Đại dịch làm sai lệch ý thức về thời gian của con người như thế nào?
Hiện tại, dưới đại dịch virus Trung Cộng hiện tại (viêm phổi Vũ Hán, COVID-19), nếu bạn đột nhiên cảm thấy cảm giác về thời gian của mình khác với trước đây thì cũng đừng ngạc nhiên, bởi vì các chuyên gia chỉ ra rằng: Cảm giác sai lệch về thời gian hiện nay của con người là một hiện tượng toàn cầu.
Theo tờ “The Huffington Post”, sau khi đại dịch bùng phát, cuộc sống đã không còn như trước, và cảm nhận của mọi người về thời gian cũng đã thay đổi. Dưới đây là lý do mà các chuyên gia đưa ra:
Mọi người mất đi thói quen của mình
Cô Ruth Ogden, nhà tâm lý học tại Đại học Liverpool John Moores ở Anh, đã nghiên cứu cách con người sử dụng thời gian như thế nào, và cho biết cảm giác sai lệch về thời gian là một hiện tượng toàn cầu. Cô phát hiện ra rằng trong đại dịch hiện nay, mọi người trên khắp thế giới đều đang trải qua cảm giác sai lệch về thời gian, mà chủ yếu là do họ mất đi thói quen sinh hoạt của mình.
Những thói quen hàng ngày của con người giúp họ nhận thức được thời gian, chúng đóng vai trò như những mốc thời gian của họ. Ví dụ, khi chúng ta đi làm, chúng ta biết trời đã sáng, và khi chúng ta đi ăn trưa, chúng ta biết là đã trưa.
Nếu không có thói quen hàng ngày, bạn sẽ rất dễ quên mất thời gian. Nó khiến bạn không thể phân rõ các thứ trong tuần nữa.
Cô Ogden cho biết những việc mọi người làm trong ngày có thể giúp họ biết lúc này là mấy giờ rồi, nhưng hiện nay, rất nhiều hoạt động đã bị hủy bỏ vì đại dịch, thay vào đó bạn phải ở nhà, cũng có nghĩa là thời gian có thể trôi qua mà bạn không biết.
Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng cảm xúc có thể có tác động đáng kể đến cảm nhận về thời gian của con người. Khi hạnh phúc, chúng ta cảm thấy thời gian trôi qua nhanh chóng, ngược lại, trầm cảm khiến chúng ta cảm thấy thời gian như trôi chậm lại.
Ngoài ra, kỳ vọng của mọi người về cách mọi thứ sẽ xảy ra (ví dụ: sự kết thúc của đại dịch) và cách mọi thứ thực sự xảy ra (ví dụ: sự xuất hiện liên tục của các loại virus đột biến) có thể khiến họ cảm thấy rằng thời gian trôi qua nhanh hơn hoặc chậm hơn, phụ thuộc vào việc kết quả thực tế tốt hơn hay tệ hơn điều chúng ta mong đợi.
Ký ức của mọi người khác với những năm trước
Nghiên cứu của cô Ogden cho thấy não người sẽ đo lường độ dài của thời gian thông qua ký ức. Nếu con người có nhiều ký ức về điều gì đó, bộ não sẽ cho rằng đó là một khoảng thời gian dài và ngược lại.
Cô Ogden phát hiện, rất nhiều người cảm thấy thời gian của đợt dịch lần này lâu hơn rất nhiều so với thực tế. Nguyên nhân dường như là, mọi người chưa chắc đã có nhiều kỷ niệm thú vị trong thời gian này, nhưng lại có rất nhiều ký ức mới, bao gồm cả việc tuân thủ với các biện pháp phòng chống dịch và thích nghi với cuộc sống trong vùng dịch.
Mọi người dùng thời gian theo các cách khác nhau
Bà Nicole Dudukovic, một nhà thần kinh học tại Đại học Oregon cho biết, cảm giác sai lệch về thời gian ở mỗi người là khác nhau, phụ thuộc vào trải nghiệm của mỗi người với đợt dịch này và mức độ ảnh hưởng của nó đến các hoạt động hàng ngày của họ.
Ví dụ, nghiên cứu của cô Ogden phát hiện ra rằng cảm giác về mặt xã hội là một yếu tố quan trọng. Mọi người càng có cơ hội giao tiếp nhiều hơn thì họ càng cảm thấy đại dịch này sẽ sớm kết thúc.
Do đó, đối với những người hiện đang đi du lịch trở lại, đến văn phòng và thực hiện các hoạt động bình thường, cố gắng khôi phục “cuộc sống bình thường”, họ có thể sẽ có cảm giác bình thường hơn về thời gian.
Phương pháp giảm bớt cảm giác sai lệch về thời gian
Vậy làm thế nào để vượt qua cảm giác sai lệch về thời gian? Cô Ogden cho biết, điều quan trọng là mọi người phải nhận ra rằng chúng ta không bao giờ có thể quay trở lại cuộc sống bình thường như trước đại dịch.
“Thế giới đã thay đổi rất nhiều vì trận đại dịch này. Chúng ta [nên] tiếp tục duy trì và thích ứng với công việc và phương pháp giao tiếp xã hội mới”, cô Ogden nói.
Cô gợi ý rằng một cách tốt để giảm bớt sự sai lệch về thời gian là tạo ra những thói quen mới, chẳng hạn như đi dạo bên ngoài. “Hãy biến ngày thứ Ba của bạn, vì những gì bạn đã làm trong ngày hôm đó mà trở thành thứ Ba”.
Ngoài ra, bạn có thể cố gắng giữ cho mình bận rộn. Khi bận rộn, chúng ta ít để ý vào việc thời gian trôi qua như thế nào.
Trần Tuấn Thôn, Mạt Lệ thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: