Cựu quan chức Ngũ Giác Đài: Trung Cộng đặt ra ‘mối đe dọa nội gián’ đối với các công ty Hoa Kỳ
Một cựu quan chức Ngũ Giác Đài đã cảnh báo rằng Trung Cộng đang cử người thâm nhập vào các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Ngoài ra, cựu quan chức này cho biết, Bộ Quốc phòng cần làm tốt hơn nữa việc hợp tác với ngành công nghệ để ngăn chặn Trung Quốc đạt được vị thế thống trị trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Ông Nicolas Chaillan, cựu giám đốc phần mềm của Lực lượng Không quân và Vũ trụ Hoa Kỳ nói rằng, “Thực tế là Trung Cộng đang gửi rất nhiều người đến các trường đại học và các công ty sáng tạo nhất của chúng ta. Và có một nguy cơ rất lớn về sự xâm nhập dữ liệu từ bên trong.”
Ông nói thêm, “Mối đe dọa nội gián có lẽ là mối đe dọa bị đánh giá thấp nhất trong tất cả các tổ chức hàng đầu này về mặt thương mại.”
Các bình luận này đã được đưa ra trong lần xuất hiện trên chương trình “Những nhà lãnh đạo tư tưởng Hoa Kỳ” (“American Thought Leaders”) của EpochTV được phát sóng hôm 16/10 lúc 7 giờ tối, sau khi ông Chaillan rất công khai từ chức Giám đốc phần mềm đầu tiên của Ngũ Giác Đài.
Ông Chaillan nói rằng vấn đề quan trọng trong việc giảm thiểu mối đe dọa nội gián trong tương lai sẽ là cân bằng giữa mức độ thận trọng thích hợp đối với những người có quan hệ với Trung Cộng, trong khi vẫn duy trì các giá trị dân chủ của Hoa Kỳ.
Ông Chaillan nói: “Đó là một vấn đề thực sự và không có nhiều giải pháp. Quý vị không muốn bắt đầu nói rằng ‘chúng ta sẽ không cho phép những người này đóng góp cho xã hội.’ [Bởi] chúng ta cần những tài năng đó.”
Để đạt được mục tiêu đó, ông Chaillan nói rằng nhân tố quan trọng trong việc bảo vệ ngành công nghiệp Hoa Kỳ sẽ là nỗ lực để cắt đứt một cách hiệu quả sự phụ thuộc và các liên kết của người lao động tại Hoa Kỳ với Trung Cộng. Chính sách hiện tại của Hoa Kỳ cấm các thành viên Trung Cộng nhập cư vào Hoa Kỳ.
Ông Chaillan nói, “Nếu họ sẵn lòng đến và tạo ra sự khác biệt, họ thực sự có thể trở thành tài sản có giá trị bằng cách cung cấp thêm thông tin chi tiết về quốc gia của họ. Vì vậy, tôi nghĩ giải pháp sẽ phải chỉ ra bằng cách nào chúng ta giúp họ mang gia đình đi cùng và cố gắng loại bỏ những yếu tố phụ thuộc hoặc những tác dụng phụ hay rủi ro mà nó có thể lan ra nhanh chóng này. Quý vị cần phải chủ động.”
“Tại một số thời điểm, thì đó là một canh bạc, nhưng đôi khi không làm sẽ có nhiều rủi ro hơn là có làm điều đó.”
‘Chúng ta đang thua trong trận chiến này’
Ông Chaillan cũng nói rằng khả năng của Trung Cộng trong việc kiểm soát các công ty có trụ sở tại Trung Quốc và tận dụng công nghệ của họ là yếu tố then chốt khiến ông quyết định từ chức khỏi Bộ Quốc phòng.
Ông Chaillan nói: “Trung Quốc đang phát triển, dẫn đầu đường đua bằng cách yêu cầu các công ty của họ phải hợp tác với họ. Đó là một thách thức lớn và tại một số thời điểm, tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nâng cao báo động bởi vì chúng tôi đang thấy rằng chúng ta đang thua trong trận chiến này.”
“Trung Quốc hiện đang dẫn đầu, họ đã dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực đó nhờ việc áp dụng công nghệ từ các công ty của họ. Đó là sự khác biệt.”
Ông Chaillan giải thích rằng sự thiếu minh bạch giữa Ngũ Giác Đài và khu vực công nghệ tư nhân đã khiến ngành công nghiệp giảm mong muốn làm việc với chính phủ và rằng việc không có khả năng tận dụng công nghệ của khu vực tư nhân đang cản trở nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc cạnh tranh với Trung Quốc.
Ông Chaillan nói: “Cuối cùng, tất cả các công ty Hoa Kỳ đều đứng ra chống lại Trung Quốc, nhưng chúng tôi [Bộ Quốc phòng] không có quyền truy cập vào công nghệ đó. Vì vậy, điều đó khiến chúng tôi bị tụt hậu bởi vì, thực tế là, chúng tôi không thể hợp tác và cạnh tranh cùng lúc với một đất nước khổng lồ với 1.5 tỷ người đang không chờ đợi chúng ta tỉnh giấc.”
Hợp tác công nghệ của Hoa Kỳ với Trung Quốc
Sự thiếu trao đổi liên lạc đó và đôi khi là văn hóa thù địch đối với quân đội trong các công ty công nghệ lớn đã trở thành một vấn đề trong những năm gần đây.
Có lẽ ví dụ đáng chú ý nhất về điều này là khi Google chọn không tiếp tục hợp đồng với chính phủ nhằm cải thiện độ chính xác của máy bay không người lái bằng cách tận dụng AI và dữ liệu lớn, nhưng vẫn tiếp tục phát triển các tài nguyên AI được cho là có lợi cho Trung Cộng.
Động thái này, và những động thái khác, đã bị chỉ trích như là một sự hợp tác hiệu quả giữa Trung Cộng và lực lượng quân sự của nó, Quân đội Giải phóng Nhân dân .
Nhiều công ty bao gồm Apple, Google, IBM và Microsoft đều vẫn duy trì các phòng thí nghiệm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) ở Trung Quốc đại lục, nơi Trung Cộng có thể tận dụng luật an ninh quốc gia để buộc các công ty đó giao nộp bí mật thương mại bất cứ lúc nào.
Các chuyên gia bảo mật kể từ đó đã kêu gọi một lệnh cấm chuyển giao AI cho Trung Quốc để giúp giảm thiểu rủi ro gây ra cho Hoa Kỳ bởi các chính sách như vậy, nhưng ông Chaillan nói rằng điều thực sự cần thiết là một cuộc kiểm tra nghiêm túc hơn về những nhân sự đang làm việc trong lĩnh vực công nghệ, và một sự đầu tư mới cho việc phát triển các nền tảng hướng tới kết quả trong quân đội Hoa Kỳ.
Ông Chaillan nói: “Chúng ta phải chú ý xem ai đang làm việc cho một số trong các công ty này.”
“Nhưng điều rất quan trọng là chúng ta phải dừng các báo cáo về ngân sách tài trợ. Chúng ta phải yêu cầu Quốc hội ngừng việc liên tục quay lại Bộ Quốc phòng và yêu cầu bộ phải chi thêm tiền để viết báo cáo.”
“Chúng ta cần những hành động. Chúng ta cần kết quả. Chúng ta cần giá trị hữu hình đối với người tham chiến.”
Vì mục tiêu đó, hoạt động của ông Chaillan tại Ngũ Giác Đài bao gồm việc phát triển và triển khai mô hình làm việc cho Bộ Chỉ huy và Kiểm soát Chung Toàn Miền (JADC2), một mạng lưới liên ngành kết hợp các cảm biến từ Không quân, Lục quân, Thủy quân lục chiến, Hải quân, và Lực lượng Không gian.
Việc bất ngờ hủy bỏ tài trợ cho JADC2, được các quan chức Không quân mô tả là “tốt nhất”, chỉ vài tháng trước, là một yếu tố chính khiến ông Chaillan rời Bộ Quốc phòng.
Nắm bắt cơ hội
Tuy nhiên, mặc dù ông Chaillan tin rằng cánh cửa cơ hội để tránh thất bại trong cuộc chiến AI với Trung Quốc đang nhanh chóng khép lại đối với Hoa Kỳ, nhưng ông vẫn khẳng định rằng không phải tất cả hy vọng đã mất.
Ông Chaillan nói: “Tôi không tin rằng chúng ta đã thua. Những gì tôi đã nói là nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ, và không tỉnh giấc ngay lập tức, và không phải trong 5 đến 10 năm nữa như một số báo cáo của Ngũ Giác Đài đang nói, nhưng nếu chúng ta không có lập trường ngay bây giờ và không hành động, chúng ta sẽ không có cơ hội chiến đấu để chiến thắng trong 10 đến 15 năm kể từ bây giờ.”
“Tốc độ ứng dụng các AI tăng theo cấp số nhân theo thời gian, do đó, một cách thực tế, quý vị sẽ có một tình huống ở một điểm mà quý vị vượt qua điểm đó thì không thể quay lại. Quý vị sẽ không thể bắt kịp nữa.”
Theo đó, ông Chaillan cho rằng Bộ Quốc phòng phải làm nhiều hơn nữa để khuyến khích tư duy đổi mới và chấp nhận rủi ro trong hàng ngũ của mình, cũng như tăng cường tính minh bạch với các nhà thầu khu vực tư nhân.
Ông Chaillan nói: “Quý vị biết đấy, tôi nghĩ rằng vấn đề là không có phần thưởng cho việc chấp nhận rủi ro. Về mặt thương mại, nếu quý vị làm tốt quý vị sẽ nhận được tiền thưởng, quý vị sẽ nhận được điểm cao, phải không? Trong chính phủ, thực sự là an toàn hơn khi không chấp nhận [rủi ro], bởi vì quý vị có nhiều cơ hội vươn lên hơn nếu quý vị không gây ồn ào, ngay cả khi quý vị có một chương trình lớn không thành công.”
Ông Chaillan nói thêm: “Không có ai đã phải chịu trách nhiệm khi có sự cố xảy ra. Thực tế là, khi có điều gì đó không ổn, rất có thể điều đó sẽ bị coi là thông tin mật và chúng ta không thể nói về nó.”
Khi được yêu cầu bình luận về nhận xét của ông Chaillan, Bộ Quốc phòng đã chuyển The Epoch Times đến các bình luận của tham vụ báo chí John Kirby trong một cuộc họp báo hôm 12/10.
Ông Kirby cho biết: “[Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin] đã biết rất rõ về những lo ngại của chúng ta về mong muốn của Trung Quốc để đạt tiến bộ trong lĩnh vực này và ông ấy đã tập trung và chúng tôi vẫn tập trung vào việc nâng cao năng lực AI một cách có trách nhiệm, trong mối quan hệ đối tác chặt chẽ với ngành công nghiệp cùng giới học thuật và xây dựng một lực lượng nhân sự tài năng và đủ năng lực về kỹ thuật số.”
“Những gì tôi có thể nói với quý vị là chúng tôi nhận thức về tầm quan trọng của AI như một công nghệ và như một năng lực và Bộ trưởng đã nói về điều này và chúng tôi đã đầu tư khá nhiều nỗ lực và công sức để đảm bảo rằng chúng tôi có thể phát triển công nghệ AI theo một một cách có trách nhiệm.”
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên tự do chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng và an ninh. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich và là tác giả của bản tin Quixote Hyperdrive.
Ông Jan Jekielek là Biên tập viên Cao cấp của The Epoch Times và là người dẫn chương trình “Các Nhà Lãnh Đạo Tư Tưởng Hoa Kỳ.” Sự nghiệp của ông Jan đã trải dài trên các lĩnh vực học thuật, truyền thông, và nhân quyền quốc tế. Năm 2009, ông tham gia The Epoch Times toàn thời gian và đã đảm nhận nhiều vai trò khác nhau, bao gồm cả vị trí Tổng Biên tập Trang web. Ông là nhà sản xuất của bộ phim tài liệu về Holocaust từng đạt giải thưởng “Đi tìm Manny.”
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: