Đài Bắc chỉ trích Trung Quốc vì kết án giáo sư Đài Loan 4 năm tù
Chính phủ Đài Loan lên án nhà cầm quyền Bắc Kinh đã đối xử tàn bạo với một công dân Đài Loan khi kết án người này 4 năm tù.
Shih Cheng-ping, một trợ lý giáo sư đã nghỉ hưu tại Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan, mới đây đã bị Tòa án Nhân dân Trung cấp ở An Sơn, một thành phố thuộc tỉnh An Huy, phía đông Trung Quốc, kết án tội gián điệp. Bản án được công bố trong cuộc họp thường nhật hôm 25/11 bởi Zhu Fenglian, phát ngôn viên của Văn phòng các vấn đề Đài Loan (TAO) của Trung Quốc, một cơ quan trực thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc.
Uỷ ban các vấn đề Đại lục của Đài Loan (MAC), trong một tuyên bố của mình hôm 25/11, đã mô tả việc kết án ông Shih là “sự cài bẫy chính trị độc ác” và một hành động làm tổn hại giao lưu học thuật giữa hai bên. MAC là một cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm về các vấn đề xuyên eo biển.
MAC chỉ trích Bắc Kinh đã đưa ra những tuyên bố sai lệch khi nói rằng quyền tranh tụng của Shih đang được bảo vệ, trong khi trên thực tế, ngay cả nhân quyền cơ bản của ông ấy cũng bị bỏ qua, vì thân nhân của ông không được phép vào thăm tù.
“Trong những năm gần đây, dưới cái cớ bảo vệ an ninh quốc gia, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tùy tiện bắt giữ những người bất đồng chính kiến ở cả Trung Quốc và Hồng Kông, nhằm tăng cường kiểm soát nội bộ của mình”, MAC tuyên bố.
Ngoài án tù, tòa án Trung Quốc còn ra lệnh tịch thu tài sản cá nhân của ông Shih trị giá 20.000 nhân dân tệ (khoảng 3.045 đô la).
Theo thông tin từ Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA), ông Shin mất tích ở Trung Quốc hồi tháng 8/2018. Đến tháng 11/2019, TAO xác nhận rằng ông Shih đang bị giam giữ trong khi chờ xét xử do thực hiện các hành vi bị nghi ngờ là “đe dọa tới an ninh quốc gia”.
Trường hợp của ông Shih được coi là một ví dụ nữa về “chính sách ngoại giao con tin” của nhà cầm quyền Trung Quốc. Những người chỉ trích nói rằng Bắc Kinh áp dụng thông lệ bắt giữ tùy tiện người nước ngoài sống ở nước này nhằm gây áp lực lên các chính phủ mà họ đang có tranh chấp. Các ví dụ đáng chú ý khác bao gồm việc Trung Quốc bắt giữ hai công dân Canada, Michael Kovrig và Micahel Spavor, chỉ vài ngày sau khi Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc tài chính công ty công nghệ khổng lồ Huawei của Trung Quốc vào năm 2018.
Ông Shih là một trong số những công dân Đài Loan bị buộc phải [công khai] thú tội [trên truyền hình]. Hồi tháng 10, đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV đã phát sóng [chương trình], trong đó những công dân này thừa nhận rằng họ là gián điệp của Đài Loan.
Trong lời thú nhận trên truyền hình, ông Shih nói rằng ông đã được Cục An ninh Quốc gia Đài Loan tuyển dụng vào năm 2005 và đã lợi dụng cơ hội tham dự các hội nghị học thuật ở Trung Quốc để thu thập thông tin mật về Bắc Kinh từ năm 2005 đến 2018, theo CNA. Những tin mật đó bao gồm thông tin về dự án chính sách đối ngoại hàng đầu của Trung Quốc, còn gọi là Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).
Bắc Kinh khai triển BRI vào năm 2013, với mục đích thiết lập ảnh hưởng kinh tế và chính trị của mình dọc theo các tuyến đường thương mại nối Trung Quốc, Đông Nam Á, Châu Phi, Trung Đông và Châu Âu.
Cùng với những lời thú tội được phát sóng và bản án dành cho ông Shih, quân đội Trung Quốc đã bắt đầu một loạt các cuộc diễn tập không quân khiêu khích gần Đài Loan. Động thái này được coi là một nỗ lực nhằm đe dọa hòn đảo này khi Đài Bắc và Washington đang chung tay để làm sâu sắc hơn mối quan hệ của họ.
Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, chỉ trong tháng này, Trung Quốc đã xâm phạm không phận của Đài Loan 19 ngày.
Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và đã đe dọa sử dụng vũ lực quân sự để khiến hòn đảo này trở về Đại lục. Bắc Kinh cũng phản đối việc hòn đảo thiết lập mối quan hệ với các chính phủ hoặc tổ chức quốc tế mà có thể công nhận rằng – Đài Loan là một quốc gia độc lập thực sự với một chính phủ được bầu cử dân chủ, quân đội, tiền tệ và hiến pháp của riêng mình.
Hôm 12/11, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói với một đài phát thanh Hoa Kỳ rằng “Đài Loan không phải là một phần của Trung Quốc”. Lời bình luận này đã thu hút phản ứng giận dữ từ Bắc Kinh.
Tờ Global Times, kênh truyền thông nhà nước ‘diều hâu’ của Trung Quốc, trong một bài báo đăng ngày 25/11, đã khoe khoang rằng các cuộc tập trận quân sự gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông với sự tham gia của các tàu đổ bộ và tàu hỏa tiễn tàng hình cần “đóng vai trò như một biện pháp răn đe mạnh mẽ đối với những kẻ ly khai Đài Loan”.