Đại học Yale điều tra về các khoản đầu tư vào Trung Quốc vì các lo ngại về nhân quyền
Tờ Yale Daily News (Bản tin Hàng ngày của Đại học Yale) hôm 26/01 cho hay một ủy ban tại một trong những học viện uy tín nhất thế giới, Đại học Yale, đã tiến hành một cuộc điều tra về việc đầu tư các quỹ từ nguồn tài trợ trị giá 42.3 tỷ USD của trường này vào các công ty hoạt động ở Trung Quốc có thể thông đồng với đàn áp và vi phạm nhân quyền ở đó.
Theo một báo cáo năm 2020 từ văn phòng đầu tư của trường đại học này, 6.5% danh mục đầu tư của trường là vào các thị trường mới nổi, và Trung Quốc cũng nằm trong danh mục đó. Người ta không biết chính xác số tiền này được chuyển vào các công ty Trung Quốc là bao nhiêu.
Một báo cáo của New York Times chỉ ra rằng danh mục đầu tư vào các thị trường mới nổi của trường đại học này vào năm 2015 đã bắt đầu bao gồm các khoản đầu tư vào JD.Com và Tencent, những công ty mà tự bản thân đã là mục tiêu của các cuộc đàn áp pháp lý gần đây của Trung Cộng.
Chủ tịch Đại học Peter Salovey nói với tờ báo này của sinh viên rằng việc thoái vốn bảo đảm sẽ được thực hiện ở một công ty tích cực tham gia vào việc gây bất ổn cho xã hội.
Đánh giá này được đưa ra trong bối cảnh giám sát tăng cao đối với các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào các công ty Trung Quốc hỗ trợ cho quân đội của nhà cầm quyền cộng sản này hoặc hỗ trợ các vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và các khu vực khác trên khắp Trung Quốc. Chính phủ Hoa Kỳ đã cấm đầu tư của Mỹ vào hàng chục công ty Trung Quốc hỗ trợ quá trình hiện đại hóa quân đội của Trung Cộng.
Hồi tháng 08/2020, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã gửi một lá thư tới các trường đại học kêu gọi họ thoái vốn khỏi các công ty cổ phần của Trung Quốc vì lo ngại sự độc tài của nhà cầm quyền Trung Cộng ngày càng tăng, điều mà theo như lá thư này cảnh báo là có một tác động lan tỏa đến môi trường tự do trí tuệ trong các cơ sở giáo dục của Hoa Kỳ.
Bức thư này đã nêu rõ: “Các hội đồng quản trị các quỹ tài trợ của tổ chức của quý vị có một nghĩa vụ đạo đức, và thậm chí có thể là một nghĩa vụ ủy thác, để bảo đảm rằng tổ chức của quý vị có các khoản đầu tư sạch và các quỹ tài trợ sạch.”
Trước đây, Đại học Yale đã có những quan điểm mạnh mẽ chống lại việc hỗ trợ các công ty hoạt động tại các quốc gia có vấn đề về nhân quyền. Để đáp lại với các cuộc biểu tình nhiệt thành của sinh viên và việc dựng các lều [ngay] trong khuôn viên trường vào đầu những năm 1990, Yale đã thoái vốn khỏi Nam Phi vì các chính sách phân biệt chủng tộc của quốc gia đó. Gần đây hơn, trường đại học này đã cắt các khoản đầu tư của mình vào một công ty dầu khí hoạt động ở Sudan vì vụ diệt chủng ở Darfur.
Đại học Yale cũng không ngại rút tiền ra khỏi các công ty có hành vi không phù hợp với quan điểm chính trị và xã hội do chính phủ (Hoa Kỳ) ủng hộ. Tháng 04/2021, một lần nữa trước áp lực cao của các sinh viên, trường đại học này đã công bố một bộ hướng dẫn mới nhằm loại trừ việc đầu tư vào các công ty sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây thiệt hại cho môi trường và khiến cuộc khủng hoảng khí hậu thêm phần bế tắc.
Cuộc điều tra do ủy ban thoái vốn thực hiện trong tháng này có phần bắt nguồn từ một bài báo ẩn danh đăng trên tờ Yale Daily News về số phận của ngôi sao quần vợt Bành Soái, người đã biến mất khỏi công chúng vào cuối năm 2021 sau khi cô công kích hành vi sai trái về tình dục của cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ. Những lo ngại liên tục về phúc lợi của cô Soái, ngay cả sau khi cô đã trở lại với công chúng, đã khiến Hiệp hội Quần vợt Nữ hủy bỏ các giải đấu sẽ được tổ chức tại Trung Quốc trong năm nay, làm mất đi khoảng 1 tỷ USD doanh thu.
Tờ Yale Daily News đã công bố bức thư ẩn danh của sinh viên — một sự khác biệt với chính sách tiêu chuẩn về biên tập — với lý do rằng những sinh viên có gia đình ở Trung Quốc có thể phải chịu sự trừng phạt dưới bàn tay của Trung Cộng nếu danh tính của họ bị tiết lộ.
Tác giả của bài báo này chỉ trích Văn phòng Đầu tư Yale đã không xem xét các tác động về mặt đạo đức của các khoản đầu tư vào Trung Quốc và không công bố công khai chính sách đầu tư có đạo đức dành riêng cho đầu tư vào Trung Quốc. Không cân nhắc đến những cáo buộc của cô Bành Soái là đúng hay sai, tác giả này đưa ra một trường hợp sử dụng việc thoái vốn như một đòn bẩy để gây áp lực lên Trung Cộng về những vi phạm nhân quyền của Đảng này.
Tác giả này nêu rõ, “Nếu không có áp lực quốc tế liên tục và mạnh mẽ, chúng ta sẽ không bao giờ lại nghe thấy điều cô ấy [Peng Shuai] phải nói, bởi vì chỉ có một ngôn ngữ duy nhất mà Trung Cộng hiểu được: ngôn ngữ của quyền lực.”
Tác giả cho biết thêm: “Các quỹ tài trợ của Yale cần phải thoái vốn khỏi Trung Quốc. Hồ sơ theo dõi Trung Cộng đã cho thấy rõ ràng rằng mỗi đồng USD đầu tư vào Trung Quốc là phi đạo đức, cho đến khi Trung Cộng sẵn sàng phản ứng tích cực, và hành động theo các cáo buộc của cô Bành Soái và nhiều người khác.”
Ông Michael Washburn là một ký giả tự do có trụ sở tại New York chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Ông có nền tảng về báo chí pháp lý và tài chính, đồng thời cũng viết về nghệ thuật và văn hóa. Ngoài ra, ông còn là người dẫn chương trình podcast hàng tuần Reading the Globe. Sách của ông bao gồm “Những câu chuyện đã mất gốc và những câu chuyện khác,” “Khi chúng ta trưởng thành” và “Người lạ, người lạ”.
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: