Đại công ty Trung Quốc nỗ lực giành lợi thế trong dự án lithium của nhà khai thác mỏ Úc
Công ty AVZ Minerals của Úc đang bị kẹt trong cuộc chiến pháp lý với một trong những công ty khai thác lớn nhất Trung Quốc, Zijin Mining, về quyền sở hữu cổ phần có thể xác định quyền kiểm soát một trong những mỏ lithium lớn nhất thế giới tại Cộng hòa Dân chủ Congo.
Đây không phải là thách thức pháp lý đầu tiên mà các nhà khai thác mỏ Úc phải đối mặt từ việc cạnh tranh với lợi ích của Trung Quốc ở Phi Châu và cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc hung hăng như thế nào trong việc tranh giành loại khoáng sản quý giá này.
Hôm 11/05, AVZ Minerals có trụ sở tại Perth thông báo rằng họ sẽ tạm ngừng giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán Úc sau khi công ty Zijin Mining đưa ra trọng tài tại Phòng Thương mại Quốc tế ở Paris.
Vụ tranh chấp này tập trung vào các tuyên bố cạnh tranh đối với công ty liên doanh, Dathcom, đứng sau Dự án lớn về Lithium và Thiếc Manono ở phía nam Cộng hòa Dân chủ Congo – dự án khai thác ước tính 16.3 triệu tấn lithium carbonate, một thành phần chính để sản xuất điện ắc quy xe.
AVZ của Úc cho biết họ có cổ phần sở hữu trên 75% của Dathcom với 25% còn lại do Cominiere, một công ty quốc doanh của Congo nắm giữ — công ty này được cho là sẽ nhượng lại 10% cổ phần trên cho chính phủ, với AVZ đang thương lượng để mua 15% còn lại.
Đồng thời, AVZ đang tiến hành một thỏa thuận bán 24% cổ phần cho Công ty Công nghệ Năng lượng Suzhou CATH của Trung Quốc để giúp tài trợ cho sự phát triển của dự án. Điều này sẽ khiến AVZ có 51% quyền sở hữu Dathcom (không bao gồm 15% đang được thương lượng).
Tuy nhiên, hôm 09/05, công ty Zijin của Trung Quốc đã công bố một thông báo tuyên bố rằng họ có 15% cổ phần trong Dathcom — một tuyên bố đã bị AVZ của Úc bác bỏ thẳng thừng, gọi nó là “giả mạo về bản chất” và không có giá trị, theo một thông báo của nhà đầu tư hôm 04/05.
Zijin tuyên bố rằng từ tháng Bảy đến tháng Chín năm 2021, họ đã thương lượng một thỏa thuận với công ty Cominere của Congo, theo đó bên này rõ ràng đã đồng ý chuyển 15% cổ phần cho một “chi nhánh” của Zijin có tên là Jincheng Mining, theo một bản cập nhật.
Sau đó, họ tuyên bố thỏa thuận đã bị “cản trở” bởi AVZ, bên đã từ chối triệu tập các cuộc họp cổ đông và cũng đã đệ trình hai vụ kiện đưa vấn đề này lên tòa án.
Vào tháng 11/2021, Tòa án Thương mại Lubumbashi của Congo đã chấp thuận việc bán 15% cho chi nhánh của Zijin và bác bỏ mọi nỗ lực kiện tụng tiếp theo của AVZ.
Nếu tuyên bố của Zijin được giữ nguyên, thì điều đó sẽ là điềm báo không tốt cho AVZ của Úc, công ty có thể thực sự mất quyền kiểm soát mỏ này.
Theo tuyên bố của công ty khai thác Trung Quốc, AVZ sẽ không bao giờ nắm giữ 75% cổ phần trong liên doanh, và thay vào đó sẽ chỉ có 60%.
Tuy nhiên, Zijin chấp nhận thỏa thuận để AVZ bán 24% cổ phần cho Suzhou CATH Energy Technologies của Trung Quốc. Ảnh hưởng tổng hợp của cả tuyên bố của CATH và Zijin sẽ khiến cổ phần sở hữu của AVZ giảm xuống chỉ còn 36%, khiến cả hai công ty Trung Quốc có 39% cổ phần trong Dathcom — một lợi ích kiểm soát lớn hơn đối với mỏ lithium.
CATH là công ty con của công ty Công nghệ Amperex Đương đại của Trung Quốc, nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới và là nhà cung cấp chính cho các nhà sản xuất xe hơi lớn như Tesla và BMW.
Sự mờ mịt của các giao dịch ở Phi Châu cho thấy xu hướng đang diễn ra ở lục địa này là các công ty phương Tây cạnh tranh và mất quyền kiểm soát trong các dự án khai thác từ việc cạnh tranh với các lợi ích của Trung Quốc.
Hồi tháng 12/2020, hai công ty khai thác của Úc và một công ty của Vương quốc Anh, đã bắt đầu các thủ tục giải quyết tranh chấp chống lại Cộng hòa Congo sau khi nước này tước giấy phép khai thác của 3 công ty và thay vào đó trao giấy phép đó cho một công ty bí ẩn có trụ sở tại Hồng Kông có tên là Sangha Mining, không có tiền sử hoạt động ở lục địa này.
Ba công ty khai thác này đang phát triển các mỏ quặng sắt lớn tại quốc gia này.
Trong khi đó, Ủy ban Đánh giá Đầu tư Ngoại quốc của Úc đang xem xét một hành động của Shenghe Resources của Trung Quốc để mua 20% cổ phần của Peak Rare Earths, công ty có tài sản cốt lõi là dự án đất hiếm Ngualla ở Tanzania, một trong những mỏ khai thác praseodymium neodymium lớn nhất thế giới dùng cho nam châm cao cấp được sử dụng trong tuabin gió và pháo sáng.
Đất hiếm và các khoáng chất quan trọng rất trọng yếu đối với thiết bị điện tử tiêu dùng, công nghệ xanh, thiết bị y tế và thậm chí cả chiến đấu cơ.
Cạnh tranh về khoáng sản tiếp tục nóng lên khi các quốc gia dân chủ và Bắc Kinh tranh giành quyền kiểm soát chuỗi cung ứng đối với nguồn tài nguyên quý giá — càng trở nên trầm trọng hơn do phương Tây thúc đẩy hành động biến đổi khí hậu nhiều hơn dẫn đến nhu cầu về các thành phần cho công nghệ xanh.
Trung Quốc được cho là kiểm soát khoảng 90% sản lượng khoáng sản đất hiếm và quan trọng của thế giới, thúc đẩy các quốc gia dân chủ phát triển các chuỗi cung ứng mới độc lập với Bắc Kinh.
Anh Daniel Y. Teng có trụ sở tại Sydney. Anh tập trung vào các vấn đề quốc gia bao gồm chính trị liên bang, phản ứng COVID-19 và quan hệ Úc-Trung. Liên hệ với anh ấy tại [email protected].
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: