Cựu sĩ quan hải quân 66 tuổi bị giam giữ vì sự kiện 06/01 trải qua một ‘câu chuyện kinh dị Mỹ’
“Lạy Cha lòng lành! Xin đừng để họ sát hại vợ con!”
Sau hơn hai thập niên phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ và thực hiện các nhiệm vụ trên khắp thế giới, ông Thomas E. Caldwell nghĩ rằng mình đã hiểu được ý nghĩa của nỗi sợ.
Tất cả đã thay đổi vào những thời khắc rạng sáng hôm 19/01/2021.
Vài phút sau khi bị huých cho tỉnh lại, ông Caldwell thấy mình đang ở ngoài trời lạnh cóng chỉ với đồ lót và một chiếc áo phông cộc tay. Bị còng tay với một sợi dây xích trói ngang bụng, sau đó ông bị các đặc vụ FBI kéo băng qua bãi cỏ và ném lên mui một chiếc sedan của chính phủ.
Ông Caldwell ngoái nhìn về mái hiên nông trang của mình và thấy bà Sharon, người vợ 22 năm của ông, đang đứng đó trong chiếc váy ngủ, với hai cánh tay dang rộng. Bà giữ chặt một chiếc vớ ở mỗi tay.
Các chấm laze xuất hiện trên mặt và ngực của bà, phóng ra từ các họng súng carbine của một đội SWAT thuộc FBI. Trong phút chốc, ông Caldwell đã thấy tất cả, chỉ một cú chạm ngón tay là xảy ra bi kịch không nói nên lời.
“Đó là sự khủng bố về mặt đạo đức,” với mái tóc bạc trắng, ông Caldwell 66 tuổi chia sẻ với The Epoch Times.
“Thà rằng họ bắn tôi vào trán còn hơn là đe dọa bà ấy như vậy.”
“Tôi sẽ không bao giờ quên được hình ảnh đó, bởi vì trông bà ấy như một thiên thần trong chiếc áo ngủ màu trắng, đứng trên nền bê tông lạnh lẽo với đôi chân trần, với hai cánh tay dang rộng ra hai bên theo lệnh của họ,” ông Caldwell nhớ lại, cố nén những giọt nước mắt.
“Đó là khoảnh khắc mà tôi hiểu được nỗi sợ chân chính là gì. Bởi vì tôi đang nhìn cảnh tượng đó và tôi nói, ‘Lạy Cha lòng lành! Xin đừng để họ sát hại vợ con! Xin đừng để họ lấy mạng vợ con!’
‘Thời khắc tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi’
Cuộc sống trong 14 tháng qua đầy những thử thách, bi kịch, và cả những điều kỳ diệu đối với viên sĩ quan tình báo Hải quân đã về hưu đến từ Berryville, tiểu bang Virginia này.
Ông đã có một chuyến đi đến Hoa Thịnh Đốn để gặp Tổng thống Donald Trump hôm 06/01, một chuyến đi thể hiện lòng yêu nước cùng vợ ông mà đã dẫn đến một cuộc đột kích của FBI, 53 ngày trong trại giam, gần như phá sản, và một bản cáo trạng liên bang cáo buộc ông về tội âm mưu xúi giục nổi loạn, âm mưu cản trở thủ tục chính thức, âm mưu ngăn cản một sĩ quan thực thi nhiệm vụ, và giả mạo một tài liệu hoặc can thiệp thủ tục — trợ giúp và tiếp tay cho hành vi tội phạm.
Các công tố viên cáo buộc ông thông đồng với các thành viên của tổ chức Oath Keepers (Những Người Giữ Lời Thề) để ngăn Quốc hội chứng nhận các phiếu bầu của Đại Cử Tri Đoàn trong cuộc tổng tuyển cử tổng thống năm 2020. Ông Caldwell bị cáo buộc đã giới thiệu một khách sạn cho các thành viên “Lực Lượng Phản Ứng Nhanh” của tổ chức Oath Keepers, những người sẽ lưu trú gần Hoa Thịnh Đốn nhằm hỗ trợ các thành viên khác của tổ chức này tấn công Điện Capitol.
Các công tố viên cho biết ông Caldwell đã yêu cầu sự giúp đỡ từ những mối liên hệ của ông để có được những chiếc thuyền mà có thể sử dụng để chở người và vũ khí qua sông Potomac.
“Không thể tin được là tôi vừa nghĩ đến điều này: có bao nhiêu người thuộc hay không thuộc lực lượng dân quân (những người vẫn ủng hộ nỗ lực cứu nền Cộng Hòa của chúng ta) có một chiếc thuyền trên một chiếc xe đầu kéo mà có thể thực hiện một chuyến đi vượt qua sông Potomac?” ông Caldwell đã viết trong một tin nhắn, theo như đơn khiếu kiện hình sự. “Nếu chúng ta có người túc trực ở một dốc cầu tàu (chắc chắn là một đoạn gần Ngũ Giác Đài), thì chúng ta sẽ có thể để Lực Lượng Phản Ứng Nhanh cùng với vũ khí hạng nặng của mình đứng chờ sẵn, nhanh chóng đưa họ lên thuyền và chở họ qua sông đến các nhánh lực lượng đang đợi của chúng ta.”
Ông Caldwell nói rằng các công tố viên liên bang đã hiểu sai nghiêm trọng, làm rối hoặc cố ý xoắn vặn những câu bông đùa của các quân nhân về hưu thành một loại âm mưu thâm độc nào đó.
“Giờ tôi đã xem lại hàng núi tin nhắn, hình ảnh, v.v. trong một khối lượng khổng lồ các phát hiện do chính phủ đưa ra cho vụ án này, và tôi không mảy may thấy một bằng chứng nào cho thấy bất kỳ ai có kế hoạch hoặc có ý định xâm nhập Điện Capitol, hoặc ngăn chặn quá trình chuyển giao nhiệm kỳ Tổng thống một cách ôn hòa, hoặc làm bất cứ điều gì mang tính phạm pháp,” ông bày tỏ. “Ý định của cá nhân tôi ngày 06/01 là chỉ đến để nghe Tổng thống Trump [nói] và tận hưởng một ngày an lành và yên bình cùng vợ mình và các công dân Hoa Kỳ khác.”
Ông Caldwell dự định ra tòa để minh oan và khôi phục danh dự của bản thân. Phiên tòa của ông dự kiến bắt đầu vào ngày 11/07 tại Tòa án Địa hạt Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn, nhưng bây giờ có vẻ như phiên tòa sẽ được dời lại sang ngày 26/09. Các luật sư bào chữa đang xem xét hàng ngàn dữ liệu bằng chứng, trong đó có hơn 24,000 tệp video do Bộ Tư Pháp chuyển giao.
“Rất nhiều thứ mà họ nói là kinh khủng và xúi giục nổi loạn chỉ là những lời giễu cợt, chế nhạo và chọc ghẹo giữa bạn bè với nhau — trong các cuộc trò chuyện riêng tư — đôi khi là qua tin nhắn văn bản với một người, hoặc với hai người,” ông cho biết. “Trên thực tế, một vài tin nhắn trong số này là với những người đang ở tận tiểu bang Virginia cách xa đến 75 dặm (120 km) vốn đang ở trong trang trại của họ, say mèm, như họ nói, chỉ đang ngồi xem những thứ trên TV.”
Đánh đổi một trang trại cho sự tự do
Cuộc chiến pháp lý của ông Caldwell đã tiêu tốn rất nhiều tiền bạc. Gia đình ông Caldwell đã phải bán hết máy móc trong trang trại cũng như đàn gia súc của họ để thanh toán cho các hóa đơn án phí. Ông lo lắng rằng trang trại Shenandoah Valley được truyền thừa qua nhiều thế hệ của ông sẽ sớm không còn, và ông đã phải huy động sự giúp đỡ tiền bạc từ cộng đồng mạng.
Sau tất cả, cuộc tấn công về thể chất và tinh thần với gia đình ông vào buổi sáng chóng vánh đó là điều luôn ám ảnh ông. Ông thấy khó cất lời về việc phải chứng kiến vợ mình trong tầm ngắm bắn của FBI theo đúng nghĩa đen.
“Tôi sẽ không bao giờ quên được chuyện này. Hình ảnh đó đã khắc sâu vào tâm trí tôi. Nó lặp đi lặp lại nhiều lần trong những cơn ác mộng của tôi,” ông Caldwell chia sẻ. “Không phải là việc họ đã đá vào người tôi; mà là hình ảnh đó. Đó là thời khắc tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi. Nhưng đó cũng có thể là phép lạ lớn nhất trong cuộc đời tôi khi bà ấy được buông tha.”
Khi đứng dưới mái hiên lộng gió, nhìn chằm chằm vào khung cảnh giống như một biển ánh đèn klieg [đèn hồ quang cực mạnh], ông chết lặng trước lực lượng mang sức mạnh chiến đấu đang nhắm vào mình và vợ.
Một chiếc xe bọc thép với các thanh kim loại dài để phá cửa, đã sẵn sàng đục thủng hông ngôi nhà. Các đặc vụ với nguyên bộ đồ tác chiến, đã chiếu người ông Caldwell rực sáng như một cây thông Giáng Sinh bằng những chùm tia laze sắc bén phát ra từ ống ngắm súng trường của họ. Ông biết đó là những khẩu súng carbine M4 hoàn toàn tự động đang nhắm vào đầu và giữa thân thể ông.
Ông Caldwell cho biết, sau khi quăng ông vào thùng xe, một trong các đặc vụ đã thúc mạnh đầu gối vào vùng dưới thắt lưng ông, ngay chỗ có một mảnh kim loại được đặt vào sau các cuộc phẫu thuật. Các đặc vụ đưa ông vào sau một chiếc xe hơi, nơi ông ngồi đó và tự hỏi liệu bà Sharon có còn sống hay không.
Các đặc vụ đã sử dụng một thiết bị phá cửa cầm tay để phá vỡ lối vào khu nhà để xe riêng, nơi ông Caldwell từng đậu chiếc Ford Thunderbird 1963 mui trần của mình. Chiếc T-Bird đã không còn, bị bán đi để chi trả phí bào chữa cho ông. Các đặc vụ đã đột nhập vào nhà kho, phá dỡ mọi thứ trên tường, và sau đó “lục soát ngôi nhà,” ông Caldwell kể lại.
Sau một lúc, ông Caldwell được đưa trở lại nhà của mình và bị thẩm vấn. Ông đã mất hai tiếng rưỡi đồng hồ để giải thích về chuyến đi đến Điện Capitol của mình, và hiện ông không phải hoặc chưa bao giờ từng là thành viên của tổ chức Oath Keepers như thế nào. Ông nói rằng đằng sau các câu hỏi đó là rất nhiều giả thiết, nhưng lại có ít dữ kiện thực tế.
“Tôi đã hỏi họ năm lần khác nhau, ‘Tôi đang bị buộc tội gì? Tôi đang bị buộc tội gì vậy?’ Cuối cùng họ nói rằng, ‘Xâm phạm.’ Tôi đáp lại rằng, ‘Các anh mất trí rồi à? Anh đến đây và chĩa súng vào mặt vợ tôi vì tội xâm phạm? Tôi được cho là đã xâm phạm vào đâu?’ Họ trả lời, ‘Thì ông đã vào Điện Capitol.’”
Hóa ra, ông Caldwell chưa bao giờ vào Điện Capitol. Sau khi bài diễn văn của ông Trump tại Ellipse kết thúc, ông và bà Sharon từ từ tiến đến khu vực của Điện Capitol. Ông Trump đã bảo những người ủng hộ hãy đến Điện Capitol một cách ôn hòa, vì vậy gia đình Caldwell nghĩ rằng có lẽ ông Trump sẽ diễn thuyết tại đó.
Họ đã đến được Đài tưởng niệm Hòa bình trước khi ông Caldwell phải ngồi xuống. Ông nói rằng chân và lưng ông đau đớn khủng khiếp. Do đó, họ đã dành ra khoảng một giờ để chụp ảnh, trò chuyện với những người khác trong đám đông và chiêm ngưỡng tượng đài bằng đá cẩm thạch Carrara cao 44 feet (khoảng 13.5m), được đặt trên nền đá granite Maine xanh dương.
‘Một cảnh tượng không thể nào tin được!’
Các tin tức dần được lan truyền ra trong phạm vi 300 thước Anh (khoảng 275 mét) từ Mặt Phía Tây của Điện Capitol, nơi tổng thống đắc cử tuyên thệ nhậm chức bốn năm một lần. “Nhiều người đang ở trên đó, và họ đang tự chụp ảnh chân dung, còn những người khác đang đi xuống [bên cạnh Đài tưởng niệm Hòa bình] mà nói rằng: ‘Một cảnh tượng không thể nào tin được!’” ông Caldwell kể lại.
Gia đình Caldwell muốn tự mình chứng kiến mọi việc. Họ từ từ tiến lên cầu thang, ông Tom đã phải tựa hông vào lan can để có thể đứng vững. Họ đi qua giàn giáo khổng lồ được chuẩn bị cho buổi lễ nhậm chức, lên gần lễ đài, nơi có rất nhiều bài diễn văn nổi tiếng đã được cất lên.
“Chúng tôi đã đi lên… ban công của lễ đài nhậm chức và chúng tôi đã tự chụp một bức ảnh chân dung,” ông Caldwell nói. “Một lần nữa, không có cảnh sát nào nói rằng, ‘Không được làm điều đó.’ Không có biển báo nào nói rằng, ‘Không được làm như vậy.’ Và có rất nhiều người cũng làm như thế. Còn quý vị có thể nói rằng, ‘Vâng, lẽ ra ông bà không nên làm như thế.’ Vâng, có lẽ là vậy, nhưng dường như chẳng có bất kỳ sự ngăn cản nào đối với việc đó.”
Ông Caldwell nói rằng ông không nhận thấy có bất kỳ cuộc bạo động hay bạo lực nào khi ở Mặt Phía Tây của Điện Capitol. Sau một lúc, hai người bắt đầu đi bộ ngược về phía Đài tưởng niệm Hòa bình. Sau khi nghỉ ngơi, họ tiếp tục đi bộ lên Đại lộ Hiến Pháp để đến xe riêng của mình. Lúc ấy, các bản tin đã lan truyền rằng Thị trưởng Muriel Bowser của Hoa Thịnh Đốn đã ban bố lệnh giới nghiêm trong đêm đó do các sự kiện xảy ra tại Điện Capitol, ngay khi ông Caldwell đang tiến đến gần xe của mình.
Ông Caldwell nói rằng vô luận lý lẽ đưa ra trong các tài liệu buộc tội của liên bang là gì, ông không phải là thành viên của tổ chức Oath Keepers, chưa bao giờ được chiêu mộ, và không có ý định tham gia vào tổ chức này. Ông quen biết những cựu sĩ quan trong tổ chức Oath Keepers. Ông nói rằng các tin nhắn văn bản riêng tư của ông với bè bạn đã bị bẻ cong thành một thứ khác.
Ông nói với trưởng nhóm đặc vụ FBI vào sáng hôm đó rằng quan điểm và lời nói của ông mới là mục tiêu thực sự bị nhắm đến.
“Tôi nói, ‘Nghe này, có vẻ như có những người trong chính phủ muốn truy tố tôi vì đã nhắn tin với một người bạn và vì những tin nhắn văn bản riêng tư hay những thứ tương tự như vậy. Chuyện này là vì tất cả những gì tôi nghĩ và những gì tôi nói.’ Rồi anh ta trả lời, ‘Không ai sẽ bắt giữ hoặc truy tố ông vì lời nói.’ Và tôi nói rằng, ‘Để rồi xem.’ Tình tiết đó đã được ghi âm. Vì vậy, có vẻ như tôi đã đúng.”
‘Địa ngục trần gian’
Chương tiếp theo trong câu chuyện huyền thoại 06/01 của ông Caldwell diễn ra trong Nhà tù Khu vực Trung tâm Virginia ở Orange, Virginia. Những gì ông trải qua tại đó giống với lời tường thuật của những người bị giam giữ vì sự kiện 06/01 khác trong các cơ sở giam giữ, trong đó có cả Nhà tù DC. Những người này nói rằng họ đã bị đánh đập tàn khốc, bị bỏ đói, và bị đưa vào phòng biệt giam, một hành vi bị Tổ chức Ân xá Quốc tế lên án là “tàn nhẫn và quá quen thuộc.”
Ông Caldwell cho biết ông trở nên tin rằng mình sẽ không còn sống sót để nhìn thấy thế giới bên ngoài nữa. Ông nói rằng mình đã phải trải qua 49 ngày biệt giam trong tổng số 53 ngày bị giam giữ. Ông đã bị từ chối được dùng thuốc theo đơn của mình, khiến ông bị lên cơn co giật trên sàn bê tông của phòng giam và làm bẩn hết người. Ông nói rằng, những quản ngục có vẻ thích thú với điều đó. “Tôi bị co giật trên sàn bê tông trong ngục tối, và những người quản ngục [đã] quan sát qua tấm kính chống đạn nhỏ, cười nhạo khi tôi đang làm bẩn chính mình,” ông kể lại. “Và tôi nghĩ rằng, ‘Mình sẽ không bao giờ thoát khỏi đây được. Nơi này là địa ngục trần gian.’”
“Nơi đó thực sự là địa ngục trần gian — 24 giờ một ngày, không người thăm viếng, không thuốc men, không được tập thể dục. Và toàn bộ thế giới của tôi bị thu nhỏ lại trong một căn ngục bê tông tăm tối rộng 7×12 feet (chừng 2×3.6 mét) với một cánh cửa thép khổng lồ duy nhất.”
Ông đã bị đối xử một cách vô nhân đạo khi vừa đến đó. Ông Caldwell cho biết ông đã phải trải qua một cuộc quét chụp toàn thân. Ông bị chọc dò hậu môn trước và sau khi bị quét bằng máy chiếu. “Tôi chắc rằng điều đó chỉ để chứng tỏ rằng họ có thể đối xử vô nhân đạo với quý vị,” ông bày tỏ.
Một ngày kia, một viên quản ngục đã đánh rất mạnh vào phần lưng dưới của ông, tại vị trí mà ông từng bị phẫu thuật trước đó. Với việc hai tay bị còng và khóa vào sợi xích ở ngang bụng, ông không thể không ngã nhào xuống.
“Do đó, tôi đã đập mặt xuống đất, đầu nghiêng sang một bên,” ông nhớ lại. “Và rồi một người nào đó bước vào chính giữa hai mắt cá chân và đá vào háng tôi. Lặp đi lặp lại nhiều lần. … Giờ đây tôi có thể sẽ là người chiến thắng cuộc thi đố vui Double Jeopardy nếu câu hỏi là, “Một người có thể bị đá vào giữa hai chân bao nhiêu lần trước khi bất tỉnh?” Tôi biết câu trả lời, điều mà tôi hy vọng là không ai khác biết được. Nhưng tôi có câu trả lời cho câu hỏi đó.”
Những gì xảy ra sau đó đã ám ảnh ông Caldwell, khắc sâu vĩnh viễn trong trí nhớ của ông.
“Gã đã đá tôi nói với tôi như thế này, anh ta nói, ‘Đức Chúa Trời của ông ở đâu? Đức Chúa Trời của ông ở đâu? Có xuống đây và giúp ông không?’ Tất nhiên, anh ta đang nói đến Chúa Jesus Christ. Tôi không bao giờ muốn quên điều đó. Tôi không bao giờ muốn quên điều đó.”
Thỉnh thoảng, ông Caldwell được phép nhận một cuộc gọi từ bà Sharon. Điện thoại được dòng qua một cái lỗ trên song sắt nên ông phải quỳ xuống để sử dụng ống nghe. Họ đã cùng nhau cầu nguyện.
“Điều đó giống như một thiên thần đang trò chuyện từ trên thiên đường vậy,” ông nói. “Và bà ấy nhắc nhở tôi tầm quan trọng của việc cầu nguyện và cầu xin Đức Chúa Trời với lòng cảm ân. Vì vậy, đó không chỉ là ‘Chúa ơi, đây là danh sách điều ước Giáng Sinh của con,’ mà đó là, ‘Tạ ơn Chúa vì đã cho con thêm một ngày nữa. Tạ ơn Chúa vì người vợ thương mến của con, tạ ơn Chúa vì cơ hội để một ngày nào đó con sẽ có thể thoát khỏi đây.”
“Có một lần, tôi không thể nghĩ ra điều gì để cầu nguyện,” ông Caldwell kể lại. “Khi mở đầu, tôi đã nói: ‘Tạ ơn Chúa vì hôm nay con chưa bị đánh. Nhưng ngày hôm nay vẫn chưa kết thúc, thưa Ngài.’”
Một ngày nọ, ông Caldwell nhìn thấy một viên quản ngục với một chiếc xe đẩy chất đầy báo giấy và các tài liệu khác. Ông phát hiện ra một cuốn sách dày mà ông đoán là một cuốn Kinh Thánh, và hỏi rằng liệu ông có thể mượn cuốn sách đó không. Người quản ngục trả lời: “Không ông bạn à, tôi không thể đưa cho ông bất cứ thứ gì.”
“Tôi cảm thấy ngại ngùng. Nhưng tôi tin rằng Chúa đã để tôi nói những lời này. Và tôi nói, ‘Này anh bạn, đó chỉ là một cuốn Kinh Thánh thôi mà.’ Tôi cảm thấy ngại ngùng vì đó là lời từ Chúa. Nhưng đó chính là điều mà anh ấy cần nghe. Anh ta bỏ những tờ báo ra, và chao ôi, đó là một cuốn Kinh Thánh cũ nát.”
Ông Caldwell đã vồ lấy cuốn Kinh Thánh khi viên quản ngục đặt nó giữa song sắt. Ông chưa bao giờ cảm thấy cô đơn nhường vậy. Ông cảm thấy bị ghét bỏ, bị khinh thường. “Chẳng ai biết chuyện gì đang xảy ra và cũng chẳng ai làm gì cả,” ông thầm nghĩ. Sau đó, Đức Chúa đã trò chuyện với ông, khi Kinh Thánh mở ra trang Thánh Vịnh.
“Tôi ngồi xuống sàn nhà lạnh lẽo, và tôi chỉ vừa mở cuốn Kinh Thánh,” ông kể. “Tôi vừa cầm nó trong tay, thì cuốn sách mở ra ngay Thánh Vịnh 109: ‘Bởi vì kẻ gian ngoa độc dữ mở miệng nhằm hại con, nói với con toàn lời dối trá, buông lời hằn học bủa vây con, tấn công con vô cớ.’”
“Tôi thốt lên, ‘Chúa biết mình đang trải qua những gì! Ngài biết hết. Mình không cô độc.’ Và tôi nghĩ, tôi đã trò chuyện với Ngài nhiều lần, tôi thì thầm, ‘Con chỉ muốn về nhà nếu đó là tất cả những gì ở đây dành cho con. Con chịu không nổi nữa. Con muốn trở về nhà. Con sẽ trở về nhà với Ngài ngay bây giờ. Xin hãy giúp con.’ Và sau đó tôi cầu nguyện rằng, ‘Nhưng Ngài biết không, con rất muốn gặp Sharon thêm một lần nữa.’”
Ngay đoạn sau trong Thánh Vịnh 109 viết rằng: “Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, xin thương phù hộ, xin lấy lòng nhân hậu cứu độ con, để chúng biết rằng chính Ngài, lạy Chúa, chính tay Ngài đã làm như vậy! Chúng cứ nguyền rủa đi, nhưng phần Ngài, xin Ngài giáng phúc. Chúng cứ việc nổi dậy chống con, chúng sẽ phải nhục nhằn xấu hổ: nhưng tôi tớ Ngài đây sẽ được vui mừng.”
Vài ngày sau đó, ông Caldwell đã ra điều trần trước Thẩm phán Địa hạt Hoa Kỳ Amit P. Mehta. Luật sư David Fischer đã lập luận một cách thuyết phục rằng ông Caldwell cần được thả ra khỏi nơi giam giữ.
“Thẩm phán Mehta, tôi tin rằng ông ấy đã cứu mạng tôi,” ông Caldwell nói, “bởi vì tôi bị suy nhược về thể chất. Tôi không còn lòng tự trọng, không gì cả. Tôi đã kiệt sức. Điều duy nhất tôi có chỉ là niềm tin le lói rằng Chúa Jesus luôn ở cạnh tôi.”
“Anh biết không, tôi đã thấy điều đó. Tôi đã thấy ánh sáng đó.”
“Chỉ vài ngày sau, tôi đã được ở trong vòng tay vợ trong màn đêm ở bãi đậu xe đó, vào ngày 12/03 năm ngoái.”
Các quan chức tại Nhà tù Khu vực Trung tâm Virginia đã không hồi đáp yêu cầu bình luận của The Epoch Times.
Bàn tay quan phòng
Ông Caldwell nói rằng ông đã nhìn thấy bàn tay quan phòng của Thiên Chúa nhiều lần trong quá trình thử thách của mình. Ông tin rằng luật sư Fischer đã được Thiên Chúa gửi đến cho ông, để giải cứu ông khỏi nhà tù và bảo vệ ông khỏi những cáo buộc phạm tội.
“Ông ấy lái xe đến đó và nói chuyện với tôi qua tấm kính chống đạn trong khoảng nửa giờ,” ông Caldwell nói. “Cuối cùng ông ấy nói với tôi rằng, ‘Ông Caldwell, nghe này, tôi bào chữa cho rất nhiều người trong hệ thống liên bang. Tôi đã gặp một vài người đã nói dối tôi để kiếm sống. Ông vô tội.’ Tôi đáp, ‘Vâng, đó là điều tôi đã cố gắng nói với tất cả mọi người.’”
Phải mất nhiều tuần ở nhà, ông Caldwell mới hết rùng mình vì cái lạnh của phòng giam. Một bên mắt cá chân của ông đã bị trợt da và sưng tấy vì những chiếc cùm thép.
Ông bắt đầu hồi phục. Trước hết là những vết thương về thể xác. Những tổn thương về tinh thần có thể là vĩnh viễn.
“Thế này nhé, tôi là một con người. Tôi không phải là một thứ gì đó mà các ông có thể tống vào một chiếc hộp và đẩy tôi đi và nhốt tôi lại. Các ông biết đấy, tôi có giá trị và tôi là một con người,” ông bày tỏ. “Và điều này là sai trái. Nhưng việc đó đã xảy ra, và vẫn đang xảy ra.”
“Và tôi thật may mắn, thật may mắn khi Chúa đã mang tôi ra ngoài. Tôi không biết tại sao. Tôi mãi mãi biết ơn. Tôi cảm thấy như mình được sinh ra một lần nữa vậy.”
Ông Caldwell cho biết ông lo lắng về việc các bị đơn khác trong sự kiện 06/01 vẫn đang phải ngồi tù, không được bảo lãnh tại ngoại trong hơn một năm qua. Ông hiểu những thứ họ phải đối mặt, ngày này qua ngày khác.
Ông nói: “Họ sẽ bị tổn thương về mặt tinh thần do rối loạn căng thẳng hậu sang chấn. Tôi muốn nói với anh rằng tôi đã mắc chứng rối loạn căng thẳng hậu sang chấn (PTSD) trước khi họ tống tôi vào đó rồi. Còn bây giờ tôi muốn nói với mọi người rằng tôi vừa mới mắc chứng rối loạn căng thẳng đây, bởi chẳng có ‘hậu’ nào cả. Đây là một phần của vấn đề. Áp lực đè nén mỗi ngày.”
‘Tà ác đã bủa vây tôi’
Ông Caldwell cho biết ông không tham gia vào bất kỳ kế hoạch nào của tổ chức Oath Keepers, để thực hiện bất cứ điều gì tại Điện Capitol vào hôm 06/01. Ông và người sáng lập của tổ chức Oath Keepers, ông Elmer Stewart Rhodes III đã gặp nhau trong chốc lát tại một cuộc tập hợp chính trị địa phương ở Virginia vào cuối tuần sau cuộc tổng tuyển cử tổng thống năm 2020, ông Caldwell cho biết. [Khi đó] ông Caldwell vừa bước xuống một xe cỏ khô sau khi đưa ra một vài nhận xét.
“Một người với chiếc băng bịt một mắt đã tiếp cận tôi và đó là ông Stewart Rhodes,” ông kể. “Ông ấy tự giới thiệu. … ‘Ông là một người tốt, tôi thích những gì ông đã nói.’” Và đó là cách tôi đã gặp ông Stewart Rhodes.
“Tôi biết là tôi đã nói với anh, nhưng thực sự cần phải nhấn mạnh, bởi vì chính phủ đã không ngừng bịa đặt về điều này. Tôi không phải là một thành viên của Oath Keepers. Ông ấy đã không cố gắng chiêu mộ tôi. Không ai hối thúc tôi như hội huynh đệ Tau Kappa Epsilon ở Đại học Louisville. Việc đó không hề xảy ra.”
Khi cùng với vợ và luật sư chuẩn bị để bào chữa cho mình, ông Caldwell có thời gian để suy ngẫm về 14 tháng qua. Ngay cả khi thời gian trôi qua, ông nói, những trải nghiệm mà ông đã trải qua thật vẫn không thể tin nổi. Ông gọi đó là “câu chuyện kinh dị Mỹ” của mình. Đó không phải là điều mà ông hình dung có thể xảy ra ở Mỹ.
“Tôi yêu đất nước của chúng ta. Tôi không thể hiểu được làm thế nào mà điều này lại đang diễn ra tại đây. Đây là, đây là Đức Quốc Xã vào những năm 30. Đây là Josef Stalin,” ông Caldwell bày tỏ. “Đây là Venezuela. Đây là Cuba. Anh biết đấy, theo một cách nào đó, điều này hơi giống với cách mà ông Ferdinand Marcos đã điều hành Philippines. Đây là Pol Pot. Đây hoàn toàn là tà ác. Tà ác đã bủa vây tôi.”
Khi nỗ lực để lấy lại sức khỏe và danh tiếng của mình, ông Caldwell chuyển sự tập trung của mình sang việc giữ lại di sản của gia đình.
“Tôi hy vọng chúng tôi sẽ không đi đến kết cục đánh mất trang trại của mình. Trang trại là thứ cuối cùng mà chúng tôi sở hữu có giá trị về tiền bạc,” ông cho biết. “Tôi và Sharon không phải là những người giàu có chuyển đến sống ở vùng quê này và sở hữu một trang trại và một dinh cơ McMansion. Đây là tài sản mà tôi đã làm việc từ thuở ấu thơ, bên cạnh cha mẹ mình, những người giờ đang ở thiên đàng, và người chị gái góa bụa của tôi.”
Với nhiều điều không thể để mất đến vậy, ông Caldwell thừa nhận đã có lúc ông sẵn sàng từ bỏ cuộc chiến, nhận tội, để giữ lại trang trại của gia đình.
“Đây là nơi lưu giữ ký ức về cuộc sống của gia đình chúng tôi. Đây là nơi chúng tôi thuộc về. Và thực sự họ không có quyền tước đoạt thứ này của chúng tôi,” ông nói. “Nhưng như Sharon đã nói với tôi, bà ấy nói rằng, ‘Anh không cần nhận tội cho bất cứ điều gì.’ Và tôi nói, ‘Không, anh sẽ nhận tội.’”
“Bà ấy nói, ‘Anh không cần phải chịu một thỏa thuận nhận tội. Em không quan tâm nếu chúng ta phải sống ở phía sau một cái xe. Chúng ta sẽ chiến đấu đến cùng.’”
“Và quý vị còn muốn gì hơn một người phụ nữ Công Giáo xinh đẹp, giàu tình thương với những suy nghĩ như thế?”
Ông Joseph Hanneman là một phóng viên của The Epoch Times chuyên đưa tin về vụ xâm nhập Điện Capitol hôm 06/01 và những hậu quả của nó; và các tin tức chung ở tiểu bang Wisconsin. Trong sự nghiệp gần 40 năm, các bài viết của ông đã được xuất bản trên Catholic World Report, Racine Journal Times, Wisconsin State Journal và Chicago Tribune. Quý vị có thể liên lạc với ông tại: [email protected].
(*) Chú thích: Dịch giả trích dẫn bản dịch Thánh Vịnh 109 từ trang web Đức Mẹ La Vang Las Vegas
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: