Cựu TT Trump cho biết ông đang cân nhắc nền tảng truyền thông xã hội mới: ‘Quý vị thực sự có thể xây dựng trang web của riêng mình’
Cựu Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc tham gia một nền tảng truyền thông xã hội mới nhưng tuyên bố rằng ông có thể tạo nền tảng của riêng mình—sau khi ông bị Twitter, Facebook, YouTube và các trang web Big Tech khác đình chỉ vào tháng trước.
Trong một cuộc phỏng vấn với Newsmax vào tối thứ Tư (17/02) – một trong những cuộc phỏng vấn đầu tiên của ông kể từ khi rời nhiệm sở – vị cựu tổng tư lệnh này cho hay ông đang cân nhắc các lựa chọn sau khi Twitter hành động chống ông.
“Chúng tôi đang thương lượng với một số người và cũng có lựa chọn khác là xây dựng trang web của riêng mình. Bởi vì chúng tôi có nhiều người hơn bất cứ ai. Ý tôi là quý vị thực sự có thể xây dựng trang web của riêng mình,” ông Trump cho biết và nói thêm rằng ông đang xem xét xây dựng nền tảng của riêng mình.
“Tôi thực sự muốn được yên tĩnh một chút. Họ rất muốn tôi dùng Parler, quý vị biết đó họ đã có một bài báo giả mạo rằng người ở đó đã không muốn – ý tôi là ngược lại, họ thực sự muốn tôi dùng Parler,” cựu TT Trump nói, đề cập đến những tuyên bố của cựu Giám đốc điều hành Parler John Matze.
Tuy nhiên, ông suy đoán rằng Parler sẽ không thể xử lý lượng truy cập mà ông sẽ mang lại cho trang web. “Về mặt cơ học, họ không thể xử lý” số lượng người dùng như thế, cựu TT Trump lưu ý trong cuộc phỏng vấn.
Ông Trump nói thêm rằng “nếu quý vị nhìn vào những gì đang diễn ra với Twitter, tôi hiểu nó đang trở nên rất nhàm chán và hàng triệu người đang rời đi. Họ rời bỏ nó bởi vì nó không giống như trước nữa và tôi có thể hiểu điều đó.” Trước khi tài khoản của mình bị xóa, cựu TT Trump đã có một trong những tài khoản Twitter được theo dõi nhiều nhất và tạo ra một lượng tương tác đáng kể.
Đầu tháng này (02/2021), ông Jason Miller, một trong những cố vấn của cựu TT Trump, cho biết cựu tổng thống đang quyết định làm thế nào để xuất hiện trở lại trên phương tiện truyền thông xã hội.
“Tôi mong rằng chúng ta sẽ thấy tổng thống xuất hiện trở lại trên phương tiện truyền thông xã hội,” ông Miller nói với trang Breitbart News hôm 06/02. “Cho dù đó là tham gia một nền tảng hiện có hay tạo ra một nền tảng mới của ông ấy, thì đều có một số lựa chọn khác nhau và một số các cuộc họp khác nhau mà họ đã tổ chức về vấn đề này. Điều đó không có gì là bất ngờ.”
Khi ông Trump bị các nền tảng Big Tech cấm tham gia, họ nói rằng đó là vì những bình luận của cựu tổng thống có thể đã kích động bạo lực trong vụ đột nhập Điện Capitol hôm 06/01 – mặc dù cựu TT Trump đã nhiều lần lên án các cuộc bạo loạn và kêu gọi những người biểu tình bày tỏ quan điểm của mình một cách ôn hòa.
Vụ đột nhập Điện Capitol Hoa Kỳ đã bắt đầu trước khi cựu TT Trump kết thúc bài diễn thuyết của mình tại cuộc biểu tình, theo một dòng thời gian được The Epoch Times tổng hợp. Trong khi đó, New York Times và CNN đã rút lại các bài báo cho rằng sỹ quan cảnh sát Điện Capitol Brian Sicknick đã bị những người ủng hộ cựu TT Trump giết.
Nhưng việc Twitter, Facebook, Snapchat và những nền tảng khác cấm ông Trump tham gia đã thu hút sự chỉ trích đáng kể từ các tổ chức tự do dân sự và phe bảo thủ, cho rằng nếu các công ty này có thể cấm tổng thống, thì bất kỳ người dùng nào cũng có thể bị cấm vì bất kỳ lý do gì.
“Chúng tôi luôn lo ngại khi các nền tảng đảm nhận vai trò kiểm duyệt, đó là lý do tại sao chúng tôi tiếp tục kêu gọi họ áp dụng khuôn khổ nhân quyền đối với các quyết định đó,” theo một tuyên bố hôm 07/01 từ Tổ chức Biên giới Điện tử (EFF). “Chúng tôi cũng lưu ý rằng cũng chính những nền tảng đó, trong nhiều năm, đã trao đặc quyền cho một số diễn giả – đặc biệt là các quan chức chính phủ – hơn những người khác, không chỉ ở Hoa Kỳ mà còn ở các quốc gia khác nữa. Một nền tảng không nên áp dụng một bộ quy tắc cho hầu hết người dùng của nó, rồi sau đó lại áp dụng một bộ quy tắc dễ dãi hơn cho các chính trị gia và các nhà lãnh đạo thế giới, những người vốn đã có quyền lực vô cùng lớn.”
Do Jack Phillips thực hiện
Nguyễn Lê biên dịch
Xem thêm: