Cứu người lúc nguy nan, thiện báo lời này quả không hư dối
Dân Gian Trung Quốc lưu truyền không ít những câu tục ngữ về chủ đề thiện ác báo ứng, chẳng hạn như “thiện ác báo ứng, như bóng theo hình”, “thiện hữu thiện báo”, “trời biết đất biết thần biết quỷ biết, có gì mà không biết”; “thiện báo ác báo, báo chậm hay báo trễ, cuối cùng đều sẽ báo”.
Từ xưa đến nay, rất nhiều câu chuyện xảy ra trên thế gian đều đã khẳng định những đạo lý này. Ví dụ, những người lương thiện giúp đỡ người khác lúc nguy nan được ghi chép trong sử sách đều được trời ban thưởng không lâu sau đó.
Đàm Công Tương Dương cứu người con trai đỗ Tiến sĩ đầu bảng
Đàm Nguyên Xuân vào thời nhà Minh, tự là Hữu Hạ, hiệu là Cốc Loan, biệt hiệu là Soa Ông, người quận Cánh Lăng, tỉnh Hồ Quảng (nay là thành phố Thiên Môn, tỉnh Hồ Bắc). Phụ thân là người lương thiện, có thời gian sống ở Tương Dương. Một buổi sáng ông lên thuyền, lúc thuyền vừa rời bến thì bỗng nghe thấy tiếng khóc vọng lại từ trên bờ, ông lập tức bảo thuyền phu dừng thuyền lại, rồi hỏi người đang khóc kia có chuyện gì mà bi thương như vậy. Người đang khóc kia nói rằng mình là sai dịch ở trong làng, vì làm mất một khoản tiền của quan phủ, không cách nào hoàn trả nên đành nhảy xuống nước tự vẫn.
Đàm Công an ủi rằng: “Bạc của ngươi chưa mất đâu”, Vừa nói, vừa lấy trong túi ra một ít bạc đưa cho hắn. Sai dịch nói: “Đây không phải là bạc đã mất của tôi, tôi làm sao có thể nhận bừa được.” Đàm Công vẫn kiên quyết bảo anh ta nhận để giải quyết việc cấp bách trước mắt.
Sau đó, dưới thời Thiên Khải, Đàm Nguyên Xuân nằm mộng thấy thần hiện ra nói: “Ngươi hãy nỗ lực phấn chấn, sự việc cha người đã làm ở Tương Dương sẽ được hồi báo lên thân ngươi đó”. Đàm Nguyên Xuân giật mình tỉnh giấc, đem những lời nghe được trong mộng kể lại với mẫu thân và hỏi: “Phụ thân năm đó ở Tương Dương có phải đã làm qua việc đại thiện nào không?”. Mẫu thân anh ta đem câu chuyện Đàm Công tặng bạc kể lại với anh.
Không lâu sau, Đàm Nguyên Xuân đỗ đầu kỳ thi hương. Sau đó, anh trở thành văn học gia, cùng với người đồng hương là Xung Tinh sáng lập nên “Cánh Lăng phái”, lời văn chú trọng nội tâm con người, phản đối mô phỏng cổ xưa, đề xướng phong cách cô đơn tĩnh mịch.
Người bán nước lấy vợ lại tôn kính như mẹ – Bà lão nạp rể lại tìm được con gái
Vào những năm đầu Thuận Trị triều Thanh, ở kinh thành có một người bán nước, tên gọi là Triệu Tốn, đã đến tuổi lập thất nhưng vẫn chưa cưới được vợ. Bạn bè của anh chung tay góp được một ít tiền để anh cưới vợ. Triệu Tốn ra chợ mua được một người phụ nữ che mặt với giá 20 lượng bạc, đến đêm tân hôn, lúc giở khăn che mặt thì phát hiện là một bà lão tóc bạc trắng. Triệu Tốn không hề tức giận, ngược lại còn nói rằng: “Trẻ lấy già, chuyện trái ngược với đạo đức luân lý này tôi không dám làm. Tôi nguyện ý xem người như mẹ ruột để phụng dưỡng, hằng ngày cung phụng đồ ăn thức uống” . Bà lão đồng ý.
Một thời gian sau, bà lão thấy Triệu Tốn hành vi cử chỉ cung kính, cẩn trọng, đối với bà hết mực chăm sóc, bèn gọi anh đến nói rằng: “Bạn của con góp tiền vốn là để cho con cưới vợ, nay con cả người lẫn tiền đều không có, ta trong lòng cảm thấy rất bất an. Ở chỗ ta đây có cất giữ một viên trân châu, con hãy đem bán đi để lấy tiền cưới vợ”. Triệu Tốn đem viên trân châu của bà lão đi bán được 20 lượng bạc, lần này ra chợ mua được một cô gái. Hai người vừa mới bước vào nhà, cô gái vừa trông thấy bà lão thì bật khóc nức nở, phủ phục trên đất bái lạy, thì ra cô gái chính là con ruột của bà lão.
Bà lão vốn là người huyện Hồng Động, gia cảnh giàu có sung túc, bà có một người con gái và hai người con trai đều làm quan vào cuối triều đại nhà Minh. Trong lúc chiến sự loạn lạc, bà lão lạc mất con gái và hai người con trai. Hôm nay được đoàn tụ cùng con gái ở kinh thành, bèn cũng muốn quay trở về quê hương để tìm lại hai người con trai. May mắn thay, bà lão vẫn còn cất giữ hơn 100 viên trân châu, đem bán một ít làm lộ phí đi đường.
Bà lão cùng với con gái và con rể cuối cùng cũng về đến quê nhà, tìm lại được hai người con trai. Hai người con trai gặp lại mẹ và em gái thì vui mừng khôn xiết, bèn đem tài sản chia làm ba phần, hai người con trai và con rể mỗi người một phần. Cả gia đình sống vui vẻ hạnh phúc cùng nhau.
Chuyện này quả thật là: “Triệu Tốn lấy vợ nhưng tôn kính như mẹ, bà lão nạp rể lại tìm được con gái, thật là điều bất ngờ ngoài mong đợi”
- Tài liệu tham khảo:Ký Viên Ký Sở Ký
Oanh Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: