Cựu TT Trump yêu cầu tòa án truyền hình trực tiếp phiên tòa liên bang
Cựu tổng thống ủng hộ giới truyền thông, vấp phải sự phản đối của các quan chức liên bang.
Cựu Tổng thống Donald Trump muốn phiên tòa liên bang sắp tới của ông được truyền hình trực tiếp, ủng hộ giới truyền thông.
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ) phản đối nỗ lực này.
Các luật sư của Tổng thống Trump cho biết tính chất chưa từng có của quá trình tố tụng này xứng đáng được truyền hình trực tiếp.
“Lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, một chính phủ đương nhiệm đã buộc tội hình sự đối với đối thủ dẫn đầu trong cuộc bầu cử,” các luật sư viết trong hồ sơ ngày 11/11 đệ trình lên Thẩm phán Tòa Địa hạt Liên bang Tonya Chutkan, người đang giám sát vụ án.
“Tổng thống Trump cần có ánh sáng mặt trời. Mọi người ở Mỹ, và hơn thế nữa, nên có cơ hội trực tiếp nghiên cứu vụ án này và xem nếu có một phiên tòa diễn ra, Tổng thống Trump sẽ tự minh oan cho mình trước những cáo buộc vô căn cứ và có động cơ chính trị này,” họ nói thêm sau đó.
Tổng thống Trump dự kiến sẽ ra tòa vào tháng 03/2024 với cáo buộc can thiệp bất hợp pháp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 và việc chuyển giao quyền lực theo sau đó.
Giới truyền thông vừa kêu gọi Thẩm phán Chutkan, người được cựu Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm, cho phép đặt camera trong phòng xử án, cho rằng công chúng có quyền tiếp cận các thủ tục tố tụng hình sự, dựa trên phán quyết của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ trong án lệ Richmond Newspapers Inc. kiện Virginia.
Trong vụ án đó, phán quyết cho biết, “Quyền tham dự các phiên tòa hình sự được ngầm định trong những bảo đảm của Tu chính án Thứ Nhất.”
Các hãng thông tấn cũng nêu ra rằng trong một phán quyết năm 2010, bốn thẩm phán nói rằng không có bên nào có thể đưa ra bằng chứng cho thấy sự hiện diện của camera trong phòng xử án “sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến thủ tục [tư pháp] này.”
Kể từ đó, nhiều quan chức cao cấp, trong đó có Tổng Chưởng lý tiểu bang Minnesota Keith Ellison, đã lên tiếng ủng hộ việc phát sóng các phiên tòa.
Các hãng thông tấn cũng tuyên bố rằng việc phát sóng theo thời gian thực sẽ “là một bước quan trọng trong việc ngăn chặn các thuyết âm mưu sai sự thật” về vụ án.
Phiên tòa xét xử cựu Tổng thống Trump ở Georgia đã được lên lịch phát sóng.
Biện lý Đặc biệt Jack Smith, người đang truy tố cựu tổng thống sau khi được Tổng Chưởng lý Merrick Garland bổ nhiệm, đã phản đối việc truyền hình trực tiếp phiên tòa.
Ông nêu ra các quy định liên bang cấm các camera từ các tòa án liên bang và các phán quyết cho thấy các quy tắc này hợp hiến.
Ông Smith cũng cho biết một lệnh cấm phát sóng phiên tòa “không tạo gánh nặng cho ngôn luận hay liên quan đến Tu chính án thứ Nhất dưới bất kỳ hình thức nào” vì các phóng viên và các thành viên khác của công chúng vẫn có thể tham dự phiên tòa.
Ông nói: “Trên thực tế thì phiên tòa mở cửa cho công chúng và giới truyền thông, những người có thể ‘tham dự, lắng nghe, và đưa tin’ cho công chúng, đáp ứng đầy đủ quyền tiếp cận theo Hiến Pháp,” ông nói, trích dẫn một phán quyết trước đó của tòa án.
Ông Smith đã cung cấp các trích dẫn bổ sung từ Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, trong đó có một phán quyết năm 1965 cho rằng việc kết luận “các quyền tự do được cấp trong Tu chính án thứ Nhất mở rộng một quyền cho giới truyền thông được truyền hình trực tiếp từ tòa án” là một “quan niệm sai lầm về quyền báo chí.”
Một ủy ban được thành lập để nghiên cứu vấn đề được khuyến nghị hồi năm 1994 rằng cho phép phát sóng các thủ tục tố tụng dân sự, nhưng Hội nghị Tư pháp Hoa Kỳ kết luận rằng camera trong phòng xử án có thể uy hiếp đến một số nhân chứng và bồi thẩm đoàn nên đã bác bỏ khuyến nghị đó.
Nhóm của cựu Tổng thống Trump cho rằng phiên tòa xét xử kín có nguy cơ làm suy yếu niềm tin vào hệ thống tư pháp và ảnh hưởng tiêu cực đến ông.
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times