Đại diện thương mại Hoa Kỳ hối thúc các luật mới nhắm đến hoạt động đầu tư sản xuất thép của Trung Quốc ở ngoại quốc
Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai khẳng định sự cần thiết phải cập nhật luật thương mại của Hoa Kỳ để củng cố các mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp hiện hành, đối phó với tình trạng dư thừa sản lượng và xuất cảng thép của Trung Quốc thông qua hoạt động đầu tư được trợ cấp ở Đông Nam Á.
Hôm thứ Ba (2/11), bà Tai nói với các giám đốc điều hành ngành thép của Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn, “Các công cụ mà chúng tôi có, chúng tôi biết chúng có thể hiệu quả như thế nào và chúng tôi biết hạn chế ở đâu,” đồng thời bà cho biết thêm rằng bà muốn tạo ra một sân chơi bình đẳng mới.
Khi được hỏi liệu những công cụ như vậy có thể được sử dụng để đối phó với việc Trung Quốc trợ cấp cho các nhà máy tại các quốc gia khác để tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua các sản phẩm của Trung Quốc thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường, hiện không bị áp thuế trừng phạt của Hoa Kỳ hay không, bà Tài trả lời: “Có.”
“Chúng ta cần chuẩn bị để triển khai tất cả các công cụ và khám phá việc phát triển những công cụ mới, bao gồm cả thông qua hợp tác với các nền kinh tế và quốc gia khác.”
Phát biểu được đưa ra hai ngày sau khi Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu (EU) đạt được thỏa thuận giải quyết tranh chấp về thuế quan đối với thép và nhôm từ EU, cho phép một số mặt hàng nhập cảng miễn thuế của Âu Châu vào Hoa Kỳ.
Đổi lại, EU đã bỏ thuế quan trả đũa đối với các sản phẩm của Hoa Kỳ như rượu whisky, xe máy, rượu bourbon, bơ đậu phộng, và quần jean.
Bà Tai cho biết thỏa thuận cũng giải quyết tình trạng dư thừa do Trung Quốc trên toàn cầu và ngăn chặn tốt hơn thép và nhôm của nước này – thứ mà Tổng thống Joe Biden gọi là “thép bẩn” – không rò rỉ vào thị trường Mỹ.
Theo phát biểu khai mạc chính thức được công bố hôm thứ Ba (02/11) của bà Tai, Trung Quốc, nguyên nhân lớn nhất gây ra tình trạng dư thừa sản xuất trên toàn cầu, chiếm gần 60% sản lượng thép toàn cầu. Tuy nhiên, dòng thép giá rẻ tràn vào hệ thống thương mại toàn cầu đang vắt kiệt lợi nhuận của các doanh nghiệp khác.
Bà nói: “Trung Quốc đã đổ hàng tỷ USD vào ngành công nghiệp thép của mình – làm tổn hại đến lợi ích của những người lao động ở Mỹ và trên toàn thế giới. Tất cả chúng ta đều biết điều này không bền vững.”
Tuy nhiên, bà Tai nói, khoảng cách giữa năng lực sản xuất thép toàn cầu và nhu cầu, hiện ở mức gần 600 triệu tấn, sẽ tiếp tục tăng lên.
“Trong tương lai, Mỹ và EU sẽ phân tích khối lượng nhập cảng thép và nhôm từ EU mỗi năm, chia sẻ thông tin và thực tiễn tốt nhất về các biện pháp phòng vệ thương mại, đồng thời bảo đảm rằng các sản phẩm từ các nền kinh tế phi thị trường không được hưởng lợi từ thỏa thuận này.”
Tổng thống Joe Biden cũng cho biết trong cuộc họp báo ngày 31/10 ở Rome, thỏa thuận giữa EU và Hoa Kỳ sẽ giải quyết vấn đề thép Trung Quốc bán phá giá đang “hạ gục” công ăn việc làm, ngành công nghiệp, và môi trường của Hoa Kỳ.
Reuters đã đóng góp vào báo cáo này.
Bà Rita Li là phóng viên của The Epoch Times, tập trung vào các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Bà bắt đầu viết cho ấn bản tiếng Trung vào năm 2018.
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: