Cựu quan chức văn hóa: Bắc Kinh sử dụng ‘lệnh cấm nội dung Nam Hàn’ để thao túng chính trị Nam Hàn
Trong một câu chuyện ngoại giao trường kỳ đang diễn ra kể từ năm 2017, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thực thi một luật bất thành văn đó là “Lệnh cấm Nội dung Nam Hàn” như một sự trả đũa đối với việc Nam Hàn lắp đặt hệ thống phòng thủ hỏa tiễn THAAD. Mặc dù đã nới lỏng một số giới hạn vào năm 2021, ĐCSTQ gần đây đã tăng cường các hạn chế. Hồi tháng Hai năm nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Hàn cho biết rằng chính quyền Trung Quốc đã đình chỉ vô thời hạn tất cả các giấy phép mới cho các bộ phim chính kịch truyền hình (TV drama) của Nam Hàn.
Hôm 06/10, ông Ahn Cheol-soo, thành viên Ủy ban Thống nhất và Đối ngoại của Quốc hội Nam Hàn, đồng thời là thành viên của Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) cầm quyền, đã tiết lộ dữ liệu từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Hàn.
Theo dữ liệu này, từ tháng 01 đến tháng 02/2022, Cục Phát thanh, Điện ảnh, và Truyền hình Nhà nước Trung Quốc (SARFT) đã phê chuẩn giấy phép cho 18 bộ phim chính kịch Nam Hàn, bao gồm các tựa phim nổi tiếng như “What’s Wrong with Secretary Kim” (Thư ký Kim sao thế), “Hospital Playlist” (Những bác sĩ tài hoa), và “HomeTown Cha-cha-cha” (Điệu Cha-Cha-Cha làng biển). Tuy nhiên, kể từ đó, các phê chuẩn tiếp theo đã bị tạm dừng.
Thông tin này còn cho thấy rằng mặc dù các mạng lưới truyền hình Nam Hàn đã đạt được thỏa thuận bản quyền với các đối tác Trung Quốc tại Liên hoan truyền hình Thượng Hải hồi tháng Sáu, nhưng hoạt động kinh doanh như thường lệ vẫn không thể tiếp tục.
Trước kia, mỗi năm có ba đến năm bộ phim Nam Hàn lọt vào rạp chiếu phim Trung Quốc trước khi xảy ra mớ hỗn độn của THAAD. Sau một lệnh cấm kéo dài, bộ phim “Oh! My Gran” (Bà tôi là công chúa) đã ra mắt tại Trung Quốc vào tháng 12/2021. Đáng chú ý, sau hội nghị thượng đỉnh tháng 11/2022 giữa nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol, trang web Tencent Video đã trở thành nền tảng phát nội dung phim và truyền hình trực tuyến (OTT) đầu tiên của Trung Quốc sau sáu năm bộ phim Nam Hàn “Hotel by the River” (Khách sạn bên sông) được lên sóng. Kể từ đó, không còn bản phát hành nào được phê chuẩn.
Về các trò chơi điện tử, ĐCSTQ cũng đã ngừng cấp số hiệu phiên bản — các giấy phép nhập cảng và dịch vụ hữu hiệu — hồi tháng Tư. Trước khi THAAD được khai triển vào năm 2016, thị trường Trung Quốc đã chào đón 35 trò chơi điện tử của Nam Hàn. Con số đó đã giảm mạnh xuống còn 6 trò chơi vào năm 2017 và ngưng hoàn toàn trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến năm 2019. Một sự hồi sinh nhẹ đã xảy ra từ năm 2020 đến năm 2022, với việc lần lượt 1, 2, và 7 trò chơi được chấp thuận.
THAAD (Hệ thống Phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối) là một hệ thống chống hỏa tiễn do Hoa Kỳ thiết kế và sản xuất, được lắp đặt ở Nam Hàn từ năm 2016 đến năm 2017 như một bức tường thành chống lại một cuộc tấn công tiềm tàng bằng hỏa tiễn của Bắc Hàn. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã khẳng định rằng việc khai triển THAAD sẽ ảnh hưởng tới an ninh Trung Quốc nên đã áp dụng hàng loạt biện pháp đối phó cũng như tẩy chay Nam Hàn.
Một bản tin của Chosun Ilbo (Chosun Nhật Báo) suy đoán rằng ĐCSTQ đang sử dụng các biện pháp trừng phạt văn hóa làm đòn bẩy đối với Nam Hàn, khi nước này củng cố liên minh với Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Mặc dù chính thức phủ nhận sự tồn tại của “Lệnh cấm Nội dung Nam Hàn,” ĐCSTQ vẫn liên tục hạn chế xuất cảng văn hóa Nam Hàn kể từ năm 2017 như một biện pháp trừng phạt đối với việc lắp đặt THAAD.
Ông Han Mino, một cựu quan chức Bộ Văn hóa Nam Hàn và là đại diện của Chiến dịch Quảng bá Sự thật của Viện Khổng Tử, cho rằng ĐCSTQ sử dụng lệnh cấm nhằm mục đích gieo rắc mối bất hòa giữa chính phủ Tổng thống (TT) Yoon và người dân Nam Hàn. Ông cho rằng ĐCSTQ đang báo hiệu rằng việc Nam Hàn tuân theo các chính sách của Hoa Kỳ và Nhật Bản đã gây nguy hại cho việc xuất cảng văn hóa của nước này sang Trung Quốc.
Ông Han nhấn mạnh thêm rằng lập trường ngoại giao của Nam Hàn đối với Trung Quốc gắn bó chặt chẽ với chính sách của Hoa Kỳ. Với triển vọng ít ỏi về việc cải thiện quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc, ông Han thấy rất ít hy vọng về việc bãi bỏ “Lệnh cấm nội dung Nam Hàn,” và bác bỏ những hy vọng ngây thơ mà một số người Nam Hàn kỳ vọng về việc dỡ bỏ lệnh này.
Sự thân cận của ông Yoon với Hoa Kỳ và Nhật Bản khiến Bắc Kinh khó chịu
Kể từ khi nhậm chức, TT Yoon ngày càng hợp tác với Hoa Kỳ và Nhật Bản, củng cố một liên minh ba bên vốn đã vững mạnh, khiến ĐCSTQ khó chịu rõ ràng.
Đầu năm nay, hồi tháng Ba, TT Yoon đã thực hiện một bước đi chưa từng có tiến tới việc xây dựng lại bang giao với Nhật Bản, nối lại mối “ngoại giao con thoi” đã im lìm hơn một thập niên.
Sau đó, hôm ngày 26/04, sau hội nghị thượng đỉnh cao cấp với TT Hoa Kỳ Joe Biden, ông Yoon đã đưa ra tuyên bố chung xác nhận rằng Nam Hàn đồng thuận với Hoa Kỳ về chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Chiến lược này, chủ yếu nhằm mục đích kiềm chế ĐCSTQ, đã nhận được cam kết mạnh mẽ từ cả hai nhà lãnh đạo. Tuyên bố này đặc biệt nhấn mạnh “hòa bình và ổn định trên Eo biển Đài Loan là yếu tố không thể thiếu cho an ninh và thịnh vượng trong cộng đồng quốc tế.” Tuyên bố cũng dứt khoát lên án bất kỳ yêu sách hàng hải bất hợp pháp nào, việc quân sự hóa các đảo nhân tạo, và những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng, đặc biệt thông qua các biện pháp cưỡng bách.
Hơn nữa, hôm 18/08, hội nghị thượng đỉnh lịch sử tại trại quân sự Camp David, với sự tham gia của TT Yoon, TT Biden, và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã đánh dấu sự ra đời của một kỷ nguyên hợp tác toàn diện chống lại cả Bắc Hàn và ĐCSTQ.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times