Cựu Thứ trưởng Bộ Công an bị bắt ở Trung Quốc trước cuộc họp Đảng lớn
Chế độ cộng sản ở Trung Quốc đã bắt giữ một cựu quan chức công an cao cấp, chỉ vài ngày trước khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tổ chức một cuộc họp chính trị lớn.
Ông Tôn Lực Quân (Sun Lijun), 52 tuổi, đã bị bắt vì nghi ngờ nhận hối lộ trong thời gian ông còn là một thành viên đảng ủy và thứ trưởng tại Bộ Công an Trung Quốc, công tố viên đứng đầu nước này thông báo trong một tuyên bố hôm 05/11.
Ông Tôn đã trở thành thứ trưởng của Bộ hồi tháng 03/2018, và bị cách chức hồi tháng 05/2020, một tháng sau khi ông bị đưa vào diện điều tra nội bộ của đảng vì tội tham nhũng.
Tuyên bố trên cho biết thêm rằng vụ bắt giữ này được thực hiện sau khi Ủy ban Giám sát Quốc gia, cơ quan giám sát chống tham nhũng của nhà cầm quyền này, kết thúc một cuộc điều tra. Tuy không cung cấp thêm bất kỳ chi tiết nào, tuyên bố kết luận cuộc điều tra về ông Tôn vẫn “đang được tiếp tục tiến hành.”
Tuyên bố ngắn gọn này để ngỏ câu hỏi về việc phải chăng các nhà chức trách Trung Quốc cũng đã điều tra ông Tôn về những tội danh ngoài sự nghiệp chính trị của ông tại Bộ hay không. Ông Tôn từng là một phó giám đốc tại Phòng 610, cơ quan giống Gestapo của chính quyền này, vốn khét tiếng về những vi phạm nhân quyền đối với các học viên Pháp Luân Công.
Hồi tháng Chín, đã có thêm thông tin chi tiết về những tội ác bị cáo buộc của ông Tôn được công bố, khi Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc khai trừ ông Tôn khỏi Đảng Cộng sản sau cuộc điều tra của họ.
Ủy ban này đã cáo buộc ông Tôn có “tham vọng chính trị quá lớn” và “tung tin đồn chính trị”. Ông đã “kéo bè kết phái” trong đảng, và tạo ra “nhóm lợi ích” của riêng mình, nhằm xây dựng quyền lực cá nhân. Hành động của ông “đã làm suy yếu nghiêm trọng sự đoàn kết của đảng”, ủy ban tuyên bố.
Hơn nữa, ủy ban này cũng cho biết ông Tôn đã sống một “cuộc sống suy đồi”, “đánh đổi quyền lực lấy sắc tình và tiền bạc”, và đã nhận “các khoản tiền hối lộ rất lớn”.
Việc bắt giữ ông Tôn diễn ra vào một thời điểm nhạy cảm về mặt chính trị ở Trung Quốc, khi Ủy ban Trung ương của Đảng này tập hợp cho một cuộc họp kéo dài bốn ngày gọi là Phiên họp Toàn thể lần thứ Sáu bắt đầu từ ngày 08/11. Một trong những chức năng của Ủy ban Trung ương là chọn ra các đảng viên ĐCSTQ vào nhóm 25 đảng viên Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định quyền lực nhất ở Trung Quốc.
Ít nhất hai quan chức ĐCSTQ — ông Triệu Khắc Chí (Zhao Kezhi), bộ trưởng công an đương nhiệm, và ông Quách Thanh Côn (Guo Shengkun), bí thư cơ quan pháp lý hàng đầu của nhà cầm quyền này, tức Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương (PLAC) — đã công khai chỉ trích ông Tôn hồi tháng Mười.
Hôm 16/10, ông Triệu đã đưa ra lời chỉ trích trong một cuộc họp đảng, khi ông nói rằng những người trong “phe phái chính trị của ông Tôn Lực Quân” phải được “điều tra kỹ lưỡng” và “bị trừng phạt nghiêm khắc”.
Nhà bình luận về các vấn đề Trung Quốc tại Hoa Kỳ Lý Lâm Nhất (Li Linyi) nói với The Epoch Times ấn bản Hoa Ngữ hồi tháng Mười rằng, những lời chỉ trích như vậy trong nội bộ ĐCSTQ biểu hiện sự thất thế của ông Tôn, mặc dù rất nhiều là về hành động sai trái của ông ta, nhưng cũng là để hoàn thành một nghị trình chính trị.
Theo ông Lý, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có thể đang sử dụng trường hợp của ông Tôn để “củng cố uy tín của ông” trước Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc lần thứ 20 diễn ra vào năm tới.
Vào mùa thu năm 2022, các quan chức ĐCSTQ sẽ tập hợp để tổ chức một đại hội đảng, diễn ra hai lần mỗi thập niên, trong đó một nhóm lãnh đạo đứng đầu mới sẽ được chọn. Ông Tập đang tìm kiếm một nhiệm kỳ 5 năm lần thứ ba chưa từng có sau khi trở thành lãnh đạo tối cao vào năm 2012.
Trong sự nghiệp chính trị của mình, ông Tôn cũng từng là phụ tá riêng của ông Mạnh Kiến Trụ (Meng Jiangzhu), người đứng đầu PLAC từ năm 2012 đến năm 2017.
Hồi tháng 10/2017, tổ chức bất vụ lợi có trụ sở tại Hoa Kỳ, Tổ chức Thế giới về Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG), đã nêu đích danh ông Mạnh với tư cách là một thủ phạm thực hiện các tội ác đối với các học viên Pháp Luân Công.
Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần với các bài tập tĩnh tại và các bài giảng đạo đức. Cả Phòng 610 và PLAC đều là các công cụ của ĐCSTQ để thực hiện chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công kể từ năm 1999.
Giờ đây, hơn hai thập niên sau, hàng triệu người đã bị giam giữ trong các nhà tù, trại lao động, và các cơ sở khác ở Trung Quốc, với hàng trăm ngàn người bị tra tấn trong khi bị giam giữ, theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp. Hàng ngàn người được xác nhận là đã qua đời do bị ngược đãi và tra tấn trong khi bị giam giữ.
Anh Frank Fang là một ký giả tại Đài Loan. Anh đưa tin về Trung Quốc và Đài Loan. Anh có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: