Đặc phái viên Trung Quốc, Nga, Pakistan gặp Taliban tại Kabul, kêu gọi một chính phủ hòa nhập
Hôm thứ Tư (22/09), Bộ Ngoại giao Nga cho biết các đặc phái viên của Trung Quốc, Nga và Pakistan đã gặp gỡ và hội đàm với đại diện của chính quyền tự bổ nhiệm của nhóm khủng bố Taliban.
Ba đặc phái viên trong chuyến thăm của họ đến Kabul hôm 21 và 22/09 đã trao đổi với quyền thủ tướng do Taliban bổ nhiệm Mohammad Hasan Akhund, ngoại trưởng Amir Khan Mutaqi, bộ trưởng tài chính và các quan chức khác.
Đặc phái viên của Nga tại Afghanistan, ông Zamir Kabulov, Đại diện Đặc biệt của Pakistan tại Afghanistan, ông Mohammad Sadiq, và Đặc phái viên của Trung Quốc tại Afghanistan, ông Nhạc Hiểu Dũng (Yue Xiaoyong) đã được Taliban, lực lượng chiếm quyền kiểm soát Kabul vào ngày 15/08, mời tham gia vào các cuộc hội đàm.
Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga, các quan chức đã thảo luận về việc khuyến khích quan hệ hữu nghị với nước ngoài và các nước láng giềng của Afghanistan. Họ cũng đề cập đến việc có một chính phủ hòa nhập để bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước, nhân quyền và cải thiện các mối liên hệ kinh tế và xã hội.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo rằng ba đặc phái viên cũng đã gặp cựu chủ tịch Hamid Karzai và chủ tịch Hội đồng Hòa giải Dân tộc dưới thời chính phủ cũ Abdullah Abdullah.
Đại sứ Pakistan tại Kabul, ông Mansoor Ahmed Khan, cho biết trên Twitter rằng ba nước đã thúc đẩy một chính phủ hòa nhập trong cuộc họp của họ với các quan chức Taliban.
Ông viết, “Các đặc phái viên Pakistan Amb Sadiq, Nga Zamir Kabulov và Trung Quốc Nhạc Hiểu Dũng về [Afghanistan] đã đến thăm Kabul và kêu gọi Quyền Thủ tướng Afghanistan M. Hasan AKhund và các nhà lãnh đạo cao cấp thảo luận về hòa bình, ổn định và chính phủ hòa nhập.”
Giữa các cuộc đàm phán về tính hòa nhập và lời hứa công khai về việc ân xá của nhóm khủng bố dành cho những người phản đối mình, Taliban đang ngày càng phải hứng chịu nhiều chỉ trích hơn sau hành động yêu cầu các nhân viên chính phủ là nữ ở Kabul thôi việc và ở nhà, đồng thời đình chỉ bậc học trung học cho các nữ sinh trong nước.
Quyết định ngăn chặn hầu hết các nữ nhân viên thành phố quay trở lại làm việc của họ chủ yếu được coi là một dấu hiệu khác cho thấy nhóm khủng bố này đang thực thi cách diễn giải khắt khe của họ về đạo Hồi, bất chấp những lời hứa ban đầu của những người tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình rằng họ sẽ thành lập một chính phủ đa đại diện với các nhà lãnh đạo Afghanistan khác mang tính hòa nhập và tôn trọng nhân quyền hơn. Trong thời kỳ cai trị trước đây của họ vào những năm 1990, Taliban đã ngăn cấm không cho các bé gái và phụ nữ đi học, đi làm, và có đời sống công cộng.
Mặt trận Kháng chiến Quốc gia (NRF) chống Taliban tại Afghanistan ngày 20/09 đã lên án việc nhà cầm quyền Taliban cấm các trường trung học dành cho nữ sinh ở nước này, đồng thời cho rằng việc học luôn được tách biệt [giữa nam và nữ] trên cả nước, và do đó, vấn đề tách biệt [nam nữ] trong các lớp học “không bao giờ nên phát sinh ngay từ đầu.”
NRF cho biết: “Lập trường của nhà cầm quyền này theo lời các phát ngôn viên của nhóm khủng bố này chỉ là một sự tái khẳng định quan điểm cổ hủ lâu đời của nhóm cho rằng phụ nữ nên chôn chân trong các công việc nội trợ. Sự thiếu hiểu biết cùng cực của Taliban về thực tế lâu năm của hệ thống giáo dục trung học trong nước đã bóc trần bản chất ngoại lai của nhà cầm quyền này.”
Liên Hiệp Quốc vẫn chưa công nhận Taliban là chính phủ của Afghanistan.
Tháng trước, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nói rằng mong muốn được quốc tế công nhận của Taliban là đòn bẩy duy nhất của Hội đồng Bảo an để thúc đẩy một chính phủ hòa nhập và tôn trọng các quyền. Trong khi đó, bà Linda Thomas-Greenfield, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, nói rằng Liên Hiệp Quốc “vẫn chưa ở một vị thế mà chúng tôi sẵn sàng công nhận Taliban.”
Cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley hôm 22/09 cho biết không nên phép Taliban diễn thuyết tại Liên Hiệp Quốc.
Bà viết trên Twitter, “Họ đánh phụ nữ trên đường phố, lệnh cho các nữ sinh không được đến trường và sát hại những ai phản đối. Họ chưa hề thay đổi. Taliban là một nhóm khủng bố đang giữ một quốc gia làm con tin, chứ không phải là chính phủ hợp pháp của Afghanistan.”
Nhà cầm quyền này cho biết họ muốn được quốc tế công nhận và giúp đỡ tài chính để tái thiết đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh. Nhưng cấu trúc của chính quyền Taliban mới đặt ra một tình thế khó xử cho Liên Hiệp Quốc. Một số bộ trưởng lâm thời nằm trong cái gọi là danh sách đen các phần tử khủng bố quốc tế và những kẻ tài trợ cho khủng bố của Liên Hiệp Quốc.
Trong một diễn biến khác hôm thứ Tư (22/09), Thượng nghị sĩ Lindsey Graham (Cộng Hòa-South Carolina) và Dân biểu Mike Waltz (Cộng Hòa-Florida) đã có cuộc điện đàm với lãnh đạo kháng chiến Afghanistan Ahmad Massoud.
Trong một tuyên bố chung, hai nghị sĩ cho biết họ “trân trọng việc được nghe về sự cam kết không ngừng nghỉ của ông ấy trong việc chống lại sự tàn bạo của Taliban ở Afghanistan và đứng về các quyền và sự tự do căn bản của con người.”
Ông Graham và ông Waltz nói rằng sau cuộc trò chuyện của họ, “rõ ràng” là nhà cầm quyền Taliban “không được lòng dân và bị bất mãn sâu sắc” trên khắp đất nước.
Tuyên bố cho biết, “Nội các và quân đội của họ gồm cả al-Qaeda và các nhóm khủng bố bị liệt vào danh sách khác. Điều này sẽ tốt cho Hoa Kỳ nếu Taliban của Afghanistan không được cộng đồng quốc tế hợp pháp hóa bởi vì họ vẫn luôn là những kẻ khủng bố.”
Họ kết thúc tuyên bố của mình bằng cách kêu gọi chính phủ TT Biden chống lại bất kỳ nỗ lực nào nhằm công nhận Taliban là chính phủ của Afghanistan và chống lại mọi lời kêu gọi cung cấp cơ quan đại diện cho nhà cầm quyền này tại Liên Hiệp Quốc.
Cô Isabel van Brugen là một ký giả từng đạt giải thưởng, hiện đang là một phóng viên tin tức tại The Epoch Times. Cô tốt nghiệp chương trình Thạc sĩ Báo chí tại trường City, Đại học London.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: