Hoa Kỳ nên chơi ‘ván cờ’, không phải trò chơi tiền bạc trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc
Một cựu quan chức chính phủ Tổng thống Reagan cho biết Hoa Kỳ nên áp dụng một chiến lược công nghệ “tấn công-phòng thủ” thay vì “danh sách mua sắm”.
Một cựu quan chức chính phủ cựu Tổng thống (TT) Reagan cảnh báo rằng Hoa Kỳ hiện đang rất cần một nền tảng khái niệm về Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược của Tổng thống (TT) Ronald Reagan hơn bao giờ hết, khi đối mặt với các mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ-Trung Cộng).
Ông Michael Sekora, giám đốc của Project Socrates, từng là một chương trình tuyệt mật, cho biết tổ chức này có mục tiêu tìm ra nguyên nhân khiến nước Mỹ suy yếu – về mặt quân sự và kinh tế – và lật ngược tình thế.
“Khi thành lập Socrates, chúng tôi đã có hai sứ mệnh,” ông Michael Sekora cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times hồi tháng Sáu. “Thứ nhất, xác định nguyên nhân căn bản thực sự dẫn đến sự suy giảm kinh tế và quân sự của Hoa Kỳ; và thứ hai, một khi hiểu được nguyên nhân căn bản này, chúng tôi sẽ khai triển các biện pháp để đảo ngược sự suy giảm đó nhằm bảo đảm vị thế siêu cường của Hoa Kỳ trong nhiều thế hệ.”
Là giám đốc của tổ chức Socrates, ông Sekora đã có trong tay các nguồn lực từ ủy ban tình báo, giới học viện, và các tổ chức nghiên cứu tân tiến trong ngành, giúp ông có một “cái nhìn tổng thể” về toàn cảnh các công nghệ quan trọng mang tính chiến lược nhất vào thời điểm này.
“Tôi quan sát Nhật Bản, tôi quan sát Liên Xô, tôi quan sát người Pháp, tôi quan sát người Đức … tôi thấy điều gì đó thú vị,” ông Sekora giải thích. “Về căn bản ở cấp độ quốc gia, họ đang tác động đến các luồng công nghệ trong và ngoài nước, theo hướng tấn công và phòng thủ.”
Đó là khi ông Sekora và nhóm của ông đề xướng chương trình Socrates, mà ông gọi là chiến lược chơi một “ván cờ” trong khai thác công nghệ, cho các cố vấn thân cận nhất của cựu TT Reagan và sau đó là chính cựu TT Reagan.
Ông Sekora nói với The Epoch Times rằng đó không phải là một kế hoạch quy hoạch tập trung hay một chính sách công nghiệp; Socrates là một chiến lược toàn xã hội đặt ưu thế công nghệ làm mục tiêu trung tâm.
Ông Sekora cho biết, sau đó ông và nhóm của mình đã chứng minh với cựu TT Reagan, bằng cách áp dụng khuôn khổ Socrates cho Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược, rằng chương trình sẽ là một tác nhân thay đổi cuộc chơi khi được khai triển trên toàn quốc đồng thời phù hợp với các nguyên tắc sáng lập của Hoa Kỳ về tự quản và tự doanh.
“Đó là lý do tại sao cựu TT Reagan yêu thích Socrates,” ông Sekora nói và cho biết thêm rằng cựu TT Reagan đã có một sắc lệnh được soạn thảo vào gần cuối nhiệm kỳ tổng thống của ông ấy để khai triển chương trình Socrates khắp Hoa Kỳ nhưng đã bị TT George H. W. Bush hủy bỏ.
Một Mỹ quốc đang suy yếu
Theo ông Sekora, Project Socrates ra đời vì chính phủ cựu TT Reagan nhận thấy Hoa Kỳ đang bị các đối thủ cạnh tranh thay thế về sức mạnh kinh tế và công nghệ sau Đệ nhị Thế chiến.
“Khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc … Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất còn lại có khả năng đáp ứng nhu cầu của thế giới,” ông Sekora nói. “Vì vậy, các yêu cầu để thực sự tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có tính cạnh tranh đã biến mất.”
Ông Sekora giải thích rằng sự thiếu cạnh tranh này đã dẫn đến việc các công ty có trụ sở tại Hoa Kỳ đã chuyển phương thức hoạt động của họ từ việc định hướng quy hoạch tập trung vào công nghệ sang quy hoạch dựa trên tài chính.
“Trong việc quy hoạch dựa trên tài chính, nền tảng của tất cả việc ra quyết định là tối ưu hóa việc sử dụng tiền,” ông Sekora nói. “Quý vị bắt đầu bằng tiền, quý vị kết thúc bằng tiền. Đó là bằng MBA tại Trường Kinh doanh Harvard.”
Trong khi đó, một xã hội với quy hoạch công nghệ tập trung vào việc ra quyết định xung quanh việc “khai thác” công nghệ hiện tại và tương lai theo một cách thức phối hợp và mang tính chiến lược sẽ hướng dẫn việc phân phối tiền bạc, nhân lực, và nguồn lực sao cho phù hợp, ông Sekora giải thích.
Ông cho biết với các nguồn lực trong cộng đồng tình báo, các trung tâm thông tin nguồn mở, và hỗ trợ nghiên cứu trong ngành, ông đã có một “cái nhìn tổng thể” về thành tích của các đối thủ cạnh tranh của Hoa Kỳ, trong đó có Nhật Bản, Liên Xô và Trung Quốc, trong lĩnh vực thương mại-quân sự.
Ông nói rằng các quốc gia này đều đang sử dụng hoặc bắt đầu sử dụng quy hoạch tập trung vào công nghệ trong xã hội mang lại cho họ một lợi thế mang tính quyết định so với hệ thống định hướng quy hoạch tài chính của Hoa Kỳ.
Đề cập đến cuộc cạnh tranh thương mại trong thế kỷ 20 của Hoa Kỳ với Nhật Bản, ông Sekora nói: “Trở lại những năm đầu thập niên [1980], chúng ta đang đánh mất hết ngành này đến ngành khác vào tay Nhật Bản.” Ông cho biết thêm rằng, trong khi các công ty như General Motors đang xem xét tỷ suất lợi nhuận, các công ty Nhật Bản đang mua lại các ngành công nghiệp một cách có hệ thống và có chiến lược với mục tiêu trọng tâm là đạt được vị trí dẫn đầu về công nghệ vượt lên Hoa Kỳ.
Theo ông, các giải pháp được các nhà tư vấn và các nhà hoạch định chính sách đề xướng vào thời điểm đó, là “những lời nói đùa” chỉ gồm các giải pháp “sơ cứu tạm thời.”
Ngày nay, ông Sekora cho biết, những người ra quyết định ở Hoa Kỳ cũng đang mắc sai lầm tương tự với Trung Quốc.
‘Nguy hiểm’
Theo ông Sekora, cách tiếp cận toàn xã hội của Trung Cộng đối với chiến lược công nghệ có hình thức tương tự như chiến lược của Nhật Bản trong thế kỷ 20, nhưng đe dọa nhiều hơn đối với Hoa Kỳ.
Ông cho biết, “Chiến lược công nghệ quốc gia của Trung Quốc đang giải quyết tất cả các lĩnh vực cạnh tranh – quân sự, kinh tế, chính trị, xã hội.:
Ông mô tả cách chiến lược công nghệ của Trung Quốc hoạt động trong một hệ thống hai tầng. Một tầng bao gồm ĐCSTQ, vốn hợp tác chặt chẽ và trực tiếp, sẽ chỉ huy các công ty lớn như Huawei giành các lợi thế trong sân chơi công nghệ — sử dụng các phương thức bất hợp pháp, chẳng hạn như đánh cắp công nghệ và cả [phương thức] hợp pháp, chẳng hạn như mua lại các công ty công nghệ với mục tiêu chính là chiếm được công nghệ của họ, cũng như bất kỳ thứ gì giữa hai phương thức đó.
Tầng còn lại bao gồm phần còn lại của hệ sinh thái công nghệ ở Trung Quốc, nơi các công ty nhỏ hơn sẽ tiếp bước những công ty lớn. Bằng cách đó, cả hai cấp sẽ hoạt động đồng thời để nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia về công nghệ – và tiếp đến là về kinh tế.
Việc khai thác công nghệ có ý nghĩa này, kết hợp với một xã hội được quy hoạch tập trung hiệu quả – luẩn quẩn nhưng hiệu quả – khiến Trung Quốc trở nên “nguy hiểm,” ông Sekora nói.
‘Ván cờ’
Ông Sekora tin rằng để giành lại một lợi thế cạnh tranh về công nghệ trước Trung Quốc, Hoa Kỳ phải trải qua một sự thay đổi mô hình trong cách suy nghĩ và cách tiếp cận chiến lược công nghệ, và trở nên chiến lược hơn.
Ông cho biết, hiện tại, Hoa Kỳ đang đổ tiền vào nghiên cứu và phát triển nền tảng mà không cần suy nghĩ quá nhiều về việc nghiên cứu nền tảng này mang lại cho quốc gia lợi thế cạnh tranh về công nghệ như thế nào.
Ông tin rằng cách tiếp cận của Hoa Kỳ sẽ không hiệu quả với Trung Quốc bởi vì thay vì là một chiến lược công nghệ, ông mô tả đó là một “chiến lược tài chính dành cho công nghệ.”
“Các cuộc tấn công tổng hợp này của Trung Quốc, gồm kinh tế, quân sự, xã hội, chính trị, mọi thứ khác, chỉ có thể được giải quyết [bằng] cùng một cách tiếp cận tích hợp từ Hoa Kỳ,” ông Sekora nói.
Thay vào đó, ông đề xướng trong Project Socrates, vốn được sắc lệnh của cựu TT Reagan chấp thuận và chỉ định, là thành lập một Ban Chiến lược Công nghệ Quốc gia.
Cơ quan này sẽ bao gồm đại diện từ tất cả các lĩnh vực chiến lược ở Hoa Kỳ, trong đó có các lĩnh vực quân sự, tài chính và thương mại, và sẽ đưa ra hướng dẫn cho ngành về các ưu tiên chiến lược-công nghệ hiện tại của quốc gia.
Ông cho biết, điều khác biệt giữa đề xướng này so với đề xướng được chính quyền Trung Quốc thông qua, là cơ quan này sẽ cho phép các tổ chức của Hoa Kỳ thuộc mọi quy mô hoạt động trong “các mối quan hệ cộng sinh” với sự hướng dẫn chung từ cấp trên thay vì là một cấu trúc do chính phủ chỉ huy.
Cơ quan này sẽ tạo ra cái mà ông Sekora gọi là một “không gian công nghệ bốn chiều”, một cơ sở dữ liệu về tất cả các khả năng công nghệ hiện tại và tương lai của Hoa Kỳ và các đối thủ của họ.
Cơ sở dữ liệu này sẽ đưa ra các cơ hội, các rủi ro, và các hạn chế trong phát triển công nghệ từ một góc nhìn tổng thể – một “góc nhìn tổng thể” giữa các ngành, các lĩnh vực, tương tự như những gì ông Sekora đã có khi ông thành lập Project Socrates.
Các tổ chức cá nhân, từ các tập đoàn lớn đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sẽ có thể quan sát không gian công nghệ này và “trò chơi chiến tranh” tương ứng, ông Sekora nói. Một trò chơi chiến tranh như vậy sẽ bao gồm các chiến lược như ngăn chặn chuyển giao và đánh cắp công nghệ, đạt được hiệu quả bằng cách phát triển công nghệ chung, và tối ưu hóa các nguồn lực để phù hợp với các ưu tiên phát triển công nghệ quốc gia.
Do đó, các tổ chức này sẽ có thể phối hợp cùng nhau trong “các mối quan hệ cộng sinh” một cách chặt chẽ, linh hoạt và độc lập, giờ đây họ nhận thức rõ hơn về các ưu tiên được ban công nghệ quốc gia này hướng dẫn và bối cảnh cạnh tranh đặt ra, ông cho biết.
Hiện tại, ông Sekora đang làm việc với các thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ để đề xướng phiên bản hiện đại của Project Socrates, một kế hoạch mà ông gọi là “Cuộc cách mạng Đổi mới Tự động của Socrates.”
“Đó là một ván cờ của công nghệ … chơi cả tấn công lẫn phòng thủ,” ông nói. “Điểm mấu chốt là, chúng ta đang trong một cuộc chiến tranh lạnh với Trung Quốc. Cuộc chiến này đang được khai thác hoặc đang được thực thi trong không gian công nghệ. Không gian công nghệ là nền tảng của mọi lợi thế cạnh tranh.”
Ông Sekora cho biết chiến thắng trong không gian này là “cách duy nhất” mà Hoa Kỳ có thể thắng Trung Quốc.
Anh Gary Bai là phóng viên của Epoch Times Canada, đưa tin về Trung Quốc và Hoa Kỳ.