Đại học Oxford phát triển thiết bị xét nghiệm máu để dự đoán hiệu quả của vaccine COVID-19
Hôm 24/06, các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford cho biết họ đã phát triển một phương pháp để ước tính hiệu quả của các loại vaccine COVID-19 bằng cách xét nghiệm máu.
Các nhà nghiên cứu cho biết phương pháp này “có thể được sử dụng để ngoại suy các ước tính hiệu quả đối với những vaccine mới khi mà các thử nghiệm lâm sàng trên diện rộng không thực hiện được,” nhưng lại cảnh báo rằng cần nghiên cứu sâu hơn để đánh giá những mối tương quan đối với các biến thể mới xuất hiện.
Trong bài báo (pdf) của mình, vốn đã được gửi đi bình duyệt để xuất bản trên một tạp chí khoa học vào hôm thứ Năm (24/06), các nhà nghiên cứu phác thảo cách họ kiểm tra nồng độ của một vài kháng thể trong máu của những người tham gia thử nghiệm sau khi họ đã chích ngừa vaccine COVID-19 do AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển.
Sau đó, họ so sánh dữ liệu đó với dữ liệu xét nghiệm máu của cả các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm sau đó bị nhiễm COVID-19 có triệu chứng và các tình nguyện viên thử nghiệm sau đó bị nhiễm COVID-19 không có triệu chứng.
Giáo sư Andrew Pollard, giám đốc Nhóm Vaccine Oxford và là điều tra viên chính của tổ chức Thử nghiệm Vaccine Oxford cho biết, “Có một nhu cầu cấp bách trong việc tăng nguồn cung vaccine cho thế giới, nhưng việc phát triển và chấp thuận những vaccine mới phải mất nhiều tháng. Chúng tôi hy vọng rằng việc sử dụng các hệ số tương quan của các nhà phát triển và các cơ quan quản lý có thể đẩy nhanh quá trình này.”
Các nhà nghiên cứu và các cơ quan quản lý trên toàn cầu đang tiếp tục làm việc về các tiêu chuẩn như thế, những tiêu chuẩn mà có thể cho phép các công ty chậm hơn trong cuộc đua phát triển vaccine COVID-19 nhằm cung cấp bằng chứng về hiệu quả mà không phải tiến hành các thử nghiệm lâm sàng với hàng chục ngàn tình nguyện viên.
Cho đến nay, những thử nghiệm lâm sàng trên diện rộng đó dựa vào việc những người tham gia mắc bệnh trong cuộc sống thường ngày của họ để cung cấp các kết quả về hiệu quả của vaccine. Điều đó càng trở thành thách thức khi độ bao phủ của chích ngừa đã cao sẵn rồi và virus đang không lan truyền rộng rãi.
Các thử nghiệm lâm sàng truyền thống cũng yêu cầu nhiều người tham gia phải được chích giả dược để so sánh với những người tham gia chích vaccine thử nghiệm. Điều này đang đặt ra một tình huống tiến thoái lưỡng nan về mặt đạo đức khi mà các vaccine được chấp thuận đang có sẵn.
Do Isabel Van Brugen thực hiện
Với sự đóng góp của Reuters
Thu Anh biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: