‘Đã đến lúc chọn phe’: Cố vấn Quốc vụ viện ĐCSTQ bị kiểm duyệt vì hối thúc giữ khoảng cách với Nga
Việc kiểm duyệt bài đăng được đưa ra khi luận điệu ủng hộ Nga nở rộ trên mạng internet được giám sát chặt chẽ của Trung Quốc
Một cố vấn chính sách cho Quốc vụ viện Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã kêu gọi Trung Quốc tránh xa khỏi cuộc chiến của Nga ở Ukraine trong một bài báo. Ông đã bị kiểm duyệt trên khắp mạng Trung Quốc vài giờ sau khi bài báo này xuất bản.
Ông Hồ Vĩ (Hu Wei), Phó Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Công thuộc Văn phòng Tham tán của Quốc vụ viện, đã viết để cảnh báo những người ra quyết định của ĐCSTQ về những gì ông dự đoán sẽ là thất bại của Tổng thống Nga Vladimir Putin và “một cửa sổ thời gian ngắn” cho Trung Quốc chọn phe giữa Nga và phương Tây.
Bài báo của ông Hồ, nhan đề “Các kết quả có thể xảy ra của Chiến Tranh Nga-Ukraine và sự lựa chọn của Trung Quốc,” lần đầu tiên được xuất bản bằng tiếng Trung trên trang web Giám sát Nhận thức Hoa Kỳ-Trung Quốc (USCNPM), một ấn phẩm do Trung tâm Carter có trụ sở tại Hoa Kỳ điều hành hôm 05/03, hai ngày sau khi Trung Quốc bỏ phiếu trắng về nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc nhằm lên án hành động xâm lược của Nga vào Ukraine.
Bài báo, được đăng lên tài khoản Wechat của USCNPM hôm 12/03 và bị xóa hai giờ sau đó, đã bị kiểm duyệt trên toàn bộ hệ thống mạng Trung Quốc.
‘Sai lầm không thể vãn hồi’
Trong bài báo của mình, ông Hồ suy đoán rằng “hy vọng chiến thắng của Nga là mong manh” trong cuộc chiến Ukraine, điều này sẽ dẫn đến một nước Nga thời hậu chiến với bối cảnh chính trị không còn vị thế cường quốc.
Bài báo viết: “Sau khi cuộc tấn công chớp nhoáng của ông Putin thất bại, hy vọng chiến thắng của Nga trở nên mong manh và các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã đạt đến mức độ chưa từng có, Nga không thể hỗ trợ một cuộc chiến kéo dài và chi phí cao liên quan tới nó.”
Ông Hồ nói, ngay cả khi Nga thành công trong việc tiếp quản Ukraine, sẽ chẳng bao lâu nữa cho đến khi Nga không còn khả năng đối phó với nỗ lực trừng phạt quốc tế và các lực lượng nổi dậy tiềm năng bên trong Ukraine.
Ông nói tiếp, “Ukraine rất có thể sẽ thành lập một chính phủ lưu vong để đối đầu với Nga trong dài hạn. Nga sẽ phải chịu cả các lệnh trừng phạt của phương Tây và cuộc nổi dậy bên trong lãnh thổ Ukraine. Các chiến tuyến sẽ được vẽ rất dài. Nền kinh tế trong nước sẽ không bền vững.”
“Trong mọi trường hợp, hành động quân sự này là một sai lầm không thể vãn hồi.”
Cơ hội ngắn ngủi
Trong bài báo của mình, ông Hồ đã hình dung một trật tự thế giới thời hậu chiến Ukraine với các đồng minh của Hoa Kỳ đoàn kết hơn, một NATO mở rộng và một nước Mỹ “giành lại vị thế lãnh đạo” ở phương Tây — theo ông, tất cả đều là những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc nên “cắt đứt quan hệ” với Nga càng sớm càng tốt.
Ông Hồ cảnh báo rằng Trung Quốc có “1-2 tuần” để lựa chọn giữa đứng về phía ông Putin và đứng về “lập trường chủ đạo của thế giới”.
“Hiện tại, Trung Quốc đã cố gắng không làm mất lòng bất cứ bên nào và giữ trung lập trong các tuyên bố và lựa chọn quốc tế của mình, bao gồm cả việc bỏ phiếu trắng tại các cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.”
Ông nói: “Tuy nhiên, lập trường này không đáp ứng được nhu cầu của Nga, và nó đã khiến Ukraine và những người ủng hộ cũng như những người đồng tình với nước này tức giận, khiến Trung Quốc rơi về phía sai lầm của phần lớn thế giới.”
“Trung Quốc không thể bị ràng buộc với ông Putin và cần phải cắt đứt càng sớm càng tốt.”
Bị kéo theo hai phía
Khuyến nghị của ông Hồ được đưa ra khi các quan chức hàng đầu của cả Hoa Kỳ và Nga yêu cầu Trung Quốc đứng về phía họ.
Hôm Chủ Nhật (13/03), Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình rằng quan hệ đối tác của Nga với Trung Quốc sẽ “gia tăng” khi các quốc gia phương Tây tiếp tục gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
“Chúng ta có một phần dự trữ vàng và ngoại hối bằng tiền Trung Quốc, bằng đồng nhân dân tệ. Và chúng ta thấy các nước phương Tây đang gây áp lực lên Trung Quốc để hạn chế giao thương qua lại với Trung Quốc. Tất nhiên, có áp lực để hạn chế quyền tiếp cận những nguồn dự trữ đó,” ông cho hay.
“Nhưng tôi nghĩ rằng quan hệ đối tác của chúng ta với Trung Quốc sẽ vẫn cho phép chúng tôi duy trì sự hợp tác mà chúng ta đã đạt được, và không chỉ duy trì mà còn gia tăng nó trong một môi trường mà các thị trường phương Tây đang đóng cửa.”
Cùng ngày, các quan chức Hoa Kỳ cảnh báo Trung Quốc sẽ phải đối mặt với “hậu quả nghiêm trọng” nếu nước này giúp Nga né tránh các lệnh trừng phạt.
Cố vấn An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan nói với CNN: “Chúng tôi đang trao đổi trực tiếp, riêng với Bắc Kinh, rằng chắc chắn sẽ có hậu quả cho các nỗ lực trốn tránh các biện pháp trừng phạt quy mô lớn hoặc hỗ trợ Nga để bù đắp tổn thất cho họ.”
Ông Sullivan và nhà ngoại giao hàng đầu của ĐCSTQ Dương Khiết Trì đã gặp nhau tại Rome vào thứ Hai (14/03). Theo thông báo của Tòa Bạch Ốc, hai bên đã “nêu ra một loạt vấn đề trong quan hệ Mỹ-Trung, với cuộc thảo luận quan trọng về cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine.”
‘Bức màn sắt mới’
Bài báo của ông Hồ cũng dự đoán một “bức màn sắt mới” phân chia các quốc gia được điều hành bởi các giá trị dân chủ tự do với các chế độ độc tài.
Ông Hồ nói, “Bức Màn Sắt mới sẽ không còn được vẽ ra giữa hai phe chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, cũng như sẽ không bị giới hạn nội trong Chiến Tranh Lạnh. Đó sẽ là một trận chiến sinh tử giữa những người ủng hộ và chống lại nền dân chủ phương Tây.”
Theo Chuẩn tướng Robert Spalding, thành viên cao cấp tại Viện Hudson có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, chính quyền Trung Quốc sẽ không chống lại ông Putin “bởi vì [ông Tập Cận Bình] cần được hỗ trợ để xâm lược Đài Loan.”
Ông nói trên Twitter hôm Chủ Nhật (13/03): “Đây là nơi trật tự thế giới rạn nứt giữa chủ nghĩa độc tài và dân chủ.”
Ông Spalding nói với The Epoch Times hôm 08/03 rằng Nga cần có “sự chấp thuận ngầm” từ phía ĐCSTQ trước khi xâm lược Ukraine. Ông Spalding cảnh báo rằng điều quan trọng là phương Tây phải nhận ra mối đe dọa đối với trật tự quốc tế bởi trục các cường quốc độc tài.
Ông nói, “Đây là một nỗ lực dài hạn thực sự xoay quanh việc liệu thế giới tự do có công nhận rằng Trung Quốc, Nga, Iran, Bắc Hàn, và các chế độ độc tài khác phải được đương đầu và phải bị cô lập về kinh tế hay không, hay điều này sẽ khiến cả thế giới bị bao phủ.”
Ông Gary Bai là một phóng viên tự do hiện đang làm việc tại New York, đưa tin liên quan đến Hoa Kỳ và Trung Quốc cho The Epoch Times.
Bình Hòa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: