Cựu TT Trump không nhận tội trong vụ án liên bang lịch sử
Tại một tòa án liên bang ở Miami hôm 13/06, cựu Tổng thống (TT) Donald Trump đã không nhận tội trước 37 cáo buộc trọng tội liên quan đến việc ông quản lý các tài liệu mật của chính phủ.
“Một trong những ngày buồn nhất trong lịch sử của đất nước chúng ta,” ông Trump viết trên Truth Social hôm 13/06 khi đang trên đường đến tòa án liên bang. “Chúng ta là một quốc gia đang suy tàn!!!”
Ông Trump và những người ủng hộ thuộc Đảng Cộng Hòa của ông đã chỉ trích các cáo buộc này là có động cơ chính trị, trong khi những người khác xem những cáo buộc đó là bằng chứng cho thấy không ai được đứng trên luật pháp.
Hành động không nhận tội này đánh dấu diễn biến mới nhất trong cuộc chiến pháp lý kéo dài nhiều năm giữa Bộ Tư pháp (DOJ) và cựu tổng thống, một cuộc chiến hiện có ý nghĩa hệ trọng đối với cuộc đua tranh cử tổng thống năm 2024, trong đó ông Trump là ứng cử viên hàng đầu của Đảng Cộng Hòa.
Phiên tòa buộc tội
Ông Trump đã đến tòa án liên bang ở Miami sớm hơn một giờ trước phiên tòa buộc tội được ấn định lúc 3 giờ chiều. Vụ án này là lần đầu tiên một cựu tổng thống Hoa Kỳ chính thức bị buộc tội vi phạm luật liên bang.
Ông Trump đã ra trình diện trước tòa. Nhân viên tòa án đã thu thập dấu vân tay của ông bằng thiết bị điện tử. Tổng thống không chụp hình lưu hồ sơ ghi án. Thủ tục này mất khoảng 10 phút.
Một đám đông vài trăm người, chủ yếu là những người ủng hộ ông Trump, tụ tập giữa những hàng cây cọ ở quảng trường tòa án. Một số lượng lớn các nhân viên chấp pháp địa phương, tiểu bang, và liên bang cũng có mặt.
Trong phiên tòa buộc tội kéo dài khoảng 35 phút này, ông Trump tỏ ra bình tĩnh và điềm đạm trong bộ com lê xanh và cà vạt đỏ đặc trưng của mình.
Ông Trump trình diện trước Thẩm phán Sơ thẩm Giám sát phiên tòa Jonathan Goodman, bên cạnh là các luật sư Todd Blanche, cựu công tố viên liên bang, và ông Christopher Kise.
Một số ít khán giả là công dân có mặt trong phòng xử án. Hiện diện tại khán phòng này chủ yếu là các phóng viên được chọn ngẫu nhiên từ một số lượng lớn các ký giả hiện trường và ba họa sĩ ký họa.
Bản cáo trạng này cáo buộc rằng ông Trump đã giữ lại 31 tài liệu của chính phủ một cách bất hợp pháp, trong đó có một số tài liệu được phân loại là tuyệt mật.
Theo bản cáo trạng, các tài liệu đó bao gồm “thông tin liên quan đến khả năng phòng thủ và vũ khí của cả Hoa Kỳ và các quốc gia ngoại quốc; các chương trình hạt nhân của Hoa Kỳ; khả năng bị tấn công quân sự của Hoa Kỳ và các đồng minh; và các kế hoạch trả đũa có thể xảy ra để đáp trả một cuộc tấn công từ ngoại bang.”
Bản cáo trạng cũng cáo buộc rằng ông Trump đã cho người khác xem các tài liệu mật hai lần vào năm 2021, một hành vi có thể vi phạm Đạo luật Gián điệp liên bang.
Cáo buộc nghiêm trọng nhất có thể bị phạt tới 20 năm tù.
Khi được yêu cầu biện hộ, ông Blanche đã trình bày thay mặt thân chủ của mình: “Chúng tôi chắc chắn sẽ không nhận tội.”
Ông Trump kiên quyết khẳng định mình vô tội, gọi các cáo buộc này là “một trò hề công lý,” “can thiệp bầu cử,” và một “cuộc săn phù thủy.”
Dòng thời gian của vụ án
Vụ án này tập trung vào một chuỗi các sự kiện bắt đầu từ hơn hai năm trước với một yêu cầu của Cơ quan Quản lý Hồ sơ và Lưu trữ Quốc gia (NARA) về việc hoàn lại hồ sơ của chính phủ. Cuối cùng sự kiện này đã dẫn đến việc thực thi một lệnh khám xét tại Mar-a-Lago, sự bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt, và bản cáo trạng ngày 08/06 truy tố vị cựu tổng thống này.
Ngày 06/05/2021, cho rằng một số tài liệu của chính phủ đã bị thất lạc, nên NARA đã yêu cầu các hồ sơ từ ông Trump.
Tháng 12/2021, một đại diện của ông Trump nói với NARA rằng khoảng một chục thùng hồ sơ tổng thống đã được đặt tại Mar-A-Lago và các nhân viên đang tìm kiếm thêm.
Tháng 01/2022, các đại diện của ông Trump đã cung cấp 15 thùng tài liệu cho NARA.
Tháng 02/2022, NARA cho biết họ đã tìm thấy “các vật phẩm được đánh dấu là thông tin an ninh quốc gia cơ mật” trong số các tài liệu của ông Trump.
Tháng 04/2022, Văn phòng Cố vấn Tòa Bạch Ốc đã yêu cầu NARA cung cấp cho FBI quyền truy cập vào 15 thùng tài liệu được lấy từ Mar-A-Lago đó. Sau đó FBI cho biết rằng các đặc vụ đã tìm thấy 67 tài liệu được đánh dấu là “bảo mật,” 92 tài liệu được đánh dấu là “bí mật,” và 25 tài liệu được đánh dấu là “tuyệt mật.”
Ông Trump, người từng không thừa nhận kết quả bầu cử tổng thống năm 2020, khẳng định rằng ông đã giải mật các tài liệu này.
Tháng 06/2022, các luật sư của ông Trump đã cung cấp cho NARA 38 tài liệu khác có đánh dấu mật, bao gồm 5 tài liệu được đánh dấu là “bảo mật,” 16 tài liệu được đánh dấu là “bí mật,” và 17 tài liệu được đánh dấu là “tuyệt mật.” Vào thời điểm đó, các đại diện của ông Trump đã chứng thực rằng, sau khi tìm kiếm cẩn thận, họ tin rằng không còn tài liệu mật nào khác ở Mar-a-Lago.
Tháng 08/2022, các đặc vụ FBI đã thực hiện một lệnh khám xét tại Mar-a-Lago mà nhiều người mô tả là một cuộc đột kích vào tư gia của vị cựu tổng thống này. Các đặc vụ đã thu giữ 36 vật phẩm chứa khoảng 100 hồ sơ mật. Sau đó, DOJ khẳng định rằng các tài liệu mật “có khả năng đã được che giấu và di chuyển” khỏi một căn phòng lưu trữ ở Mar-a-Lago để cản trở cuộc điều tra.
Ngày 15/11/2022, ông Trump công bố chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024 của mình. Ba ngày sau, Bộ Tư pháp đã bổ nhiệm ông Jack Smith làm biện lý đặc biệt để giám sát các cuộc điều tra ông Trump.
Hôm 08/06, ông Trump loan báo trên mạng xã hội rằng các luật sư của ông đã thông báo cho ông về bản cáo trạng truy tố ông.
Ông Trump không hề nao núng
Hai ngày sau khi loan báo về bản cáo trạng này, ông Trump đã trở lại chiến dịch tranh cử. Nói chuyện trước những người ủng hộ ở Columbus, tiểu bang Georgia, cựu tổng thống đã công kích cả DOJ lẫn TT Joe Biden.
Hôm 10/06, trước đám đông khoảng 3,000 người đầy hết cả địa điểm tổ chức hội nghị của Đảng Cộng Hòa, ông nói: “Bản cáo trạng lố bịch và vô căn cứ của Bộ Tư pháp bị vũ khí hóa của chính phủ ông Biden sẽ bị xem là một trong những vụ lạm quyền khủng khiếp nhất trong lịch sử đất nước chúng ta.”
Ông Trump và những người khác cáo buộc rằng bản cáo trạng truy tố ông được đưa ra vào thời điểm thích hợp để chuyển hướng sự chú ý khỏi một vụ bê bối bị cáo buộc hối lộ đang nổi lên tập trung vào ông Biden — thông tin mà các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đang thu thập từ FBI.
“Ông Biden đang tìm cách bỏ tù đối thủ chính trị hàng đầu của ông ấy, giống như họ làm ở nước Nga theo chủ nghĩa Stalin hoặc Trung Quốc cộng sản,” ông Trump nói với khán giả.
Ông Trump nêu lên sự thật rằng ông Biden cũng sở hữu các tài liệu mật từ thời còn là một thượng nghị sĩ Hoa Kỳ.
“Ông Biden không có bất kỳ thẩm quyền nào và ông ấy không có quyền sở hữu những tài liệu đó,” ông Trump nói. “Tuy vậy, lại không có chuyện gì xảy ra với ‘ông Joe Quanh co.’”
Hồi năm ngoái (2022), ông Biden và cựu Phó Tổng thống Mike Pence đều đã tự nguyện giao nộp các tài liệu mật mà họ phát hiện được trong số các giấy tờ của mình cho chính phủ liên bang.
Phản ứng của các chính trị gia
Hầu hết các chính trị gia Đảng Cộng Hòa xem bản cáo trạng này là một cuộc tấn công chính trị nhắm vào ông Trump.
“Thật vô lương tâm khi một Tổng thống truy tố ứng cử viên hàng đầu đối đầu với ông ấy. Ông Joe Biden đã lưu giữ các tài liệu mật trong nhiều thập niên,” Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) viết trên Twitter.
“Ông Joe Biden đã sử dụng Bộ Tư pháp của mình … vào tối nay để truy tố đối thủ chính trị hàng đầu của mình, ông Trump. Ông ấy đã chà đạp lên pháp quyền để thu lợi cho bản thân. Ông ấy đã dẫn đất nước này vào hiểm họa khôn lường,” Thượng nghị sĩ Josh Hawley (Cộng Hòa-Missouri) viết trên Twitter.
Nói chung, các ứng cử viên đối thủ cho đề cử tổng thống của Đảng Cộng Hòa vào năm 2024 thường có cùng một chiến thuật, tố cáo DOJ thay vì lên án ông Trump, đối thủ chính trị của họ.
Thống đốc Florida Ron DeSantis đã chỉ trích việc “vũ khí hóa cơ quan chấp pháp liên bang.” Cựu Thống đốc South Carolina Nikki Haley cho rằng người dân Mỹ “đã kiệt sức vì sự tiếp cận quá mức của cơ quan công tố.”
Chỉ có cựu Thống đốc Chris Christie của New Jersey và Thống đốc Asa Hutchinson của Arkansas đã chỉ trích ông Trump về bản cáo trạng này.
Trong một cuộc phỏng vấn trên Fox News hôm 09/06, ông Christie cho rằng nỗi đau của ông Trump là do “tự gây ra.”
“Đó là trách nhiệm mà ông Donald Trump sẽ phải gánh nếu ông ấy là ứng cử viên cho một cuộc tổng tuyển cử vào tháng Mười Một. Và tại sao chúng ta lại muốn chấp nhận rủi ro đó?” ông Christie nói.
Trong một tuyên bố hôm 08/06, ông Hutchinson kêu gọi ông Trump từ bỏ cuộc tranh cử tổng thống. “Điều này tái khẳng định rằng ông Donald Trump cần phải tôn trọng chính phủ và kết thúc chiến dịch tranh cử của mình.”
Các thành viên Đảng Dân Chủ xem bản cáo trạng này là bằng chứng cho thấy hệ thống tư pháp Hoa Kỳ đang vận hành.
Dân biểu Adam Schiff (Dân Chủ-California) viết trên Twitter rằng bản cáo trạng này khẳng định pháp quyền: “Trong 4 năm, ông ấy đã hành động như thể đứng trên luật pháp. Nhưng ông ấy nên được đối xử như bất kỳ kẻ phạm pháp nào khác. Và hôm nay, ông ấy đã được đối xử như vậy.”
“Sự hỗn loạn của ông Trump vẫn tiếp tục,” Dân biểu Greg Landsman (Dân Chủ-Ohio) viết trên Twitter. “Những gì ông ấy đang làm với đất nước này, chủ nghĩa cực đoan và mối nguy hiểm mà ông ấy và các đồng minh của ông ấy gây ra, phải chấm dứt.”
Con đường phía trước
Cựu tổng thống đã được tại ngoại hầu tra sau khi cam kết trước tòa theo yêu cầu của bên công tố. Hầu hết các điều kiện trả tự do trước khi xét xử đã được miễn trừ.
Thẩm phán Goodman đã ra một lệnh cấm ông Trump nói chuyện với bất kỳ nhân chứng hoặc nạn nhân nào ngoại trừ thông qua luật sư của họ. Vị thẩm phán này đã đưa ra một ngoại lệ dành cho các nhân chứng mà ông Trump thường xuyên liên lạc, trong đó có đồng bị đơn và là nhân viên của ông, ông Walt Nauta. Trong những trường hợp đó, vị thẩm phán này đã cấm ông Trump thảo luận về vụ án này.
Các chuyên gia pháp lý tin rằng đội ngũ bào chữa cho ông Trump sẽ cố gắng kéo dài quá trình tố tụng càng lâu càng tốt.
Đối với ông Trump, chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024 vẫn tiếp tục. Ngay cả khi ông bị kết tội, thì không có luật nào ngăn cản ông tranh cử hoặc đắc cử tổng thống.
Sau khi rời tòa án, đoàn xe của ông Trump dừng lại ở một nhà hàng Cuba tên là Versailles, nơi ông đã gặp gỡ những người ủng hộ. Một số người ủng hộ đã cầu nguyện cùng ông, trong khi những người khác hát chúc mừng sinh nhật trước ngày sinh nhật 14/06 của cựu tổng thống.
Ông Trump nói với đám đông: “Tôi thết đãi tất cả mọi người.”
Bản tin có sự đóng góp của Janice Hisle, Jackson Richman, và Joseph Lord
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times