Đặc phái viên Khí hậu Hoa Kỳ Kerry thăm Trung Quốc để đàm phán về khí thải
Đặc phái viên khí hậu Hoa Kỳ John Kerry bắt đầu chuyến công du ba ngày tới Trung Quốc sau cuộc gặp hôm 31/08 với các quan chức Nhật Bản tại Tokyo. Chuyến đi này nhằm xây dựng các cam kết được bảo đảm trong chuyến thăm Trung Quốc gần đây nhất của ông Kerry hồi tháng Tư.
Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc cho biết hôm thứ Ba (31/08), ông Kerry sẽ gặp ông Giải Chấn Hoa (Xie Zhenhua), đặc phái viên của Trung Quốc về các vấn đề biến đổi khí hậu, tại cảng phía bắc của thành phố Thiên Tân từ ngày 31/08 đến ngày 03/09.
Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh khi chính phủ Biden tìm cách thành lập một liên minh toàn cầu để chống lại nhà cầm quyền này vì một loạt các hành động gây hấn từ cưỡng bức kinh tế đến vi phạm nhân quyền của họ.
Đầu tuần này, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, trong một cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Antony Blinken, đã nói rằng việc hợp tác của Bắc Kinh với chính phủ Biden về các vấn đề như biến đổi khí hậu và Afghanistan sẽ phụ thuộc vào “thái độ đối với Trung Quốc” của Hoa Thịnh Đốn. Nhận xét này lặp lại những tuyên bố trước đây của các quan chức Trung Cộng nói rằng hợp tác về biến đổi khí hậu sẽ yêu cầu Hoa Kỳ phải nới lỏng lập trường đối với Trung Cộng.
Các chuyên gia trước đó đã nói với The Epoch Times rằng Hoa Kỳ sẽ không thể hợp tác với Trung Cộng trong các vấn đề bao gồm cả biến đổi khí hậu vì đổi lại là những nhượng bộ mà Bắc Kinh muốn có.
Ông Kerry sẽ tiếp tục thảo luận các vấn đề chính liên quan đến biến đổi khí hậu, vốn đã được nêu trong tuyên bố được đưa ra sau chuyến thăm trước đó của ông vào tháng Tư, theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Hồi tháng Tư, hai nước đã nhất trí cùng hợp tác chống biến đổi khí hậu sau cuộc họp của các phái viên tại Thượng Hải. Một tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp cho biết hai nước sẽ tiếp tục những cuộc thảo luận về “các hành động cụ thể trong những năm 2020 để giảm lượng khí thải.”
Chính phủ Biden đã đưa việc chống biến đổi khí hậu trở thành một trong những nghị trình chính sách hàng đầu của mình và đưa Hoa Kỳ trở lại Hiệp định Khí hậu Paris hồi đầu năm nay.
Trong một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về biến đổi khí hậu toàn cầu do Hoa Kỳ điều hành hồi tháng Tư, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết rằng Trung Quốc sẽ “hạn chế nghiêm ngặt” việc tiêu thụ than đang tăng lên trong 5 năm tới.
Cho đến nay, Trung Quốc là nước sử dụng than lớn nhất thế giới, và đang tiếp tục xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện than. Đây cũng là nơi phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới.
Trong hội nghị thượng đỉnh đó, ông Tập đã nhắc lại kế hoạch đạt được “tính trung hòa các-bon” vào năm 2060. Nhà cầm quyền này đã tuyên bố trước đó rằng lượng phát thải các-bon của đất nước sẽ đạt mức cao nhất vào năm 2030 và giảm xuống không trong 30 năm tiếp theo.
Một báo cáo hồi tháng Năm cho thấy chỉ riêng Trung Quốc chịu trách nhiệm cho hơn 27% tổng lượng khí thải toàn cầu, trong đó Hoa Kỳ đứng thứ hai cách biệt với 11%.
Theo số liệu từ Tổ chức Giám sát Năng lượng Toàn cầu của NGO có trụ sở tại San Francisco, tính đến tháng Giêng năm nay đã có 1,082 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động tại Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc đang xây dựng thêm 92 nhà máy và 135 nhà máy đang trong giai đoạn tiền xây dựng.
Bài viết có sự đóng góp của Reuters và Nicole Hao
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: