Đặc khu trưởng kế nhiệm của Hồng Kông công bố cương lĩnh chính trị, từ chối phỏng vấn
Ngày 08/05 là ngày bầu cử Đặc khu Trưởng của Hồng Kông. Ông Lý Gia Siêu (Lee Ka-chiu), ứng cử viên duy nhất trong cuộc bầu cử, đã được bầu làm Đặc khu Trưởng.
Lần đầu tiên, Ủy ban Bầu cử gồm 1,500 thành viên của Hồng Kông thiếu vắng tiếng nói ủng hộ dân chủ sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ-Trung Cộng) “cải tiến” hệ thống bầu cử của Hồng Kông.
Giới truyền thông bị cấm tham gia
Hôm 29/04, sau nhiều ngày trì hoãn, ông Lý cuối cùng đã tổ chức cuộc họp về cương lĩnh của mình tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm của Hồng Kông. Nhưng trong khi công nhận giá trị của quyền tự do báo chí, thì ít nhất năm hãng thông tấn, bao gồm, The Epoch Times, The Reporter, Sound of Hope, NTD TV, và Getty Images đã bị từ chối cho tham gia cuộc họp.
Ông Lý cũng đã từ chối gặp gỡ Hiệp hội Ký giả. Chủ tịch Hiệp hội Ký giả Hồng Kông Trần Lãng Thăng (Ronson Chan) đã bày tỏ sự thất vọng của mình trước vụ việc và thẳng thừng chỉ ra thái độ đối nghịch của ông Lý đối với giới truyền thông. Tuy nhiên, ông Trần cũng cho biết ông không ngạc nhiên vì đây là thực trạng của “Hồng Kông mới” dưới sự cai quản của Trung Cộng.
Hôm 30/04, ông Lý đã tham dự một phiên hỏi đáp được giới truyền thông tổ chức và đã được hỏi về các biện pháp thiết thực để thuyết phục công chúng rằng quả thực quyền tự do báo chí đang được bảo vệ.
Ông Lý trả lời, “Vẫn luôn có quyền tự do báo chí ở Hồng Kông, nhưng phải đề phòng có người dùng báo chí làm vỏ bọc cho các mục đích bất hợp pháp hoặc chính trị.”
Bình luận của ông được nhiều người coi là phản ánh thái độ của ông đối với quyền tự do báo chí.
Các nhà lãnh đạo ủng hộ dân chủ phản hồi về cương lĩnh của tân đặc khu trưởng
Cương lĩnh của ông Lý bao gồm bốn lĩnh vực: tăng cường năng lực quản lý của chính phủ; đẩy nhanh, cải thiện và tăng nguồn cung ứng nhà đất; nâng cao năng lực cạnh tranh của Hồng Kông với trọng tâm là phát triển bền vững; và xây dựng một xã hội quan tâm chăm sóc, tập trung vào sự phát triển của giới trẻ.
Ông Lý đã nhiều lần cho biết cương lĩnh này có thể không bao gồm tất cả các lĩnh vực vì độ dài hạn chế, và ông sẽ trình bày chi tiết những vấn đề đó trong bài diễn văn chính sách sắp tới một khi ông đắc cử.
Ông La Kiện Hy (Lo Kin Hei), chủ tịch Đảng Dân Chủ Hồng Kông, nói rằng cương lĩnh của ông Lý hầu hết là bình mới rượu cũ, và chỉ có cái tên của của cương lĩnh là mới. Theo quan điểm của ông La, một trong những nhiệm vụ đầu tiên của chính phủ là xây dựng niềm tin lẫn nhau với công chúng, và thể hiện sự sẵn sàng lắng nghe những mối quan tâm của công chúng. Chính phủ đương nhiệm của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) có một thành tích kém trong việc tham vấn công chúng để thực thi các chính sách và đã khiến công chúng ngày càng cảm thấy bị xa lánh. Ông Lý không đề cập đến việc giải quyết vấn đề này như thế nào.
Ông Chu Tử Lạc (Chu Tsz-lok), phát ngôn viên về các vấn đề dân sự của Đảng Dân Chủ, đã bình luận đề nghị của ông Lý về việc thiết lập một mạng lưới tình nguyện viên “các dịch vụ cấp quận và các đội chăm sóc” ở 18 quận của Hồng Kông. Ông Chu cho biết các thành viên Hội đồng Quận được cho là đóng vai trò hỗ trợ trong quận của họ, nhưng ông Lý đã cố tình phớt lờ vai trò của các Hội đồng Quận và thiết lập một mạng lưới tình nguyện viên do các tổ chức ủng hộ các chính trị gia lâu năm có thế lực [thân Bắc Kinh], điều này đã tiếp diễn việc chôn vùi một số tiếng nói của công chúng và đã mang lại tác động rất tiêu cực đến sự phát triển của xã hội.
Ông Mạc Kiến Thành (Mok Kin-shing), phát ngôn viên về gia cư và chính sách phúc lợi của Đảng Dân Chủ, đã nói kế hoạch của ông Lý đang mang đến một chính sách nhà ở công cộng không có lợi ích thiết thực nào. Theo chính sách hiện tại, các khu bất động sản mới luôn thiếu cơ sở hạ tầng, giao thông, và các cơ sở phúc lợi xã hội, vì vậy đây không thực sự là một chính sách mới.
Thay thế các hội đồng quận bằng ‘các tổ dân phố’ theo kiểu Trung Cộng
Ông Chung Kiếm Hoa (Chung Kim-wah), Phó Giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Dư luận Hồng Kông, nói với The Epoch Times rằng cương lĩnh của ông Lý “không có gì mới.” Ngay cả khi một số từ mới được sử dụng, chúng đều lặp lại những điểm chính mà hai chính phủ tiền nhiệm đã đề cập. Ví dụ, cả ông Lương Chấn Anh (Leung Chun-ying) và bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đều nói rằng họ sẽ “nâng cao khả năng cạnh tranh của Hồng Kông, đẩy nhanh chính sách nhà ở công cộng, và giải quyết vấn đề nhà ở.”
Điều làm ông Chung bận tâm là đề nghị của ông Lý về việc thiết lập “các đội chăm sóc” ở 18 quận. Ông Chung cho biết các đội này có thể tương đương với các tổ dân phố do ĐCSTQ thiết lập ở Trung Quốc đại lục, nơi kiểm soát xã hội là mục tiêu chính.
Nhìn chung, cương lĩnh của ông Lý chẳng mang lại điều gì quan trọng. Nó chỉ là một hình thức, và ông Lý chỉ đơn giản là đang làm cho có lệ, ông Chung nói.
Né tránh vấn đề di cư khỏi Hồng Kông
Ông Hoàng Vĩ Quốc (Benson Wong Wai-Kwok), cựu trợ lý giáo sư chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Baptist Hong Kong, nói với The Epoch Times rằng ông Lý đã hoàn toàn né tránh cuộc khủng hoảng thảm khốc mà Hồng Kông hiện đang phải đối mặt – làn sóng di cư khổng lồ ra khỏi hòn đảo này.
Ông Hoàng cũng chỉ trích ông Lý chỉ sao chép các chính sách của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga về “hội nhập vào Vùng Vịnh Lớn” [gồm Quảng Đông-Hồng Kông-Ma Cao] và “nắm bắt các cơ hội của sáng kiến Vành đai và Con đường”. Ông Lý hoàn toàn phớt lờ thực tế rằng cư dân của Vùng Vịnh Lớn có thái độ thù địch với Hồng Kông vì lây lan dịch COVID-19 và các quốc gia tham gia vào sáng kiến Vành đai và Con đường đang bế tắc do những khó khăn kinh tế của Trung Quốc, ông Hoàng nói.
Ngoài ra, ông Lý không dám đề cập đến cuộc khủng hoảng chính trị, bạo lực cảnh sát, và thiệt hại về pháp quyền ở Hồng Kông sau khi thực thi Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông, vì sợ “mắc quá nhiều sai lầm khi nói quá nhiều,” ông Hoàng nói.
Bắc Kinh không lên tiếng về chính trị Hồng Kông
Ông Lưu Nhuệ Thiệu (Johnny Y. S. Lau), một nhà bình luận về các vấn đề thời sự, cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh trước đó rằng cương lĩnh của ông Lý chỉ tập trung vào nền kinh tế và sinh kế của người dân và dường như dựa trên “chính sách quản trị Hồng Kông” của Bắc Kinh. Nhưng nhất thời, ĐCSTQ không muốn đụng chạm đến các vấn đề chính trị của Hồng Kông vì sợ sẽ khuấy động nhiều mâu thuẫn và vấn đề giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Tại một phiên hỏi đáp hôm 30/04, ông Lý lần đầu tiên nói rằng cải cách chính trị không phải là ưu tiên của chính phủ đời thứ sáu của Hồng Kông vì “có nhiều dự án khác cần phải được thực hiện.”
Nie Law và Ben Lam thực hiện
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: