Đã đến lúc người dân Hoa Kỳ đứng lên chống lại hành vi trộm cắp công nghệ của Trung Cộng
Ba mươi năm trước, Hoa Kỳ bắt đầu mở cửa cho Trung Quốc theo chính sách “tương tác mang tính xây dựng.” Hy vọng của Hoa Kỳ là giúp tự do hóa Trung Quốc và hướng nước này trở thành một quốc gia thành viên “ổn định, cởi mở và không hiếu chiến,” như cựu Tổng thống Bill Clinton đã hình dung.
Vào thời điểm đó, công nghệ của Trung Quốc tụt hậu so với Hoa Kỳ. Khi đó không thể tưởng tượng được rằng một ngày nào đó Trung Quốc sẽ trở thành một đối thủ cạnh tranh về công nghệ. Sau ba thập kỷ mở cửa thương mại, Hoa Kỳ đang nhận ra một thế giới mà ở đó Trung Quốc dường như chỉ trong gang tấc có thể thay thế nước mình trở thành nhà cung cấp công nghệ hàng đầu thế giới.
Điều này đã xảy ra như thế nào? Tất nhiên, không thể nghi ngờ về sự cần cù và thông minh của người Trung Quốc. Tuy nhiên, điều thực sự khiến sự phát triển công nghệ của Trung Quốc khả thi là việc thâu tóm công nghệ, sở hữu trí tuệ (IP) và bí quyết của Hoa Kỳ một cách có hệ thống và sử dụng mọi phương kế, do nhà nước lãnh đạo. Trên thực tế, hành vi trộm cắp công nghệ từ Trung Quốc hiện khiến Hoa Kỳ thiệt hại từ 225 tỷ đến 600 tỷ USD mỗi năm. Nói cách khác, con số này chiếm tới 38% tổng doanh thu của ngành CNTT Hoa Kỳ.
Sao có thể như thế được? Trung Quốc đã hoàn thành nhiệm vụ khổng lồ này như thế nào? Chúng ta hãy đi sâu vào các chiến thuật mà Trung Cộng sử dụng để có được công nghệ của Hoa Kỳ.
Những thủ đoạn trộm cắp của Trung Cộng
Ngay từ đầu, mối liên kết thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc đã bị cản trở bởi hành vi trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ. Từ túi xách tay làm giả và đĩa VCD vi phạm bản quyền vào thời kỳ đầu, cho đến nhu liệu máy tính sau này, Trung Quốc chưa bao giờ ngừng ăn cắp. Nhưng tham vọng của Trung Quốc đã vượt ra ngoài việc bắt chước các sản phẩm tiêu dùng. Trong “Giấc mơ Trung Hoa” của nhà lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình, một thành phần quan trọng là đạt được sự thống trị thế giới về công nghệ tiên tiến như công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo (AI) và 5G, và thực hiện điều này với tốc độ ánh sáng. Như tuyên truyền của Trung Cộng thường khoe khoang rằng, tiến bộ công nghệ mà phương Tây phải mất vài trăm năm mới đạt được thì đã được hoàn thành ở Trung Quốc chỉ trong vài thập kỷ.
Tốc độ phi thường đòi hỏi cách tiếp cận phi thường. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng của ông Tập, Trung Cộng đã phát triển nhiều chiến lược khác nhau để tiếp cận những viên ngọc quý của công nghệ Hoa Kỳ. Một số chiến lược này là bất chính hoặc bất hợp pháp, nhưng một số thực sự là hợp pháp hoặc nằm trong các vùng xám ít bị kiểm soát hơn. Chúng có thể được vận hành ở Hoa Kỳ, ở Trung Quốc, hoặc trên mạng.
Tất nhiên, hoạt động gián điệp mạng và do thám trực tiếp của Trung Cộng là một phương pháp kinh điển mà nhiều người đều biết. Hiện nay nó chỉ có phát triển ngày càng lan tràn hơn: khoảng 80% tất cả các vụ truy tố với gián điệp kinh tế liên bang trong những năm gần đây được cho là có liên quan đến việc làm lợi cho chế độ Trung Cộng, và khoảng 60% tất cả các vụ trộm cắp bí mật thương mại đều có dính líu đến Trung Cộng.
Nhưng thiệt hại do hoạt động gián điệp này gây ra không là gì so với các chiến thuật hợp pháp. Những công ty Hoa Kỳ cố gắng thâm nhập vào [thị trường] Trung Quốc thường bị buộc phải chuyển giao toàn bộ bí quyết [cho đối tác Trung Quốc].
Tại lãnh thổ Trung Quốc
Theo một báo cáo năm 2019 của Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Hoa Kỳ-Trung Quốc: “Trong nhiều ngành, các công ty nước ngoài phải liên doanh [với đối tác Trung Quốc] để đầu tư hoặc hoạt động tại Trung Quốc. Các liên doanh (JVs) thường là nguồn cung cấp các sản phẩm và quy trình có tính chất đổi mới và tiên tiến nhất về mặt công nghệ cho các công ty Trung Quốc, mà họ có được thông qua việc chuyển giao công nghệ từ đối tác liên doanh nước ngoài của mình.”
Các đối tác Trung Quốc thường chia sẻ các công nghệ có được từ các công ty Hoa Kỳ với các công ty Trung Quốc khác trong ngành. Vì vậy, việc chuyển giao công nghệ như vậy mang lại lợi ích cho tất cả các công ty Trung Quốc trong ngành đó.
“Do đó, những chuyển giao công nghệ này giúp cho tất cả các công ty Trung Quốc trở nên có hiệu quả và cạnh tranh hơn, khiến cho khả năng cạnh tranh kinh tế của Hoa Kỳ và-có thể-những lợi ích an ninh quốc gia gặp rủi ro,” báo cáo trên nêu rõ.
Đường sắt cao tốc
Năm 2004, Trung Quốc đã mời thầu từ các công ty nước ngoài để chế tạo 200 con tàu cao tốc. Đơn hàng trị giá 2.4 tỷ USD này chỉ là bước khởi đầu trong kế hoạch dài hạn của Trung Quốc. Các điều khoản được thiết kế để buộc các công ty dẫn đầu thị trường toàn cầu chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc. Các công ty nước ngoài không được phép đấu thầu trừ khi họ liên doanh với một công ty Trung Quốc. Chỉ có hai công ty Trung Quốc được phép hợp tác với các công ty nước ngoài. Công ty nước ngoài được trao thầu trước tiên phải hoàn thành chuyển giao công nghệ cho đối tác Trung Quốc của mình và công ty này sẽ chỉ nhận được khoản thanh toán sau khi đối tác Trung Quốc vượt qua “đánh giá thực hiện chuyển giao công nghệ.” Các sản phẩm cuối cùng cần phải có thương hiệu Trung Quốc.
Các hãng thông tấn Trung Quốc sau đó đã hả hê trước cách Trung Quốc khiến cho bốn nhà thầu [nước ngoài] chống lại nhau trong đàm phán để áp đặt các điều khoản khắc nghiệt. Trung Quốc cuối cùng đã hợp tác với cả bốn công ty này trong những năm sau đó và do đó đã tiếp nhận được công nghệ từ tất cả các công ty dẫn đầu ngành công nghiệp thế giới.
Nhưng điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến. Khi đã được trang bị đầy đủ công nghệ này, Trung Quốc bắt đầu hăng hái thúc đẩy các dự án đường sắt cao tốc ở nước ngoài như một nền tảng của sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI, còn được gọi là “Một vành đai, Một con đường). Nhật Bản và các quốc gia khác khó cạnh tranh với Trung Quốc do Trung Quốc đưa ra giá thấp hơn, nguồn cung lao động dồi dào và tốc độ xây dựng nhanh. Hiện tại, Trung Quốc là nhà sản xuất đường sắt cao tốc hàng đầu thế giới, với 70% thị phần.
Trong lãnh thổ Hoa Kỳ
Đã là quá đủ xấu xa khi Trung Cộng đánh cắp công nghệ trong biên giới của chính mình. Nhưng trong những năm gần đây, Trung Cộng đã đẩy mạnh chiến tuyến vào sâu trong lãnh thổ Hoa Kỳ thông qua việc có được các cơ hội đầu tư vào các công ty Hoa Kỳ. Theo Cơ sở Dữ liệu Đầu tư Doanh nghiệp Trung Quốc của [tổ chức bất vụ lợi] Public Citizen, “Trung Quốc có những lợi ích tài chính khi đã mua được hơn 120 tỷ USD tài sản trong nền kinh tế Hoa Kỳ kể từ năm 2002. Mười lăm tổ chức của chính quyền Trung Cộng (quỹ đầu tư quốc gia và các doanh nghiệp nhà nước) và các công ty thuộc khu vực tư nhân có mối liên kết với chính phủ, chiếm gần 60% các hoạt động này.”
Người ta có thể không nhận ra tiền Trung Quốc có mặt ở khắp nơi như thế nào trong cuộc sống hàng ngày của người dân Hoa Kỳ. Sau đây là một số thương hiệu hoặc công ty đã được các công ty Trung Quốc mua lại hoặc được Trung Quốc đầu tư mạnh: GE Appliances, Chicago Stock Exchange, AMC, Legendary Entertainment, Riot Games, Motorola Mobility, Smithfield Foods, Snap, Lyft, Reddit, TikTok, Airbnb, Brooklyn Nets (chủ sở hữu của Barclays Center), Ironman Triathlons, Universal Music Group, Warner Music, IBM, Hilton Hotels, và những thương hiệu khác.
Đây chỉ là một số cái tên được biết đến nhiều hơn. Trung Quốc cũng đầu tư mạnh vào các công ty công nghệ cao của Hoa Kỳ trong lĩnh vực công nghệ sinh học, xe cộ tự động, thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo (AI) và truyền thông. Hầu hết các công nghệ này có thể cung cấp năng lực kép-quân sự và dân sự.
Nhân tài Hoa Kỳ
Nhân tài Hoa Kỳ là một mục tiêu khác của Trung Cộng.
“Chẳng hạn như, Dự án 111 được Trung Cộng khởi động vào năm 2006 để tuyển dụng 1,000 chuyên gia nước ngoài trong các lĩnh vực chiến lược từ 100 trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu thế giới. Đến hết năm 2009, dự án này đã tuyển dụng được 39 người đoạt giải Nobel và 591 học giả. Tương tự, Chương trình Ngàn nhân tài được khởi động vào tháng 12/2008 và đến giữa năm 2014 đã đưa hơn 4,000 người nước ngoài đến các phòng thí nghiệm, công ty và trung tâm nghiên cứu khoa học của Trung Quốc. Các khoản tài trợ nghiên cứu và khởi nghiệp trong các chương trình này và các chương trình tương tự được sử dụng để khuyến khích các chuyên gia và doanh nhân nước ngoài phân chia thời gian giữa các vị trí ở nước ngoài và ở Trung Quốc hoặc đặt công việc của họ hoàn toàn ở Trung Quốc,” ông Sean O’Connor, nhà phân tích chính sách, viết trong báo cáo của mình cho Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Hoa Kỳ-Trung Quốc vào ngày 06/05/2019.
Có rất nhiều dự án khác ở cấp chính quyền trung ương và địa phương tại Trung Quốc. Không thể biết có bao nhiêu nhân tài Hoa Kỳ đã được thu nhận thông qua các chương trình này.
Các khoản lợi lộc ngắn hạn có thể làm mù quáng, chẳng hạn như một hợp đồng hàng tỷ đô la hoặc một khoản tiền lớn từ các quỹ nghiên cứu. Nhưng điều quan trọng là người dân Hoa Kỳ phải hiểu rằng Trung Cộng đã phát động một cuộc chiến tranh không tuyên bố chống lại Hoa Kỳ từ nhiều thập kỷ trước.
Với sự trợ giúp của các công nghệ của Hoa Kỳ, Trung Cộng đã giành được nhiều quyền lực hơn bao giờ hết và mỗi năm lại càng hung hăng hơn. “Giấc mơ Trung Hoa” của ông Tập Cận Bình không phải là về tự do, nhân loại và hòa bình mà đó là giấc mơ thống trị thế giới của một nhà độc tài.
Trong một bài diễn văn, cựu Tổng Chưởng lý Hoa Kỳ William Barr đã nói rất rõ điều đó rằng “trong một trăm năm qua, Hoa Kỳ từng là nhà sản xuất lớn nhất thế giới—cho phép chúng ta đóng vai trò là ‘nhà vô địch dân chủ’ trên thế giới … CHND Trung Hoa hiện đang là ‘nhà vô địch về chế độ độc tài’ trên thế giới.”
Đã đến lúc người dân Hoa Kỳ phải hành động.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Pingping Yu thực hiện
Yến Nhi biên dịch
Xem thêm: