Cựu Phó Chánh án Trung Quốc bị điều tra vì tình nghi vi phạm pháp luật nghiêm trọng
Cơ quan giám sát chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đưa một quan chức cao cấp khác của đảng vào diện điều tra vì bị tình nghi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, mà không đưa ra cáo buộc cụ thể nào. Thông báo này được đưa ra hôm 21/03 trên trang web của Ủy ban Kỷ luật Trung ương.
Ông Thẩm Đức Vịnh (Shen Deyong), 68 tuổi, ủy viên đương nhiệm của Ủy ban Thường vụ Ủy ban Toàn quốc lần thứ 13 của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, là quan chức cấp bộ đầu tiên bị đưa ra truy xét trong năm 2022.
Ông Thẩm đã làm việc tại Tối cao Pháp viện gần 20 năm. Ông là phó Chánh án của tòa án này và làm thẩm phán cấp I trong 10 năm cho đến khi bị cách chức vào năm 2018.
Ngay sau thông báo này, Tối cao Pháp viện đã ngay lập tức đưa ra một tuyên bố ủng hộ cuộc điều tra này. Tuyên bố này nói rằng ông Thẩm đã phá hoại hình ảnh của Tối cao Pháp viện, cơ quan tư pháp, và lòng tin của công chúng. Tuyên bố này kêu gọi các quan chức khác hãy “rút kinh nghiệm từ bài học của ông Thẩm, quản lý bản thân, gia đình và cấp dưới của mỗi người sao cho hợp cách.”
Nhân tố kích hoạt tiềm năng cho việc điều tra ông Thẩm
Ủy ban Kỷ luật Trung ương đã không công bố bất cứ chi tiết nào về việc ông Thẩm bị cáo buộc là “vi phạm pháp luật.” Hôm 22/03, kênh truyền thông Tài Tân của Trung Quốc đã đưa tin rằng các cựu thư ký của ông Thẩm tại Tối cao Pháp viện và một số thành viên gia đình đã được triệu tập để hỗ trợ cuộc điều tra này.
Theo một số hãng thông tấn tại Trung Quốc Đại lục, bao gồm cả Tài Tân, một cuộc tranh chấp cổ phần có liên quan đến một công ty luật do cựu thư ký tại Tối cao Pháp viện của ông Thẩm đứng đầu có thể đã kích hoạt cuộc điều tra này.
Vào năm 2015, vụ kiện tranh chấp quyền sở hữu cổ phần của công ty Bảo hiểm Nhân thọ Tân Hoa (New China Life Insurance) đã mang đến giá trị gần 16 triệu USD phí luật sư trả cho công ty luật của cựu thư ký của ông Thẩm. Trong những tháng gần đây, vụ án này đã trở thành tâm điểm điều tra trong chiến dịch chống tham nhũng trong hệ thống chính trị và pháp luật của ĐCSTQ.
Mối liên hệ sâu sắc với băng nhóm chính trị ở Thượng Hải và Giang Tây
Đấu đá trong nội bộ ĐCSTQ là chuyện thường tình. Kết quả là, các vị chức sắc tạo lập các băng nhóm dựa trên vị trí địa lý mà họ có nhiều mối liên hệ nhất. Ông Thẩm được coi là một phần của Băng nhóm Giang Tây. Mối liên hệ của ông bắt nguồn từ việc ông xuất thân ở tỉnh Giang Tây. Sự nghiệp của ông trong hệ thống chính trị và pháp luật bắt đầu từ năm 1983 tại tỉnh thành nơi quê nhà của ông. Băng nhóm Giang Tây thường được biết đến là cánh tay phải của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân.
Nhà bình luận chính trị Vương Hách (Wang He) nói rằng mối liên hệ của ông Thẩm với ông Giang quá rõ ràng. Ông Thẩm đã có một cống hiến lớn lao cho phe cánh của ông Giang vào năm 2006, khi một vụ bê bối tài chính xung quanh việc lạm dụng quỹ an sinh xã hội của Thượng Hải nổ ra. Việc này có liên quan đến Bí thư Thành ủy Thượng Hải đương thời của ĐCSTQ, ông Trần Lương Vũ (Chen Liangyu), người theo phe ông Giang. Để “kiểm soát thiệt hại,” ông Thẩm đột ngột được điều động từ Tối cao Pháp viện đến Thượng Hải với tư cách là người đứng đầu Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Thành phố Thượng Hải.
Nhiệm vụ của ông Thẩm là kiểm soát độ sâu của cuộc điều tra này, để đừng dính líu đến quá nhiều thuộc hạ của ông Giang. Ngay sau khi cuộc điều tra này kết thúc, ông Thẩm được điều chuyển trở lại Tối cao Pháp viện và được thăng cấp từ “thẩm phán cấp II” lên “thẩm phán cao cấp,” và từ “phó chánh án” lên “phó chánh án thường trực” của tòa án này.
Ngay sau khi ông Thẩm bị lật đổ, Tối cao Pháp viện cho biết trong một tuyên bố rằng họ ủng hộ “thanh trừng kiên quyết và tận cùng những ảnh hưởng có hại còn sót lại của ông Thẩm Đức Vịnh.” Ông Vương Hách cho biết điều đó cho thấy rằng ông Tập Cận Bình đang trong quá trình giành quyền kiểm soát hệ thống tư pháp, vốn là hệ thống mà ông Giang từng thâu tóm.
Vòng đời sự nghiệp của ông Thẩm tại Tối cao Pháp viện từ năm 1998 đến năm 2018 cũng tương tự như cuộc đời của ông Mạnh Kiến Trụ (Meng Jianzhu), một thành viên khác của Băng nhóm Giang Tây.
Ông Mạnh, một người Giang Tây, có mối liên hệ với họ hàng của ông Thẩm trên khắp tỉnh này. Ông từng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Giang Tây vào năm 2001, và sau đó được thăng chức làm Trưởng Ban Chính trị và Pháp luật Trung ương (PLAC).
Vào thời điểm ông Thẩm quay lại Tối cao Pháp viện từ Thượng Hải vào tháng 04/2008, ông Mạnh đã được đề bạt làm lãnh đạo PLAC. Mối liên hệ giữa hai người này càng trở nên khăng khít hơn. Ông Thẩm đã từng xuất hiện tại nhiều sự kiện cấp lãnh đạo cùng với ông Mạnh.
Ông Mạnh đã về hưu vào tháng 03/2018. Ba tháng sau, bất chấp nhiệm kỳ của ông Thẩm có vẻ ổn định và phụng sự cho ba vị chánh án tối cao pháp viện khác nhau, nhưng ông đã đột ngột bị loại khỏi Tối cao Pháp viện và được bổ nhiệm vào một vị trí bên lề.
Nhà bình luận chính trị Trịnh Hạo Xương (Zheng Haochang) nói rằng “trong các cơ quan của ĐCSTQ, cấp phó thường là người có quyền lực thực sự, trong khi người đứng đầu thường là một chính khách không có thực quyền. Việc ông Thẩm Đức Vịnh giữ chức Phó Chánh án thường trực của Tối cao Pháp viện trong 10 năm qua cho thấy ông ta nắm trong tay quyền chiến lược thực sự. Việc ông Thẩm bây giờ bị lật đổ cũng có những ẩn ý thâm sâu.”
Cô Kelly Song là một tác gia của The Epoch Times tại Hoa Kỳ, chuyên về tất cả những vấn đề liên quan đến Trung Quốc.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: