khả năng khiến Úc trở thành mục tiêu của một cuộc tấn công hạt nhân nếu một cuộc chiến tranh hạt nhân nổ ra.”
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã có phản ứng tiêu cực trước việc Trung Quốc tham gia hiệp ước CPTPP. Theo người phát ngôn này, mặc dù Hoa Kỳ tôn trọng các quốc gia thành viên CPTPP trong việc Bắc Kinh xin gia nhập tổ chức này, Hoa Kỳ “kỳ vọng rằng các hành vi thương mại phi thị trường của Trung Quốc và việc Trung Quốc sử dụng các biện pháp ép buộc kinh tế đối với các quốc gia khác sẽ là yếu tố được các bên CPTPP xem xét khi đánh giá tư cách của Trung Quốc như một ứng cử viên tiềm năng cho việc gia nhập.”
Chính phủ Hoa Kỳ rõ ràng đang hạ thấp mối đe dọa từ chế độ toàn trị được trang bị vũ khí hạt nhân ở Bắc Kinh.
15 quốc gia tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mà Bắc Kinh dẫn đầu nên rút lui ngay lập tức.
Theo cách tự làm tổn hại, Úc là một thành viên của RCEP. Các thành viên khác bao gồm Brunei, Miến Điện (còn gọi là Myanmar), Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Lào, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, và Việt Nam. Chế độ Trung Cộng đã tấn công các lực lượng của Hàn Quốc vào năm 1950 và Việt Nam vào năm 1979. Trung Cộng tuyên bố chủ quyền các vùng đặc quyền kinh tế trên Biển Đông của Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, và Việt Nam vào năm 2009, là lãnh thổ của Trung Quốc. Trung Cộng đe dọa chiến tranh chống lại Philippines vào năm 2017 về vấn đề này. Các nguồn tin của tôi nói rằng Bắc Kinh đã tài trợ và tiếp tế cho những kẻ khủng bố ở Miến Điện vào năm 2020.
Phải làm gì để các quốc gia này nhận ra rằng Trung Cộng không còn là bạn của họ, mà chỉ tìm kiếm lợi thế? Giao dịch với kẻ thù chẳng qua chỉ là trao quyền cho một chế độ đang tìm kiếm sự kết thúc của các nền dân chủ và bạn bè của các nền dân chủ.
Úc, Nhật Bản, New Zealand, Philippines, và Hàn Quốc, tất cả đều có hiệp ước quốc phòng với Hoa Kỳ, nên là những quốc gia đầu tiên từ bỏ “quan hệ đối tác kinh tế” với Trung Cộng. Hợp tác với một chế độ quân phiệt, bạo lực, diệt chủng, và toàn trị, theo bất kỳ cách nào, phải ở ngoài giới hạn của hành vi quốc tế có đạo đức.
Các thành viên CPTPP và RCEP không chỉ mạo hiểm đạo đức và công ăn việc làm của quốc gia của họ, trước chủ nghĩa quân phiệt, lao động cưỡng bức, tiêu chuẩn môi trường thấp và các hoạt động thương mại săn mồi của Trung Quốc, mà các quốc gia thành viên này đang mạo hiểm chủ quyền của mình nếu một ngày nào đó Trung Cộng sử dụng CPTPP và RCEP như một chân trong cánh cửa hướng tới việc ép buộc các thành viên hội nhập chính trị sâu hơn. Hội nhập kinh tế có xu hướng trở thành kiểu ảnh hưởng chính trị có thể chuyển thành vai trò lãnh đạo chính trị khi được sử dụng bởi các quốc gia độc tài. Các quốc gia coi trọng quyền tự do của mình nên tìm các quốc gia khác dân chủ hơn, hoặc kém quyền lực hơn, để giao thương.
Đài Loan sẽ là một lựa chọn thay thế tốt. Quốc gia này cũng đang tìm cách gia nhập CPTPP, và bày tỏ lo ngại một cách đúng đắn về đề nghị gia nhập tổ chức này từ Bắc Kinh.
Sự can dự kinh tế không làm cho Trung Quốc trở nên ôn hòa hơn hay tuân thủ nhân quyền hơn. [Mà] đúng là ngược lại. Điều này sẽ khiến Trung Quốc trở nên độc tài và hùng mạnh hơn. Càng trở nên mạnh mẽ, chế độ ở Bắc Kinh càng không cần duy trì việc giả mạo là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Ông Anders Corr có bằng cử nhân/thạc sĩ khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và tiến sĩ về chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là người đứng đầu Corr Analytics Inc., nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị, và đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Âu Châu và Á Châu. Ông là tác giả của cuốn sách sắp ra mắt vào năm 2021 có nhan đề “The Concentration of Power” (“Tập Trung Quyền Lực”) và “No Trespassing” (“Không Xâm Phạm”), đồng thời đã biên tập cuốn sách “Great Powers, Grand Strategies” (“Những Quyền Lực Lớn, Những Chiến Lược Lớn”).
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: