Đại công ty bất động sản Trung Quốc: Nhân viên của năm là một Bot AI
Những trợ lý ảo hoạt động bằng hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở nên phổ biến ở Trung Quốc, thay thế con người trong nhiều lĩnh vực.
Từ những người dẫn chương trình cho đến nhân viên công ty, bot ảo được lập trình bởi công nghệ AI đã nhanh chóng đảm trách các vị trí công việc của con người ở Trung Quốc.
Vào tháng 12/2021, đại công ty bất động sản Vạn Khoa (Vanke) của Trung Quốc cho biết nhân viên xuất sắc nhất năm của công ty này không phải là con người.
Theo The Paper, một hãng thông tấn thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc, công ty Vạn Khoa đã công bố một nhân viên thu nợ dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) có tên “Thôi Tiểu Phiến” (Cui Xiaopan) là nhân viên xuất sắc nhất năm 2021. Nhân viên ảo này được nhóm nội bộ của Vạn Khoa phát triển bằng cách sử dụng Trợ lý ảo Tiểu Băng (Xiaoice Framework), một hệ thống AI do Viện kỹ thuật Internet Á Châu của Microsoft phát triển.
Thoạt nhìn, Thôi Tiểu Phiến được miêu tả là một nữ nhân viên chuyên nghiệp trẻ trung xinh đẹp ở độ tuổi 20, gia nhập bộ phận kế toán của công ty Vạn Khoa vào tháng 02/2021 và là người nhận được Giải thưởng Nhân viên mới Xuất sắc nhất của công ty này.
“Dưới sự hỗ trợ của các thuật toán có hệ thống, cô [Thôi] nhanh chóng học được các phương pháp của con người để phát hiện ra các vấn đề trong dữ liệu và quy trình công việc. Cô đã cho thấy kỹ năng của mình tốt gấp hàng trăm ngàn lần so với con người”, ông Úc Lượng (Yu Liang), chủ tịch hội đồng quản trị của Vạn Khoa, đã viết trong một bài đăng trên mạng xã hội vào ngày 20/12/2021. Ông chia sẻ thêm rằng cô Thôi có tỷ lệ thành công trong việc thu hồi các khoản thanh toán quá hạn lên đến 91.44%.
Trợ lý ảo AI đã trở thành một ứng dụng thịnh hành trong những năm gần đây, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính ở Trung Quốc. Kể từ năm 2019, ít nhất ba ngân hàng ở Trung Quốc đã công khai ra mắt các nhân viên ảo của họ.
Tháng 12/2021, Ngân hàng Bách Tín (Baixin Bank) giới thiệu nhân viên ảo đầu tiên có tên AIYA và Ngân hàng Thương mại Nông thôn Giang Nam đã ra mắt nhân viên kỹ thuật số VTM của mình. Trước đó vào tháng 04/2019, Ngân hàng Phát triển Phố Đông Thượng Hải đã giới thiệu nhân viên kỹ thuật số đầu tiên được hỗ trợ bởi AI có tên Tiểu Phổ (Xiaopu), có khả năng phục vụ người dùng ngân hàng của mình ở các vị trí khác nhau.
Người có ảnh hưởng ảo được hỗ trợ bởi AI
Thị trường dành cho những người có ảnh hưởng ảo (virtual influencer) được công nghệ tạo ra, đang phát triển nhanh chóng ở Trung Quốc. Điều này được thúc đẩy bởi sự phát triển nhanh chóng của AI và công nghệ kết xuất đồ họa. Ngày càng có nhiều người có ảnh hưởng biến thành ảo để phù hợp với nhu cầu cụ thể.
Hôm 31/10/2021, đúng Halloween, một beauty blogger ảo dựa trên AI có tên “Liễu Dạ Hy” (Liu Yexi) đã phát hành video đầu tiên của cô ấy, theo Sohu, một phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc.
Trong đoạn video dài 2 phút này, cô Liễu đứng trang điểm trước gương trong bộ đồ cổ trang truyền thống của Trung Quốc. Bộ phim ngắn với sự tổng hòa của tình tiết hồi hộp, cốt truyện, và hiệu ứng hậu kỳ đặc biệt đã trở thành xu hướng thịnh hành trên Douyin – phiên bản Trung Quốc của TikTok – thu hút 2.3 triệu người theo dõi chỉ trong ba ngày.
Kể từ đó, tài khoản Douyin của beauty blogger ảo Liễu Dạ Hy đã tải lên hơn sáu video, với hơn 8.3 triệu người hâm mộ và hơn 20 triệu lượt thích.
Nhiều công ty đang tìm cách tận dụng khả năng trí tuệ nhân tạo của họ trong lĩnh vực metaverse (tạm dịch: vũ trụ ảo) đang phát triển nhanh chóng này.
Đáng chú ý, “meta-human” (người kỹ thuật số siêu thực) AYAYI đầu tiên của Trung Quốc đã ra mắt lần đầu tiên trên nền tảng thương mại điện tử Tiểu Hồng Thư của Trung Quốc vào tháng 05/2021. Người kỹ thuật số siêu thực này đã thu hút được ba triệu lượt xem cho bài đăng đầu tiên và 40,000 người theo dõi chỉ sau một đêm, theo Dao Insights, một ấn bản tin tức kỹ thuật số của Trung Quốc.
Khác với những thần tượng ảo trước đây ở Trung Quốc, vẻ bề ngoài của AYAYI giống với người thật hơn nhiều đặc biệt là thần thái. Được biết, nhiều người dùng Tiểu Hồng Thư (Xiaohongshu, ứng dụng giống như Instagram của Trung Quốc) đã tranh luận không biết AYAYI có phải là người thật không hay là một người ảo khác do AI tạo ra. Nền tảng này sau đó đã đưa ra một tuyên bố giới thiệu cô ấy là người kỹ thuật số siêu thực tế đầu tiên của đất nước, theo tạp chí That’s Beijing.
Là một người có ảnh hưởng về thời trang, AYAYI đã hợp tác tiếp thị cho nhiều thương hiệu, gồm cả Porsche, cũng là một nhà đầu tư vào công nghệ này. AYAYI cũng đã trở thành đại sứ kỹ thuật số của Alibaba. Công ty này cho biết họ sẽ cùng với AYAYI xây dựng tương lai của Metaverse và tạo ra một thế giới tiếp thị mới.
Ngoài các nhân viên ảo và những người có ảnh hưởng, Đại học Thanh Hoa của Bắc Kinh cũng đã công bố sinh viên ảo dùng phần mềm AI đầu tiên của mình có tên “Hoa Trí Băng” (Hua Zhibing) vào tháng 06/2021, theo tờ Thời báo Hoàn Cầu của nhà nước Trung Quốc.
Các công nghệ kết xuất đồ họa và AI đã trở nên quá đỗi tinh vi trong những năm gần đây đến mức một số bot AI gần như không thể phân biệt được với người thật.
Ông Vương, một chuyên gia 20 năm trong ngành công nghệ thông tin tại Nhật Bản, nói với The Epoch Times rằng trí thông minh nhân tạo đã vượt xa con người về phương pháp tính toán, hiệu suất, và khả năng học hỏi. Nhưng vấn đề lớn nhất là nó không có đạo đức, luân lý, hay giá trị cá nhân.
Rủi ro AI và các vấn đề xã hội
Một giám đốc của Viện Công nghệ Tiên tiến Thâm Quyến, ông Tống Triển (Song Zhan), nói với hãng thông tấn chính thức của nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã rằng việc phát triển con người ảo có thể mang đến những vấn đề xã hội và đạo đức mới.
Ông Tống kêu gọi công chúng cảnh giác với các avatar giả và các nhân vật trực tuyến do AI tạo ra. Ông cảnh báo rằng mọi người có thể quá đắm chìm trong thế giới ảo và trở nên dựa dẫm hoặc thậm chí tìm kiếm sự hỗ trợ tinh thần từ các nhân vật giả, dẫn đến các vấn đề xã hội lan rộng.
Một chuyên gia IT, anh Trương Kiện (Zhang Jian), nói với The Epoch Times rằng các công nghệ AI dường như đang phát triển theo một xu hướng không thể ngăn cản. Web 3.0 (mạng internet của tương lai), thực tế ảo (VR), và Metaverse – “nếu ba yếu tố này kết hợp với nhau, thì thế giới tương lai đối với chúng ta sẽ hoàn toàn là những điều không tưởng,” anh Trương nói. “Con đường mà chúng ta đang hướng tới, không ai biết được rằng tương lai liệu có còn chỗ cho con người hay không.”
Ranh giới giữa thực và ảo ngày càng mờ nhạt khiến nhiều chuyên gia lo ngại. Anh Trương nói thêm, công nghệ đã thực sự thay đổi cuộc sống của chúng ta, nhưng con người sẽ dần đánh mất chính mình trong chính những công nghệ mà họ tạo ra.
Kiểm soát tương lai
Ban đầu AI là một ý tưởng để bắt chước tư duy và bổ sung cho trí thông minh của con người. Tuy nhiên, ngày nay các công nghệ AI đang phát triển nhanh chóng trên khắp thế giới. AI đang thay thế con người trong các lĩnh vực sản xuất, cung cấp dịch vụ, tuyển dụng, truyền thông, quân đội, công nghiệp tài chính, và các lĩnh vực khác, tạo ra lợi ích tài chính to lớn, theo Harvard Business Review.
Theo một báo cáo năm 2019 do Deloitte biên soạn, một mạng lưới dịch vụ chuyên nghiệp toàn cầu, các chuyên gia dự đoán rằng việc sử dụng AI ở một quy mô lớn hơn sẽ tăng thêm 15.7 ngàn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030.
Đồng thời, sự phát triển của AI cũng đã tạo ra các cuộc cạnh tranh địa chính trị. Trong một cuộc gặp gỡ với sinh viên vào năm 2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng “ai trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực này sẽ là người thống trị thế giới,” theo một bản tin của Associated Press.
“Khi các thiết bị không người lái của một bên bị thiết bị không người lái của bên kia phá hủy, họ sẽ không còn lựa chọn nào ngoài việc đầu hàng,” ông Putin nói thêm, dự đoán rằng các cuộc chiến trong tương lai sẽ dùng đến thiết bị không người lái.
Cùng năm đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã lồng ghép sự phát triển của AI vào chiến lược quốc gia của mình và đặt mục tiêu trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu vào năm 2030.
Báo cáo của Deloitte cho thấy từ năm 2015 đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng kép trung bình hàng năm của thị trường trí tuệ nhân tạo toàn cầu là 26.2%, trong khi tốc độ tăng trưởng của thị trường AI Trung Quốc cùng kỳ là 44.5%. Một báo cáo khác của Deloitte cho thấy rằng vào năm 2025, quy mô ngành trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc sẽ vượt trên mức 85 tỷ USD.
Hoa Kỳ vẫn là nhà đầu tư chính trong hoạt động phát triển AI của Trung Quốc
Bước đại nhảy vọt về trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc được thúc đẩy bởi nguồn vốn quy mô lớn. Tuy nhiên, bất chấp mối đe dọa đang nổi lên, Wall Street vẫn là nhà đầu tư lớn nhất vào ngành công nghiệp AI của Trung Quốc, theo nhà bình luận tài chính và kinh tế Hồng Kông Alexander Liao.
Hầu hết tất cả các công ty công nghệ lớn ở Trung Quốc đại lục đều được hỗ trợ bởi nguồn vốn của Mỹ. Ví dụ, những đại công ty công nghệ của Trung Quốc như Baidu, Tencent, Alibaba, và ByteDance – công ty mẹ của TikTok – đã được Wall Street niêm yết công khai và đầu tư rất hào phóng trong những năm qua. Đổi lại, những đại công ty công nghệ Trung Quốc này đầu tư rất nhiều vào các công ty công nghệ nội địa của Trung Quốc, bao gồm cả các công ty khởi nghiệp về AI ở Trung Quốc.
Việc đầu tư trực tiếp và đầu tư mạo hiểm của Wall Street đã mang cơ chế ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao của mình đến Trung Quốc Đại lục, giúp Trung Quốc tạo ra các ngành công nghệ cao cạnh tranh với Hoa Kỳ. Chưa hết, chính ĐCSTQ đang kiểm soát các ngành công nghiệp này.
Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi (CSET), một tổ chức tư vấn của Hoa Kỳ, ước tính tổng đầu tư R&D của ĐCSTQ vào trí tuệ nhân tạo trong năm 2018 là dao động từ khoảng 2 tỷ USD đến 8.4 tỷ USD.
Hiện tại, có khoảng 2,600 công ty trí tuệ nhân tạo ở Trung Quốc. Hầu hết đều nằm ở trung tâm công nghệ Quận Hải Điến của Bắc Kinh, hợp tác chặt chẽ với Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh, và Đại học Hàng không và Du hành vũ trụ Bắc Kinh.
Ưu tiên chiến lược của ĐCSTQ
Trong những năm gần đây, ĐCSTQ đã ưu tiên phát triển AI, coi đây là “chiến lược phát triển chủ lực của quốc gia”. Đảng đã chỉ thị đưa AI vào trong nhiều khía cạnh của cuộc sống bình thường, không chỉ để nghe ngóng giám sát và kiểm soát dân chúng của mình mà còn sử dụng quy mô dân số khổng lồ của mình để thúc đẩy sự phát triển.
Để thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của AI, ĐCSTQ đã ban hành một số chính sách và quy định hỗ trợ, trong đó có “Made in China 2025” và “Kế hoạch 5 năm lần thứ 13”.
Năm 2017, Quốc vụ viện Trung Quốc đã ban hành “Kế hoạch Phát triển Trí tuệ Nhân tạo Thế hệ Mới”, nhấn mạnh tầm quan trọng của AI trong việc giúp chính phủ nước này hiểu và kiểm soát xã hội.
“Công nghệ trí tuệ nhân tạo có thể nhận thức, dự đoán chính xác, và cảnh báo sớm các xu hướng chính của xã hội. [Nó có thể] nắm bắt những thay đổi trong nhận thức và tâm lý của mọi người đồng thời chủ động quyết định các phương án ứng phó. [Công nghệ này] sẽ cải thiện đáng kể khả năng và trình độ quản trị xã hội. Nó là [một công cụ] không gì có thể thay thế được trong việc duy trì ổn định xã hội một cách hiệu quả,” theo bản kế hoạch trên.
“Công nghệ này sẽ có một tác động sâu sắc đến sự quản lý của chính phủ, an ninh kinh tế, ổn định xã hội và quản trị toàn cầu.”
Ông Liao cho biết ĐCSTQ tin rằng cuộc cách mạng công nghệ mới nổi này – trí tuệ nhân tạo – có thể mang lại sức sống mới cho chế độ độc tài vốn đang đứng trên bờ diệt vong này.
Ông Shawn Lin là một Hoa kiều sinh sống tại New Zealand. Ông đã viết bài đóng góp cho The Epoch Times từ năm 2009, chuyên về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc.
Bản tin có sự đóng góp của Joyce Liang
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: