Cựu nghị sĩ Canada: ‘Họ sẽ mạnh mẽ’, người dân Trung Quốc sẽ quyết định số phận của chế độ
Một cựu nghị sĩ Canada là người nhập cư Ba Lan, đã từng tham gia phong trào đoàn kết cơ sở đã giúp đánh bại sự cai trị của Liên Xô ở Ba Lan cho biết, người dân Trung Quốc sẽ là những nhân tố chủ chốt để lật đổ chế độ độc tài độc đảng ở Trung Quốc.
Ông Wladyslaw Lizon, một cựu nghị sĩ Đảng Bảo thủ, người đại diện cho Mississauga East-Cooksville từ năm 2011 đến năm 2015, cho biết, “ĐCSTQ đã nắm quyền ở Trung Quốc hơn 70 năm, nhưng điều này sẽ không kéo dài mãi mãi.”
“Người dân Trung Quốc, tôi thực sự tin rằng họ sẽ tập hợp lại với nhau, họ sẽ mạnh mẽ, họ sẽ phản đối nó, và họ sẽ hạ bệ chính quyền đó, vì lợi ích của tất cả người dân — và vì lợi ích của thế giới.”
Ông Lizon, là thành viên Quốc hội gốc Ba Lan đầu tiên của Canada, đã tham gia phong trào Đoàn kết chống cộng sản của Ba Lan khi phong trào này được thành lập vào năm 1980, ông mạo hiểm cả mạng sống của mình để chống lại sự cai trị của Liên Xô. Ông định cư ở Canada vào năm 1988 — một năm trước khi Bức tường Berlin bị phá bỏ, báo hiệu sự sụp đổ của Liên bang Xô viết.
“Tôi vẫn ở Ba Lan khi chính quyền muốn dẹp tan phong trào — họ áp đặt thiết quân luật, đưa quân đội, cảnh sát chống bạo động vào”, ông hồi tưởng.
“Tôi đã biểu tình cùng với những người công nhân, đối mặt với xe tăng, và đối mặt với cảnh sát chống bạo động. Một số người bị thương, nhưng cảm ơn Chúa, không có đổ máu lớn, và không có nhiều thương vong, hầu hết là ôn hoà.”
Ông Lizon, người đồng sáng lập dự án Đài tưởng niệm các nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản đang được xây dựng ở Ottawa, cho biết, điều quan trọng đối với những người bất đồng chính kiến ở Ba Lan là có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để nâng cao tinh thần, khi các căng thẳng với lực lượng Liên Xô leo thang thành thiết quân luật.
“Chúng tôi đã bám vào radio để biết tình hình thế giới — thế giới đang nói gì… liệu chúng tôi có bị bỏ lại một mình, hay có những người ủng hộ?”, ông cho biết.
“Thật đáng khích lệ khi chúng tôi biết có những cuộc biểu tình ở New York, ở Toronto, và ở nhiều nơi ở châu Âu, để ủng hộ các hoạt động của chúng tôi. Đây là thứ đã tiếp cho chúng tôi thêm sức mạnh.”
Ông Lizon cho biết loại hình hỗ trợ quốc tế này là “những gì sẽ cần thiết và cần thiết ngay bây giờ” ở Trung Quốc, để thúc đẩy lòng can đảm của người dân Trung Quốc trong việc đối đầu với ĐCSTQ.
“Một điều rất quan trọng là những người quyết định sẽ đối đầu, và đấu tranh cho tự do, cho các quyền cơ bản của con người, và cho các quyền dân chủ cơ bản ở Trung Quốc — họ phải biết được rằng chúng ta ủng hộ họ. Họ phải biết được rằng họ không đơn độc”, ông phát biểu.
“Nó phải xuất phát từ bên trong, nhưng nó sẽ không xảy ra nếu không có sự hỗ trợ của thế giới.”
Trong khi đó, trong những tháng gần đây, ĐCSTQ đã phải đối mặt với các phản ứng dữ dội ngày càng tăng từ cộng đồng quốc tế trong việc giấu giếm và xử lý sai đại dịch, cũng như các hành động gây hấn ở Hồng Kông sau khi áp dụng luật an ninh quốc gia mới.
Vào ngày 22 tháng 9, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã nói với Đại hội đồng Liên Hợp Quốc rằng thế giới “phải quy trách nhiệm cho Trung Quốc về những hành động của họ” đã dẫn đến đại dịch COVID-19 toàn cầu. Chính quyền Hoa Kỳ cũng tăng cường các biện pháp trả đũa chống lại ĐCSTQ trong những tháng gần đây, như xử phạt những quan chức vi phạm nhân quyền ở Hồng Kông và Tân Cương, đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, và cấm các công ty công nghệ Trung Quốc bị cáo buộc hoạt động gián điệp.
Ông Lizon nói rằng, các quốc gia G7 cần hình thành một liên minh mạnh mẽ và có cách tiếp cận thống nhất đối với Trung Quốc, nếu không chế độ này sẽ tiếp tục cô lập và đe dọa các quốc gia chỉ trích nó.
Ông cho biết, “Trung Quốc sẽ sử dụng quốc gia này để đấu với quốc gia kia.”
“Chúng ta không có một chính sách thống nhất, nhưng tôi thực sự hy vọng rằng nhiều quốc gia hiện đang nhận ra — họ có thể thấy những gì đang diễn ra, và họ sẽ nhận ra rằng họ không có lựa chọn nào khác”, ông nói thêm.
“Họ phải tập hợp lực lượng của mình – không phải để tiêu diệt Trung Quốc, mà để có một chính sách mạnh mẽ. Điều này sẽ giúp những người đang đấu tranh cho các quyền tự do dân chủ ở Trung Quốc, nhưng đồng thời chúng ta cũng cần bảo vệ các quyền tự do và vị thế của chúng ta, với tư cách là thế giới dân chủ.”
360 triệu người Trung Quốc đã ‘thoái xuất’ khỏi ĐCSTQ
Số lượng các cuộc biểu tình ở Trung Quốc tăng đều kể từ đầu những năm 1990, giới lãnh đạo Trung Quốc đã sử dụng nhiều chiến lược khác nhau để dập tắt: đàn áp bạo lực, kiểm duyệt, bỏ tù, hoặc “lao động cải tạo” đối với những người bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động, và thiết lập mạng lưới giám sát nội địa rộng lớn để giám sát mọi công dân.
Nhưng các nhóm bất đồng chính kiến vẫn tiếp tục. Ví dụ, vào ngày 21 tháng 9, hơn 100 người khiếu kiện ở Bắc Kinh đã đến trụ sở cảnh sát thành phố để xin giấy phép biểu tình phản đối tham nhũng, họ cho cho rằng tài sản của họ đã bị các quan chức tham nhũng đánh cắp. Các khẩu hiệu phản đối bao gồm “duy trì luật pháp” và “đấu tranh cho các quyền cơ bản.”
Những người biểu tình này nhanh chóng bị cảnh sát bao vây – hơn 40 người bị bắt và giam giữ trong khi một số người khác thoát khỏi hiện trường.
Đây là loại hình bất đồng chính kiến quy mô nhỏ, thường xoay quanh các khiếu nại về tham nhũng của các quan chức địa phương. Tuy nhiên, một phong trào lớn hơn đã diễn ra ở từ trước, kể từ năm 2004 – phong trào “Thoái Đảng” – kêu gọi người dân Trung Quốc thoái đảng một cách hòa bình, và tránh xa ĐCSTQ.
Thông qua công việc của các tình nguyện viên Thoái Đảng ở Trung Quốc và trên toàn thế giới, 360 triệu người Trung Quốc đã “thoái xuất” hoặc từ bỏ tư cách thành viên trong ĐCSTQ và các tổ chức liên đới. Tuyên bố từ bỏ — sử dụng tên thật hoặc bí danh — được thu thập và đăng lên trang web tiếng Trung của Trung tâm Thoái Đảng.
Ông Lizon cho biết, số lượng lớn người đã thoái xuất khỏi ĐCSTQ là một dấu hiệu tốt cho nền dân chủ trong tương lai, nhưng đó mới chỉ là “bước đầu tiên”.
“Phải có bước tiếp theo. Sau bước đầu, những người này sẽ phải tập trung lại. Phải hợp lực, làm việc cùng nhau, phải có khả năng và phải sẵn sàng chấp nhận hy sinh vì lợi ích không chỉ của người dân Trung Quốc mà của tất cả người dân trên thế giới”, ông cho biết, và bổ sung là việc này làm ông nhớ lại lòng dũng cảm của các nhà hoạt động dân chủ mà ông đã làm việc cùng ở Ba Lan.
“Nhiều người tham gia, và họ sẵn sàng hy sinh… sẵn sàng từ bỏ mạng sống của mình. Tôi không nghĩ rằng lúc đó chúng tôi hoàn toàn nhận thức được ý nghĩa của việc đó là gì, nhưng đó là cảm giác chung. Và đó là những gì phong trào cần. Sẽ cần sự hy sinh, cần sức mạnh, cần mọi người đoàn kết. Khi mọi người đoàn kết, họ sẽ mạnh mẽ.”