Đại công ty dược phẩm, đại công ty thực phẩm, và sự đầu độc Mỹ quốc
Mới đây, diễn viên Russell Brand luôn luôn sặc sỡ đã phỏng vấn một người đàn ông tên Calley Means, nhà sáng lập của TrueMed, một công ty quảng bá tầm quan trọng của việc ăn uống và vận động lành mạnh. Trong cuộc phỏng vấn đầy hấp dẫn này, ông Means đã đưa ra một nhận xét khá bất ngờ: Các công ty thực phẩm chế biến sẵn “đóng góp quỹ cho các nghiên cứu dinh dưỡng ở Mỹ gấp 11 lần so với NIH.” Điều này thật đáng kinh ngạc. Như tôi trình bày trong bài viết này, mối liên hệ giữa đồ ăn vặt và giả khoa học vừa vô cùng mạnh mẽ vừa vô cùng nguy hiểm.
Bà Marion Nestle, một nhà sinh vật học phân tử danh tiếng, nói với tôi rằng thực sự ngành công nghiệp thực phẩm tài trợ cho khoảng 15% các nghiên cứu đã được công bố. Bà nói: “Đại công ty Thực phẩm (Big Food) hoạt động tương tự như Đại công ty Dược phẩm (Big Pharma) trong việc tuân theo mô thức của ngành công nghiệp thuốc lá trong việc bảo vệ doanh số bán hàng và lợi nhuận.”
Sức ảnh hưởng của Big Food đối với Đại Khoa học (Big Science) đã tồn tại từ nhiều thập niên trước. Hồi những năm 1960, ngành công nghiệp đường mía đã trả tiền cho các nhà khoa học, để đổ lỗi cho chất béo bão hòa là nguyên nhân làm gia tăng bệnh tim. Giờ đây, chúng ta biết rằng chất béo bão hòa không xấu như người ta vẫn tưởng; mặt khác, việc ăn uống nhiều đường có liên quan mật thiết với bệnh tim. Cụ thể hơn, thực đơn có nhiều đường bổ sung mới là mối nguy hiểm thực sự. Trái ngược với niềm tin phổ biến, ngay cả các loại rau lá xanh như rau bina, cải xoăn, và cải xoong cũng có một ít đường. Đường tự nhiên là rất cần thiết; trong khi đường bổ sung gây tử vong. Đó là tin xấu cho người Mỹ.
Theo ông Max Lugavere, một trong những chuyên gia sức khỏe đáng kính nhất trên thế giới, trung bình một người Mỹ trưởng thành tiêu thụ 77 gam đường bổ sung trong một ngày nhất định; đó là khoảng 20 muỗng cà phê chất độc nguyên chất, tinh khiết. Đáng lo ngại hơn, các nghiên cứu cho thấy một mối liên hệ chặt chẽ giữa thực đơn giàu đường với tình trạng tăng vòng eo, và giảm thể tích não. Có vẻ như người Mỹ không chỉ tăng cân; họ cũng đang trở nên kém thông minh hơn. Nếu chúng ta đồng ý rằng một quốc gia chỉ hùng mạnh khi người dân của quốc gia đó khỏe mạnh, thì tương lai của Hoa Kỳ trông có vẻ khá ảm đạm.
Nếu quý vị còn ngờ vực, hãy để tôi cho quý vị thấy chiều hướng trẻ em của đất nước này. Gần 20% thanh thiếu niên ở Hoa Kỳ đang sống chung với tình trạng tiền tiểu đường, một tình trạng làm tăng nguy cơ phát triển ung thư, tiểu đường Type 2, bệnh thận, bệnh tim, và đột quỵ. Những đứa trẻ này cũng có nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer, một dạng sa sút trí tuệ phổ biến nhất đôi khi được gọi là bệnh tiểu đường Type 3. Các nhà nghiên cứu có danh tiếng cho rằng bệnh Alzheimer là một bệnh chuyển hóa. Việc tiêu thụ đường bổ sung sẽ gây ra căn bệnh này. Điều thú vị là ung thư, bệnh thận, bệnh tim, đột quỵ, và béo phì đều liên quan đến sự rối loạn chuyển hóa.
Nguyên nhân sâu xa của sự rối loạn chuyển hóa này là gì? Thực phẩm.
Tuy nhiên, đừng mong đợi các hãng thông tấn lớn đưa tin về việc này. Trong nhiều năm, chúng ta đã bị các hãng thông tấn lớn, nổi tiếng mớm cho những lời dối trá. Ví dụ, hãy lấy ý tưởng nguy hiểm rằng việc tiêu thụ chocolate thường xuyên có thể giúp quý vị giảm cân. Hãy nói rõ: Thỉnh thoảng ăn một miếng chocolate, dù là chocolate sữa hay chocolate đen, sẽ không hủy hoại sức khỏe của quý vị. Tuy nhiên, ý tưởng cho rằng tiêu thụ chocolate thường xuyên là phù hợp với lối sống lành mạnh hoàn toàn là một sai sự thật. Điều đó cũng tương tự như vậy với rượu vang đỏ, một loại đồ uống có cồn vẫn đang được bán trên thị trường như một loại diệu dược nào đó, một loại linh đan có khả năng biến đổi cuộc sống của quý vị trở nên tốt đẹp hơn.
Sự sinh sôi của giả khoa học và giả báo cáo đã dẫn đến một quốc gia của những người nghiện đồ ăn vặt, nhiều người trong số họ đang sớm đi lạch bạch về phía một nấm mồ. Đến năm 2030, cứ hai người Mỹ thì sẽ có một người bị béo phì. Hãy suy ngẫm về điều đó trong giây lát: Một nửa đất [người dân] nước này sẽ không chỉ tăng cân, mà họ sẽ béo phì cực độ. Những người béo phì có xu hướng sống đời sống khá ngắn ngủi hơn so với những người khỏe mạnh hơn, và những cuộc sống ngắn ngủi này có xu hướng đi kèm với những vấn đề đau khớp và khó thở.
Tuy nhiên, đừng lo lắng, Big Pharma có giải pháp cho cuộc khủng hoảng béo phì này. Phương thuốc này được gọi là Ozempic, một loại diệu dược được bào chế để giúp mọi người giảm cân. Tuy nhiên, như Tiến sĩ Peter Attia đã cảnh báo, “Không phải mọi kiểu giảm cân đều tốt cho sức khỏe.” Giảm khối lượng mỡ thừa chắc chắn là một điều tích cực, nhưng “giảm khối lượng cơ — bao gồm cơ và xương — có liên quan đến các quỹ đạo sức khỏe kém hơn và làm giảm tuổi thọ.” Theo chuyên gia y tế đáng kính này, Ozempic, một loại thuốc được chích mỗi tuần một lần, dường như dẫn đến việc loại bỏ khối lượng cơ. Hơn nữa, đây là một liều thuốc cần được chích trong suốt cuộc đời của một người. Nếu một người ngừng dùng thuốc này, khả năng rất cao là họ sẽ tăng cân trở lại.
Big Pharma không kinh doanh để tạo ra các phương pháp chữa trị; đó là công việc kinh doanh để tạo ra những khách hàng trọn đời.
Trong một cuộc tranh luận mới đây về Ozempic, ông Means mà chúng ta đã đề cập bên trên, người mà tôi đã liên lạc trước khi viết bài này, đã đụng độ với một bác sĩ Harvard, Tiến sĩ Chika Anekwe. Học giả này lập luận rằng những người đóng thuế ở Mỹ nên trợ cấp cho việc chích thuốc [điều trị] béo phì suốt đời cho thanh thiếu niên. Bà lập luận rằng béo phì là một vấn đề di truyền; căn bệnh này không gắn liền với thực phẩm mà chúng ta tiêu thụ. Mặc dù một số người có một khuynh hướng di truyền đối với bệnh béo phì, nhưng lập luận rằng thực phẩm không có vai trò gì trong cuộc khủng hoảng béo phì đang hoành hành ở đất nước này là hoàn toàn không trung thực.
Đáng buồn thay, tuyên bố của Tiến sĩ Anekwe không làm chúng ta ngạc nhiên. Như ông Means đã lưu ý trong cuộc phỏng vấn với ông Brand, Big Pharma đã hủy hoại các tổ chức giáo dục, kể cả Harvard. Vai trò của Big Pharma đối với nền giáo dục y khoa của Hoa Kỳ là không thể bàn cãi. Trước đây, Tiến sĩ Priscilla Vu và Tiến sĩ Rijul Kshirsagar đã từng lưu ý, khi vào trường y khoa, “sinh viên phải tiếp nhận một loạt quảng cáo chắc chắn dẫn đến một mối liên hệ giữa bác sĩ và ngành công nghiệp có thể gây hại cho hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng ta.” Họ nói rằng không có gì lạ khi sinh viên nhận được “những bữa ăn, sách giáo khoa, tài liệu bỏ túi, đồ trang sức nhỏ, và thậm chí cả mẫu thuốc miễn phí.”
Đáng ngạc nhiên hơn, theo các bác sĩ, có từ 40% đến 100% sinh viên y khoa “báo cáo về việc tiếp xúc với ngành dược phẩm, trong đó sinh viên lâm sàng có nhiều khả năng báo cáo về việc tiếp xúc hơn so với sinh viên tiền lâm sàng.” Nhiều bác sĩ gặp gỡ các đại diện dược phẩm hàng tuần. “Mặc dù những ví dụ này có vẻ gây ngạc nhiên,” họ viết, “nhưng lại nhấn mạnh mối quan hệ gắn bó vốn có giữa bác sĩ và dược phẩm.”
Bằng cách giành quyền kiểm soát các trường y khoa, hiện nay Big Pharma đóng một vai trò hàng đầu trong việc đào tạo các bác sĩ của đất nước này. Đây là lý do tại sao chúng ta có một sự giáo dục về kê đơn thuốc chứ không phải hướng dẫn lối sống.
Có thể làm gì để ngăn chặn cỗ máy Big Pharma này?
Ông Mark Bittman, một ký giả đáng kính chuyên viết về thực phẩm, đã nói với tôi rằng câu trả lời này nằm ở việc “không phải sản xuất thuốc men, mà là thay đổi nền nông nghiệp, để trồng thực phẩm thực cho con người thực.” Ông ấy đã nói đúng. Tuy nhiên, đáng buồn là Hoa Kỳ hiện chiếm gần một nửa thị trường dược phẩm toàn cầu.
Ngày nay, ngành công nghiệp dược phẩm toàn cầu trị giá 373 tỷ USD; đến năm 2030, dự kiến ngành dược phẩm sẽ có trị giá khoảng 856 tỷ USD. Trừ phi có một phép màu xảy ra, chúng ta hẳn sẽ chứng kiến thêm nhiều bác sĩ trở thành những kẻ thúc đẩy thuốc men được tôn vinh và nhiều công dân Mỹ bị bệnh hơn.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times