Đã tìm thấy hộp đen thứ hai trong vụ tai nạn phi cơ China Eastern Airlines của Trung Quốc
Chiếc hộp đen thứ hai, máy ghi dữ liệu chuyến bay (FDR), đã được tìm thấy trong đống đổ nát của chuyến bay MU5735 thuộc hãng China Eastern Airlines. Phi cơ này đã rơi ở miền nam Trung Quốc, khiến 132 người thiệt mạng.
Theo ông Chu Đào (Zhu Tao), Giám đốc Văn phòng An toàn Hàng không thuộc Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC), hộp đen này đã được tìm thấy ở độ sâu 5 feet (1.5 mét) trong lòng đất và cách nơi phi cơ rơi khoảng 130 feet (khoảng 40 mét) hôm 27/03.
Các bộ phận của bộ ghi này đã bị hư hỏng nặng, nhưng bề ngoài bộ phận lưu trữ dữ liệu của thiết bị dường như vẫn trong tình trạng tốt, ông Chu cho biết, đồng thời cho biết thêm rằng nó đã được gửi đến Bắc Kinh để phân tích.
Các nhà điều tra ở Bắc Kinh đang giải mã một hộp đen khác — máy ghi âm buồng lái — sau khi nó được tìm thấy hôm 23/03. Các quan chức cho biết phần ngoài của máy ghi âm buồng lái đã bị hư hỏng, nhưng không cho biết liệu đoạn ghi âm bên trong còn nguyên vẹn hay không.
Việc truy xuất dữ liệu từ hai thiết bị ghi được coi là chìa khóa để hiểu được nguyên nhân khiến phi cơ đột ngột rơi gần như chốc mũi thẳng đứng và đâm vào sườn núi gần thành phố Ngô Châu, phía nam tỉnh Quảng Tây.
Chuyến bay MU5735 đang bay ở độ cao 29,000 feet (khoảng 8,839 mét) sau khoảng một giờ bay từ thành phố Côn Minh đến Quảng Châu. Dữ liệu của FlightRadar24 cho thấy phi cơ mất độ cao hơn 20,000 feet (6,096 mét) trong một phút và nhanh chóng lấy lại độ cao trong khoảng 10 giây trước khi tiếp tục lao mũi xuống một sườn đồi.
Không ai trong số 123 hành khách và 9 thành viên phi hành đoàn sống sót, các quan chức Trung Quốc thông báo hôm 26/03. Các nhà chức trách cho biết không tìm thấy dấu vết của vật liệu nổ tại địa điểm phi cơ rơi.
Việc chiếc Boeing 737-800 giảm độ cao nhanh chóng đang khiến các chuyên gia hàng không bối rối.
Máy ghi dữ liệu chuyến bay lưu trữ các chi tiết quan trọng bao gồm tốc độ bay, độ cao, hướng, và công suất động cơ. Máy cũng có thể ghi lại vị trí của cánh tà sau (wing flap) và phi cơ có đang bay bằng chế độ lái tự động hay không. Các quan chức cho biết hôm 23/03 rằng hai hộp đen của chiếc phi cơ gặp nạn do Honeywell sản xuất, nhưng không nêu rõ tên của các mẫu hộp đen.
Phần tin tức của Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC News) đã đăng bài viết đưa tin sai rằng máy ghi dữ liệu chuyến bay đã được tìm thấy vào hôm 25/03. Vài phút sau, bài viết đó đã bị xóa, và hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã nói rằng thông tin trong bài này là sai sự thật.
Chính quyền Trung Quốc đã phản ứng nhanh chóng để kiểm soát luồng thông tin sau vụ tai nạn.
Cơ quan quản lý internet của nước này đã đình chỉ hơn 2,700 tài khoản và xóa hơn 279,000 bài đăng được cho là bất hợp pháp và lan truyền tin đồn trên các nền tảng mạng xã hội, bao gồm cả Weibo giống Twitter và Zhihu giống Quora, Cục quản lý không gian mạng Trung Quốc cho biết hôm 26/03.
Cuộc điều tra sẽ được dẫn dắt bởi CAAC. Một đại diện của Ủy ban An toàn Giao thông vận tải Quốc gia Hoa Kỳ (NTSB) và các đại diện từ Boeing và CFM, liên doanh General Electric Co.-Safran đã sản xuất các động cơ này cũng tham gia điều tra. NTSB nói rằng các cuộc thảo luận đang diễn ra với Trung Quốc để giải quyết các yêu cầu kiểm dịch COVID-19.
Các nhà điều tra sẽ xem xét lịch sử bảo trì của phi cơ, quá trình đào tạo và ghi chép của các phi công cũng như dữ liệu thời tiết. Họ sẽ kiểm tra các mảnh vỡ để tìm manh mối. Ngay cả kích thước của khu vực có mảnh vỡ cũng quan trọng. Khi mảnh vỡ nằm rải rác trên một khu vực rất lớn, nó có thể cho thấy phi cơ đã vỡ tung trước khi chạm đất.
Cô Dorothy Li là một phóng viên của The Epoch Times tại Âu Châu.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Diệp Chi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: