Đặc vụ Trung Cộng cố gắng kích động người Mỹ gốc Á đi biểu tình
Các nhà nghiên cứu tình báo mạng nhận định rằng một chiến dịch mở rộng ảnh hưởng thân Bắc Kinh đã tìm cách gieo rắc sự chia rẽ xung quanh đại dịch virus Trung Cộng và kích động các cuộc biểu tình trên đường phố ở Hoa Kỳ.
Theo một báo cáo hôm 08/09 từ công ty bảo mật Mandiant Threat Intelligence của Hoa Kỳ, mạng lưới này bắt đầu hoạt động vào năm 2019, ban đầu tập trung vào việc làm mất uy tín các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông. Kể từ đó, hoạt động [của nhóm này] đã mở rộng về quy mô và phạm vi, trải dài trên 30 nền tảng truyền thông xã hội cùng 40 trang web và diễn đàn trực tuyến khác bằng bảy ngôn ngữ.
Ngoài việc lặp lại các tuyên bố từ truyền thông nhà nước Trung Quốc, nhóm này cũng đã tích cực cố gắng kêu gọi người Mỹ tham gia các cuộc biểu tình phản đối thái độ bài xích người Á Châu, điều dường như cho thấy tham vọng thôn tính ngày càng tăng của các đặc vụ Trung Cộng đối với một tầm ảnh hưởng trực tiếp hơn đến các hoạt động trong thế giới thực trước sự chứng kiến của người dân toàn cầu.
Hồi tháng 04/2021, hàng ngàn bài đăng kêu gọi người Mỹ gốc Á biểu tình phản đối “sự bất công về chủng tộc” đã xuất hiện. Một số bài đăng — được viết bằng nhiều ngôn ngữ trong đó có Hàn ngữ, Nhật ngữ, và Anh ngữ — đặc biệt nhắm đến doanh nhân lưu vong Quách Văn Quý (Guo Wengui), hướng mọi người đến một địa chỉ được cho là nơi ở của ông Quách tại New York để chống lại các giả thuyết về nguồn gốc virus do ông Quách quảng bá, nhất là giả thuyết cho rằng virus là một loại vũ khí sinh học do Trung Cộng chế tạo.
Thời điểm những lời kêu gọi này [xuất hiện] trùng khớp với một loạt các báo cáo về tội ác thù hận chống lại người gốc Á, điều mà truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng đã biến thành một công cụ tuyên truyền nhằm bài bác những chỉ trích của Hoa Kỳ.
Các nhà nghiên cứu viết rằng, mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy những cố gắng như vậy đã thành công, nhưng đó là một “lời cảnh báo sớm rằng các tác nhân đằng sau hoạt động này có thể đang bắt đầu thăm dò, tuy là bằng một phương thức hữu hạn, về các cách gây ảnh hưởng trực tiếp hơn đến các vấn đề nội bộ của Hoa Kỳ.”
Công ty Mandiant không có bằng chứng về sự can dự của các tổ chức do Bắc Kinh kiểm soát, và các tài khoản thân Bắc Kinh cho đến nay đã thu hút được rất ít sự chú ý trên các phương tiện truyền thông xã hội lớn hoặc các nền tảng riêng.
Thay vào đó, mạng lưới này đã mô tả cuộc biểu tình ngày 24/04 là một sự thành công, khi đăng các bức ảnh được chỉnh sửa từ một cuộc biểu tình khác diễn ra ở một nơi khác trước đó một ngày.
Ông Shane Huntley, giám đốc nhóm phân tích mối đe dọa tại Google, nói điều này “cứ như thể họ đang được trả tiền theo số lượng” [bài đăng], thay vì số người xem.
Trên LiveJournal, một dịch vụ mạng của Nga, và trang mạng xã hội Taringa của Argentina, các tác nhân ủng hộ Bắc Kinh đã cố gắng bày tỏ nghi ngờ về nguồn gốc của virus Trung Cộng, nguyên nhân gây ra COVID-19, chẳng hạn như bằng cách tuyên bố rằng virus đến từ Fort Detrick, hoặc là loại virus này đã xuất hiện lần đầu tiên ở Hoa Kỳ và Âu Châu, hơn là tại một phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc.
Hồi tháng 06/2020, Twitter đã xóa bỏ hơn 170,000 tài khoản do Bắc Kinh hậu thuẫn nhằm thổi phồng các câu chuyện gây hiểu lầm có lợi cho Trung Cộng, trong đó có tuyên truyền ca ngợi phản ứng đại dịch của Bắc Kinh và chống Hoa Kỳ.
Với số lượng tăng lên theo cấp số nhân kể từ năm 2019, các tài khoản giả mạo này cũng giúp phát tán luận điệu từ các tài khoản ngoại giao Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu cho biết “gần một nửa số lượt tweet lại của các tài khoản của PRC [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] bắt nguồn từ 1% các tài khoản siêu lan truyền thông tin hàng đầu,” theo báo cáo được công bố hồi tháng 05/2021.
Ông Huntley lưu ý trên Twitter rằng các bài đăng đôi khi có những lỗi “khá buồn cười,” chẳng hạn như gọi “virus corona chủng mới” là “virus vương miện mới,” mặc dù ông nhận thấy nhóm này đã cải thiện chất lượng sản xuất của mình, thử nghiệm với các video có độ phân giải cao hơn và phụ đề tốt hơn.
Các nhà nghiên cứu cũng đã xác định những điều tương tự tái diễn trong các bài đăng bằng các ngôn ngữ khác, có thể do chúng được những người không phải là dân bản ngữ viết hoặc là bản dịch tự động.
Các nhà nghiên cứu cho biết, bất chấp sự thất bại của các tài khoản này trong việc thu hút sự trò chuyện và giao tiếp có ý nghĩa của người xem, sự kiên trì và cố gắng trong quá trình họ mở rộng phạm vi hoạt động trực tuyến của mình vẫn đáng lưu tâm.
“Rõ ràng là họ có một nhiệm vụ rộng rãi trên toàn cầu. Có ai đó đang chỉ thị cho họ những mệnh lệnh rộng lớn,” ông John Hultquist, phó chủ tịch phân tích tình báo tại FireEye, công ty an ninh mạng sở hữu Mandiant, cho biết.
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times chuyên đưa tin về Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: